Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Ngày Dân số Thế giới 11/7 năm 2020: Bảo vệ quyền và sức khỏe của phụ nữ, trẻ em gái trong đại dịch COVID-19

10:08 15/07/2020

Đại dịch COVID-19 đã gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng tới tất cả mọi người, các cộng đồng và các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, hậu quả mà mỗi người phải hứng chịu là khác nhau. Qua phân tích cho thấy phụ nữ là đối tượng gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của dịch bệnh COVID-19 và phụ nữ vẫn là đối tượng chiếm phần lớn trong số nhân viên y tế tuyến đầu, phải đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm trước vi rút SARS-CoV-2 rất cao.

Bên cạnh đó, các chuỗi cung ứng toàn cầu hiện đang gặp phải tình trạng gián đoạn, tác động tới khả năng tiếp cận thuốc tránh thai và gia tăng rủi ro có thai ngoài ý muốn. Lệnh cách ly xã hội được áp dụng trên toàn quốc cùng với hệ thống y tế quá tải khiến các dịch vụ sức khỏe sinh sản và tình dục không được quan tâm đến và gây gia tăng tình trạng bạo lực trên cơ sở giới.

Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) nhận định, nếu dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài thêm 6 tháng nữa, các quốc gia tiếp tục áp dụng lệnh cách ly xã hội trong 6 tháng tới và các dịch vụ y tế vẫn bị gián đoạn, thì 47 triệu phụ nữ ở các quốc gia có thu nhập thấp - trung bình sẽ không thể tiếp cận với các phương pháp phòng tránh thai hiện đại. Hệ quả là sẽ có khoảng 7 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn và khoảng 31 triệu vụ bạo lực trên cơ sở giới.

Sự gián đoạn trong việc triển khai các chương trình của UNFPA tại cấp cơ sở có thể dẫn tới 2 triệu trường hợp cắt bỏ bộ phân sinh dục nữ và 13 triệu trường hợp tảo hôn trong giai đoạn 2020 – 2030 mà đáng ra đã có thể ngăn chặn được. Không chỉ vậy, tỷ lệ nữ giới phải làm việc trong thị trường lao động thiếu an toàn cao hơn và phải chịu ảnh hưởng về kinh tế nặng nề hơn từ đại dịch COVID-19. Gần 60% phụ nữ trên thế giới làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức và có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo đói rất cao. Lệnh đóng cửa trường học cùng với nhu cầu gia tăng của người cao tuổi đã khiến cho khối lượng công việc chăm sóc không được trả lương của phụ nữ cũng tăng theo.

Đặc biệt, đại dịch tác động nghiêm trọng tới những cộng đồng chịu thiệt thòi, làm trầm trọng thêm trình trạng bất bình đẳng và cản trở những nỗ lực nhằm giúp không ai bị bỏ lại phía sau của chúng ta. Những hành động ứng phó của chúng ta trước đại dịch COVID-19 tại mỗi quốc gia đóng vai trò quan trọng và sẽ quyết định tới tốc độ hồi phục của thế giới và tác động đến khả năng của chúng ta trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Quỹ Dân số liên hợp quốc cũng khuyến cáo cần nâng cao nhận thức về nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục, cũng như tính dễ bị tổn thương của phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh đại dịch COVID-19, nhấn mạnh đến các cách thức để bảo vệ những thành tựu không dễ gì đạt được, đảm bảo nội dung về quyền và sức khỏe sinh sản và tình dục được đưa vào chương trình nghị sự quốc gia, và tìm kiếm những phương pháp duy trì đà phát triển hướng tới việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 .

Chủ đề Ngày Dân số Thế giới 11/7 năm nay là “Đẩy lùi COVID-19: Cách thức bảo vệ quyền và sức khỏe của phụ nữ, trẻ em gái trong bối cảnh hiện tại”, là một chủ đề rất nhân văn của Liên Hợp Quốc, phản ánh một vấn đề to lớn của cộng đồng toàn cầu, nhằm khuyến khích nâng cao nhận thức về nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục của phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh đại dịch.

Tại Việt Nam, qua số liệu nghiên cứu quốc gia về Bạo lực gia đình đối với phụ nữ Việt Nam của Tổng cục Thống kê năm 2010 cho thấy 58% phụ nữ đã từng kết hôn đã phải trải qua ít nhất một trong ba hình thức bạo lực (thể chất, tình dục hoặc tinh thần) trong đời. Khoảng 50% nạn nhân đã không nói cho ai biết về hành vi bạo lực mà họ phải chịu đựng và 87% không tìm kiếm bất cứ sự trợ giúp nào từ các dịch vụ công. Và qua kết quả điều tra đánh giá các mục tiêu về trẻ em và phụ nữ Việt Nam năm 2014 (MICS5), khoảng hai phần ba trẻ em từ 1-14 tuổi đã từng trải qua một số hình thức kỷ luật bằng bạo lực tại chính gia đình của mình. Theo báo cáo của Chính phủ Việt Nam, hàng năm có hơn 2.000 trường hợp xâm hại trẻ em, trong đó 75% các trường hợp là xâm hại tình dục.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, vấn đề bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em vốn đã tồn tại trước đó đã trở nên càng trầm trọng hơn. Các báo cáo gần đây liên quan đến COVID-19 đã chỉ ra rằng những hạn chế về di chuyển, cách ly xã hội và các biện pháp ngăn chặn tương tự, cùng với áp lực cũng như căng thẳng về kinh tế-xã hội hiện tại hoặc đang gia tăng đối với các gia đình, đã dẫn đến sự leo thang của bạo lực, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em.

Bà Robyn Mudie Đại sứ Australia tại Việt Nam nói: “Bằng chứng cho thấy bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới gia tăng trong các cuộc khủng hoảng và thảm họa thiên tai. Trong đại dịch COVID-19, vấn đề mất việc làm và cách ly tại nhà đã khiến tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tăng cao ở nhiều quốc gia trên thế giới”. Bạo lực với phụ nữ và trẻ em vẫn là một trong những vi phạm về quyền con người phổ biến nhất trên thế giới hiện nay trong đó có Việt Nam. Những tác động tiêu cực của bạo lực gây ra đối với những nạn nhân, gia đình và cộng đồng là vô cùng to lớn. Vì thế,“Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em cần phải là ưu tiên hàng đầu của tất cả mọi người. Việt Nam sẽ không thể đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 nếu không giải quyết được bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Khi chúng ta giải quyết được vấn đề này thì chúng ta sẽ đảm bảo được tất cả mọi người đều là một phần trong quá trình phát triển và không ai bị bỏ lại phía sau” (Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam).

Tại Việt Nam, Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế cũng đã chọn các thông điệp nhân ngày Dân số Thế giới 11/7 như: Nam giới có trách nhiệm chia sẻ với nữ giới trong việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình và nuôi dạy con cái; hãy chọn cho mình một biện pháp tránh thai phù hợp để tránh mang thai ngoài ý muốn; không phân biệt giới, không lựa chọn giới tính thai nhi… để kêu gọi mọi người và cộng đồng xã hội hãy cùng chung tay bảo vệ phụ nữ và trẻ em khói bạo lực trong bối cảnh COVID-19./.

Văn Kim An – Chi cục Trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ

(Nguồn: Tổng cục Dân số - Unfpa Việt Nam)

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang