Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Phòng bệnh sởi khi thời tiết giao mùa

04:18 03/12/2020

Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột, nhiệt độ chênh lệch lớn tạo điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn có hại phát triển và gây bệnh. Sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát trong thời điểm này.

Sởi là một bệnh dễ lây lan, nếu trong gia đình có một người bị bệnh thì có đến 90% những người chưa có miễn dịch sẽ bị nhiễm bệnh. Người bệnh phát tán virus mạnh nhất là vào giai đoạn xuất tiết thông qua các hạt nhỏ bắn ra khi ho, khi nói chuyện hoặc khi tiếp xúc. Đối với trẻ sơ sinh được mẹ truyền các kháng thể miễn dịch thông qua nhau thai. Lượng kháng thể có thể tồn tại từ 4 đến 6 tháng, do vậy trẻ ít khi mắc bệnh trong giai đoạn này. Tuy vậy, một số bằng chứng cho thấy kháng thể từ mẹ có thể bảo vệ trẻ đến tháng thứ 9 sau khi sinh. Đây là lý do tiêm chủng ngừa sởi thường được thực hiện khi trẻ đủ 9 tháng.

Thời kỳ ủ bệnh thường kéo dài từ 10 đến 12 ngày kể từ khi trẻ bị nhiễm virus gây bệnh.  Trong giai đoạn này trẻ không biểu hiện triệu chứng gì của bệnh. Giai đoạn phát bệnh đặc trưng bởi sốt mức độ nhẹ đến vừa, ho khan, chảy mũi nước, viêm kết mạc mắt. Những triệu chứng này hầu như luôn luôn xảy ra trước khi  ban xuất hiện. Kết mạc mắt có thể bị viêm đỏ và có dấu hiệu sợ ánh sáng. Người bệnh thường có ho khan. Đôi khi có những triệu chứng nặng nề như sốt cao, co giật hoặc thậm chí viêm phổi. Đây là giai đoạn điển hình nhất của bệnh với triệu chứng phát ban tuần tự trên da. Ban thường xuất hiện đầu tiên ở vùng chân tóc phía sau tai, sau đó xuất hiện ở mặt và lan dần xuống phía dưới trong vòng 24 đến 48 giờ. Ban sởi là những ban dạng dát sẩn hơi nổi lên trên bề mặt da, sờ mịn như nhung và không đau, không hoặc ít ngứa, không sinh mủ. Trong trường hợp nhẹ, ban thường đứng gần nhau nhưng riêng rẽ. Trong trường hợp nặng, ban có xu hướng hợp với nhau làm thành những ban lớn hơn, thậm chí từng mảng xuất huyết. Khi ban lan đến chân thì sốt cũng đột ngột giảm đi nếu không có biến chứng. Sau đó ban cũng nhạt dần và mất đi đúng theo tuần tự nó đã xuất hiện, trên da còn lại những dấu màu sậm lốm đốm như vằn da báo.

Các biến chứng thường gặp của sởi là viêm tai giữaviêm phổitiêu chảyviêm não. Chính các biến chứng này làm kéo dài thời gian bệnh, ảnh hưởng đến dinh dưỡng của trẻ. Hậu quả là suy dinh dưỡng và  là tiền đề cho các bệnh nhiễm trùng phát sinh.

- Viêm tai giữa: Là biến chứng luôn luôn phải nghĩ đến ở trẻ mắc sởi. Nếu không phát hiện kịp thời, viêm tai giữa có thể gây thủng màng nhĩ ảnh hưởng đến thính lực. Đôi khi viêm tai giữa cấp không được điều trị đúng có thể đưa đến viêm tai giữa mạn tính với biến chứng nguy hiểm là viêm tai xương chũm và áp xe não

- Tiêu chảy: Là biến chứng thường gặp sau sởi đặc biệt ở những trẻ suy dinh dưỡng và thiếu vitamin A. Trẻ dễ bị mắc lỵ trực trùng và tiêu chảy kéo dài. Đôi khi do cơ địa suy kiệt, bệnh nhi dễ có nguy cơ nhiễm trùng huyết

- Viêm não: Ước tính tỉ lệ  khoảng 1-2/1000 trường hợp mắc sởi.

Ngoải  ra sởi còn gây viêm loét giác mạc, viêm cơ tim, làm suy giảm chức năng miễn dịch của cơ thể nên có thể tạo điều kiện cho thể lao tiềm ẩn tái bùng phát.

Để phòng tránh bệnh sởi, chúng ta cần áp dụng các biện pháp sau đây:

1. Tiêm phòng: Tiêm Vaccine là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Trẻ đủ 9 tháng tuổi tiêm mũi đầu tiên và nhắc lại khi trẻ 18 tháng;

2. Vệ sinh cá nhân: Thường xuyên rửa tay xà bông diệt khuẩn, vệ sinh mắt, mũi họng hành ngày cho trẻ;

3. Đeo khẩu trang: Đeo khẩu trang để phòng bệnh là một việc đơn giản nhưng hiệu quả để ngăn ngừa virus, vi khuẩn lây qua đường hô hấp. Nên sử dụng khẩu trang khi tới bệnh viện, khi ở gần nguồn lây nhiễm, hoặc nơi tụ tập đông người;

4. Giữ ấm cơ thể: Ở những ngày giao mùa nóng lạnh thất thường, cơ thể dễ bị cảm lạnh, nhất là ở người già và trẻ nhỏ. Vì vậy, cần giữ ấm cổ, ngực, lưng, đặc biệt là gan bàn chân. Thời điểm cần chú ý là ban đêm, lúc đi ngũ và đi tắm;

5. Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng: Ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh. Các loại trái cây thuộc họ cam quýt như cam, bưởi là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào. Một số loại thực phẩm có tác dụng tăng sức đề kháng như rau xanh hoặc các loại thực phẩm như cá, thịt bò, tỏi cũng sẽ giúp cơ thể chống chọi với các nguy cơ gây bệnh tốt hơn.

Ngoài ra,  theo nghiên cứu còn có mối tương quan nghịch giữa nồng độ Vitamin A trong máu với mức độ nặng của sởi. Điều trị bằng Vitamin A đường uống chứng tỏ làm giảm tỷ lệ tử vong cũng như biến chứng ở trẻ em mắc sởi. Liều khuyến cáo là 100 000 đơn vị quốc tế cho trẻ 6 tháng đến 12 tháng; 200 000 đơn vị cho trẻ trên 12-36 tháng tuổi và dùng liều duy nhất. Trẻ suy dinh dưỡng và trẻ có dấu hiệu ở mắt do thiếu vitamin A nên thêm một liều vào ngày hôm sau và một liều thứ ba 4 tuần sau đó./.

Nguyễn Minh Thời

TTYT Tịnh Biên

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang