Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Tìm hiểu vắc xin phòng dịch bệnh COVID-19

02:42 26/05/2021

Dịch bệnh COVID-19 khởi phát đầu tiên tại thành phố Vũ Hán ở Trung Quốc từ tháng 12 năm 2019. Sau đó lây sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Số ca nhiễm và tử vong tăng từng ngày với tốc độ rất nhanh. Đến nay, dịch bệnh đã lan rộng trên 200 quốc gia. Các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề là Mỹ, Ấn Độ, Brazin,… Giáp ranh chúng ta, Campuchia cũng có số ca nhiễm tăng nhanh từng ngày.

Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, ngày 18/05/2021. Trên thế giới đã có 164.287.886 ca nhiễm bệnh, tử vong 3.404.891 ca; tại Việt Nam có 4.385 ca nhiễm, tử vong 37 ca.

Đứng trước tình hình dịch bệnh đang tăng nhanh, các nước trên thế giới đang đẩy nhanh việc tiêm vắc xin cho người dân, nhằm làm hạn chế sự lây lan, từng bước khống chế dịch bệnh để ổn định và phát triển kinh tế. Trong đó, giải pháp sử dụng vắc xin là một giải pháp rất quan trọng để ngăn số ca mắc mới.

Vắc xin là chế phẩm có tính kháng nguyên, có nguồn gốc từ vi sinh vật (tác nhân gây bệnh hay gần giống tác nhân gây bệnh), đảm bảo an toàn và sinh miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh. Năm 1976: Edward, một bác sỹ người Anh đã tìm ra vắc xin đậu mùa; năm 1897: Louis Pasteur (Pháp) và các nhà khoa học khác tìm ra các loại vắc xin tả, bệnh than, sau đó các loại vắc xin khác lần lượt ra đời.

Khi cơ thể bị tác nhân gây bệnh từ bên ngoài như vi rút, vi khuẩn xâm nhập, tấn công, các tế bào bạch cầu sẽ tạo ra kháng thể để tiêu diệt tác nhân gây bệnh. Tiêm chủng là việc đưa vắc xin vào cơ thể nhằm kích thích cơ thể tạo ra kháng thể, để tiêu diệt tác nhân gây bệnh, sinh ra miễn dịch chủ động để chống lại bệnh. Như vậy, vắc xin giúp chúng ta chủ động phòng bệnh thông qua hệ miễn dịch của cơ thể.

Đến nay, đã có gần 30 bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh, khoảng 190 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đưa vắc xin vào sử dụng cho người dân. Do đó, tiêm chủng có vai trò rất lớn đối với sức khỏe con người.

Hiện nay, có nhiều loại vắc xin phòng COVID-19 đang được sử dụng.

Để đảm bảo quyền tiếp cận công bằng và bình đẳng đối với vắc xin COVID-19 khi nó được phát triển, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra sáng kiến COVAX. Tính đến ngày 09/10/2020,  đã có 171 quốc gia tham gia sáng kiến COVAX, Việt Nam có được vắc xin nhờ có tham gia sáng kiến này.

Sáng ngày 24/02/2020, 117.600 liều vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca (Anh sản xuất) đã về sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM). Ngày 07/04/2021, Bộ Y tế ra quyết định phân bổ vắc xin COVID-19 đợt 2; theo đó khu vực Tây nguyên được 49.000 liều, khu vực miền Nam được 245.350 liều, trong đó, thành phố Hồ Chí Minh được 56.250 liều, Đồng Tháp được 16.150 liều, Cần Thơ được 6.700 liều, tỉnh An Giang được 16.200 liều. Hiện nay, An Giang đã triển khai tiêm vắc xin cho các đối tượng theo Nghị quyết 21 của Chính Phủ./.

Bs. Văn HiểnTài -  Khoa TT-GDSK, TT. Kiểm soát bệnh tật An Giang

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang