Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Vệ sinh an toàn thực phẩm

Vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh sau mùa mưa lũ

10:13 16/09/2019

Hàng năm vào mùa mưa lũ làm ngập không ít những bãi rác, nhà vệ sinh, xác xúc vật chết, chất thải của con người, của xúc vật…v.v…gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt khi nước rút đi làm ô nhiễm môi trường thêm trầm trọng, sự nguy hiểm của chúng nếu không giải quyết nhanh chóng sẽ làm mùi hôi thối, các vi sinh vật có hại khuếch tán ra môi trường làm ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, do đó chúng ta phải khắc phục nhanh tình trạng vệ sinh môi trường sau khi nước rút như sau:

1. Khi nước rút  chúng ta  nên thu gom rác làm vệ sinh xung quanh nhà mình và khu dân cư, thu gom rác, xác xúc vật chết, khai thông nước đọng, tẩy rửa những nơi ngập nước để lập lại môi trường vệ sinh nhà cửa, khu dân cư.

2. Cần lưu ý phòng các dịch bệnh trong và sau khi nước rút như:

- Phòng bệnh SXH: mọi người cần phải tiêu diệt lăng quăng ở tất cả các dụng cụ chứa nước trong và quanh nhà của mình, phải diệt muỗi thường xuyên, phải ngủ mùng kể cả ban ngày và tránh không để muỗi chích.

- Phòng các bệnh đường ruột: bệnh dịch tả, bệnh kiết lỵ, bệnh thương hàn và phòng ngộ độc thực phẩm: mọi người cần phải sử dụng nguồn nước sạch để sinh hoạt và chế biến thức ăn, (những hộ gia đình sử dụng nước sông cần khử trùng nước bằng chloramine B được cấp miễn phí tại trạm Y Tế phường), thức ăn phải nấu chín, đậy kín, hâm nóng trước khi ăn, uống nước phải được đun sôi, rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn và trước khi ăn.

- Phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ em: Trẻ em phải được giữ vệ sinh thật tốt như giữ vệ sinh trong ăn uống, giữ vệ sinh đồ chơi, sàn nhà, nơi vui chơi của trẻ bằng cách rửa tay trước khi ăn, không cho trẻ ngậm tay, rửa, lau chùi bằng xà phòng thường xuyên và phải theo dõi khi trẻ sốt, đau họng, nổi phỏng nước ở miệng, lòng bàn tay bàn chân, đôi khi thấy ở mông, gốí đến ngay cơ sở Y Tế để được chuẩn đoán, theo dõi điều trị..

- Phòng bệnh ngoài da: mọi người cần phải rửa lại bằng nước sạch, nước xà phòng ngay sau khi da tiếp xúc với nước bẩn và phải giữ cho da không bị ẩm ướt.

Ngoài ra,  cần phải giữ ấm cơ thể để phòng cảm lạnh, phòng viêm phổi ở trẻ em và người lớn, cần tiêm ngừa cho trẻ em định kỳ tại trạm y tế để phòng 10 bệnh truyền nhiễm như lao, sốt bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan siêu vi - B, viêm màng não, viêm phổi, sởi, Rubella và vệ sinh mắt thật tốt, rửa mặt bằng nước sạch, sử dụng riêng khăn lau mặt để phòng bệnh viêm mắt đỏ.

Cần phải sửa chữa sắp xếp lại đồ đạc trong nhà, tổ chức làm vệ sinh xung quanh nhà, tham gia cùng cộng đồng vệ sinh trong tổ dân phố, trong khóm, xử lý rác tồn đọng sau mưa lũ, cần tẩy uế mùi hôi do rác, xác súc vật chết.

 Vệ sinh môi trường sau khi nước rút là việc làm hết sức cần thiết, với phương châm: “Nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó” nhằm đem lại vẽ mỹ quan và giúp phòng ngừa được các loại dịch bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng, vì sức khỏe của cộng đồng, chúng ta cùng chung tay thực hiện.

Ys. Trần Văn Hải

TYT phường Bình Đức, Long Xuyên

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang