Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Bệnh bạch hầu và biện pháp phòng ngừa

04:44 24/09/2019

Bệnh Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng nhiễm độc do trực khuẩn Bạch hầu gây ra (Corynebacterium diphtheria) và là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch

Khả năng tồn tại của vi khuẩn bạch hầu trong môi trường bên ngoài:

+ Vi khuẩn có sức đề kháng cao ở ngoài cơ thể và chịu được khô lạnh. Nếu được chất nhày bao quanh bảo vệ thì vi khuẩn có thể sống trên đồ vật vài ngày đến vài tuần; trên đồ vải có thể sống được 30 ngày; trong sữa, nước uống sống đến 20 ngày; trong tử thi sống được 2 tuần.

+ Vi khuẩn bạch hầu nhạy cảm với các yếu tố lý, hoá. Dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp, vi khuẩn sẽ bị chết sau vài giờ, ánh sáng khuyếch tán sẽ bị diệt sau vài ngày. Ở nhiệt độ 580C vi khuẩn sống được 10 phút, ở phenol 1% và cồn 60 độ có thể sống được 1 phút.

Triệu chứng của bệnh:

- Bệnh bạch hầu thường gặp với những triệu chứng điển hình như sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng, chán ăn. Sau 2-3 ngày, xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám hoặc đen. Giả mạc dai, dính, dễ chảy máu. Bệnh nhân có thể có dấu hiệu khó thở, khó nuốt. Trường hợp bệnh nặng không có biểu hiện sốt cao nhưng có dấu hiệu sưng to cổ, khàn tiếng, khó thở, rối loạn nhịp tim, liệt.

- Có thể gặp các thể bệnh ở mũi, thanh quản và ở da. Nhiễm khuẩn ở mũi có rất ít triệu chứng, chủ yếu là chảy nước mũi.

Biến chứng của bệnh:

- Viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh dẫn truyền cơ tim, tử vong do đột ngột trụy tim mạch. Một số bệnh nhân bị viêm cơ tim và van tim, sau nhiều năm gây ra bệnh tim mạn tính và suy tim.

- Thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận.

- Tắc nghẽn đường hô hấp gây tử vong.

Nguồn truyền nhiễm:

- Ổ chứa vi khuẩn bạch hầu là người bệnh và người lành mang vi khuẩn. Đây vừa là ổ chứa, vừa là nguồn truyền bệnh.

- Thời gian ủ bệnh: Từ 2 đến 5 ngày hoặc có thể lâu hơn.

- Thời kỳ lây truyền: Người bệnh đào thải vi khuẩn từ thời kỳ khởi phát, có thể ngay từ cuối thời kỳ ủ bệnh. Thời kỳ lây truyền kéo dài khoảng 2 tuần hoặc ngắn hơn, ít khi trên 4 tuần. Người lành mang vi khuẩn bạch hầu có thể từ vài ngày đến 3, 4 tuần.

Phương thức lây truyền:

Bệnh bạch hầu được lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu. Bệnh còn có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.

Phòng bệnh bạch hầu:

- Phòng bệnh không đặc hiệu: Cách ly bệnh nhân ít nhất 2 ngày sau điều trị kháng sinh thích hợp và người tiếp xúc cần đeo khẩu trang. Vệ sinh phòng ở, đồ dùng cá nhân, đồ chơi… bằng dung dịch sát khuẩn.

- Phòng bệnh đặc hiệu: tiêm phòng vắc xin bạch hầu các liều cơ bản và tiêm nhắc lại đầy đủ. Ở người lớn, chỉ nên dùng loại vắc xin bạch hầu-uốn ván giảm liều (Td).

Vắc xin phòng bệnh Bạch hầu đã được triển khai trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) từ năm 1984, dưới dạng tam liên bạch hầu-ho gà-uốn ván (DPT). Đây là một trong những vắc xin cơ bản cho trẻ dưới 1 tuổi với lịch tiêm 3 mũi lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi. Tiêm nhắc lại DPT cho trẻ từ 18 tháng tuổi.

Tương ứng với sự gia tăng tỷ lệ trẻ được tiêm chủng vắc xin DPT phòng bệnh trong chương trình TCMR, tỷ lệ mắc Bạch hầu ở Việt Nam liên tục giảm qua các năm. Năm 2014, tỷ lệ mắc Bạch hầu đã giảm xuống dưới 0,01 ca/100.000 dân, tương đương giảm 228 lần so với những ngày đầu triển khai tiêm chủng mở rộng.

Bs. Lê Thị Thanh Phương

Trung tâm YTDP An Giang

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang