Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Phòng chống tai nạn đuối nước

09:53 22/08/2019

Hàng năm có rất nhiều vụ tai nạn đuối nước, cướp đi nhiều sinh mạng, nhất là trẻ em lứa tuổi học Tiểu học và Trung học cơ sở, vì ở lứa tuổi này các em thường hiếu động, tò mò, thích nghịch nước… trong khi các em chưa hiểu đầy đủ về tai nạn đuối nước.

Như chúng ta đã biết, đuối nước là một tai nạn bất ngờ, không có nguyên nhân rõ ràng, khó lường trước được và có thể xảy ra mọi lúc, nhất là dịp hè, thời tiết nóng bức và xảy ra ở mọi nơi như tắm biển, sông, ao, hồ, kênh rạch…

1. Nguyên nhân gây đuối nước:

 - Nguyên nhân đuối nước hay xảy ra đối với trẻ lớn tuổi do bản tính hiếu động, tò mò; đối với trẻ nhỏ do tính thích nghịch nước hoặc do sự bất cẩn của gia đình. Cho dù trẻ em không biết bơi lội hay biết bơi lội cũng không lường trước hết được sự nguy hiểm của tai nạn.

- Ngoài ra, môi trường sống chung quanh cũng luôn luôn có những yếu tố nguy cơ rình rập gây nên tai nạn đuối nước cho trẻ em như chậu nước, chum vại, bể nước, giếng nước... không có nắp đậy an toàn; sông, hồ, suối, ao nước... không được rào chắn và có biển báo nguy hiểm. Cũng là những nơi dễ gây nên tai nạn đuối nước.

2. Phòng tránh tai nạn đuối nước:

-  Không được phép bơi khi chưa xin phép bố mẹ

- Không chơi ở những nơi gần sông, hồ… khi không có người lớn

- Không tắm, bơi ở những nơi có nước sâu, chảy xiết, xoáy và không có người lớn biết bơi & cứu đuối.

- Không bơi khi trời đã tối, có sấm chớp, mưa.

- Tuyệt đối tuân theo các bảng chỉ dẫn nguy hiểm.

- Phải khởi động trước khi xuống nước.

- Không ăn uống khi đang bơi để tránh sặc nước.

- Không đi tắm bơi lội ở ao hồ một mình mà không có người lớn biết bơi đi kèm.

- Cần thực hiện nghiêm túc về an toàn giao thông đường thủy như: An toàn về phương tiện, có đầy đủ phao cứu sinh, áo phao, chở đúng số người quy định.

3. Xử lí khi gặp tai nạn đuối nước:

- Khi phát hiện thấy người bị rơi ngã hoặc chìm xuống nước, cần hô to, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay từ khi nhìn thấy nạn nhân. Tuyệt đối không được nhảy theo cứu nạn nhân nếu mình không biết bơi và không biết cách cứu đuối vì bản thân mình cũng có thể bị đuối nước.

- Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nước bằng cách đưa cánh tay, cây sào dài cho nạn nhân nắm, ném phao có buộc dây thừng... và kéo nạn nhân lên bờ một cách an toàn. Có thể ném một sợi dây dai, chắc... từ bờ để nạn nhân túm lấy được và kéo nạn nhân vào bờ hoặc cùng với mọi người vớt nạn nhân lên.

- Đặt nạn nhân nằm chỗ thoáng khí.

- Nếu nạn nhân bất tỉnh, kiểm tra xem còn thở không bằng cách quan sát chuyển động của lồng ngực, người có kiến thức sơ cứu sẽ kiểm tra lấy các dị vật ở miệng ra (nếu có), thực hiện phương pháp hà hơi thổi ngạt, ấn tim ngoài lồng ngực và kiểm tra lại dấu hiệu sinh tồn của nạn nhân.

- Nếu nạn nhân còn thở, cần đặt nạn nhân nằm nghiêng một bên để chất nôn dễ thoát ra.

- Cởi bỏ quần áo ướt, dùng khăn khô để giữ ấm cho nạn nhân.

- Nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế ngay cả khi nạn nhân có vẻ bình thường hoặc đã hồi phục hoàn toàn sau sơ cứu vì nguy cơ khó thở thứ phát có thể xảy ra vài giờ sau khi ngạt nước.

- Mùa hè đến, các em được nghỉ, đồng thời cũng là mùa mưa lũ, mùa du lịch, thời gian vui chơi nhiều. Vì vậy các bậc phụ huynh hãy quan tâm nhiều hơn nữa đến việc sinh hoạt, vui chơi của con em mình, thường xuyên nhắc nhở, trang bị cho các em kỹ năng về bơi lội, có kiến thức về phòng chống đuối nước để các em có kỳ nghỉ hè thực sự an toàn và bổ ích sau một năm học, phòng tránh tốt những tai nạn thương tích, phòng đuối nước cho các em.

Nguyễn Văn Dũng – TYT xã Tân Thạnh

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang