Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Dược Phẩm - Mỹ Phẩm

Khảo sát tình hình sử dụng thuốc kháng viêm không Steroid (NSAIDs)

10:26 26/04/2019

Khảo sát tình hình sử dụng thuốc kháng viêm không Steroid (NSAIDs) và các thuốc hỗ trợ trên bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ tiêu hóa và tim mạch tại khoa khám bệnh Trung tâm Y tế huyện Châu Phú năm 2018

 

I. Sơ lược đặc điểm tình hình đơn vị:

Trung tâm Y tế huyện Châu Phú được thành lập trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Y tế cũ và Bệnh viện Đa khoa Châu Phú, thực hiện 02 chức năng Khám bệnh, chữa bệnh và Y tế dự phòng. Cơ sở khám bệnh và điều trị được phân hạng III, số giường chỉ tiêu 120 giường (Trung tâm Y tế 100 giường, PKKV TMT 20 giường; số giường thực kê tại Trung tâm Y tế 130 giường). Trung tâm Y tế có 04 phòng chức năng, 12 khoa lâm sàng, cận lâm sàng phục vụ cho hoạt động chuyên môn của Trung tâm Y tế. Trung tâm Y tế quản lý 01 Phòng khám đa khoa khu vực Thạnh Mỹ Tây và 13 Trạm Y tế xã- thị trấn thực hiện công tác khám, chữa bệnh và các chương trình mục tiêu y tế quốc gia.

Sau khi sáp nhập, đơn vị đã tiến hành thực hiện công tác tổ chức, bố trí nhân sự, bố trí các khoa, phòng làm việc theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế về việc thành lập Trung tâm Y tế tuyến huyện. Nguồn nhân lực để phục vụ vẫn còn thiếu, cơ cấu còn chưa hợp lý, chưa đáp ứng kịp thời với nhu cầu phát triển, thiếu sự đồng bộ về đào tạo và sử dụng cán bộ y tế.

Từ đó, công tác khám chữa bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Châu Phú đã phản ánh tình hình khám và điều trị của đơn vị. Công tác khám, chữa bệnh tại Trung tâm Y tế chủ yếu là công tác khám và điều trị bệnh ngoại trú, trung bình mỗi ngày có từ 800-1000 lượt người khám bệnh, và đa số là bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính cần theo dõi điều trị trong thời gian dài, trong đó có bệnh lý về cơ xương khớp cần phải sử dụng thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm không Steroid (NSAIDs).

Sử dụng thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm không Steroid (NSAIDs) là những loại thuốc có tác dụng chống viêm, giảm đau nhanh và được các thầy thuốc chỉ định sử dụng khá rộng rãi trong các trường hợp bệnh lý gây đau, thậm chí kể cả các nhà thuốc, người bệnh tự ý sử dụng từ hai đến ba loại thuốc giảm đau cùng một lúc. Một số tác dụng phụ của nhóm thuốc này là gây viêm loét dạ dày, phụ thuộc vào thuốc sau khi ngưng, lờn thuốc, tích nước nhiều gây hại thận và loãng xương do người bệnh sử dụng trong thời gian kéo dài. Trong khi đó, theo ghi nhận báo cáo về tình hình khám và điều trị tại Khoa Khám bệnh Trung tâm Y tế huyện Châu Phú, các bệnh lý mãn tính về tim mạch, dạ dày, xương khớp chiếm tỉ lệ cao và tình hình sử dụng thuốc kháng viêm không Steroid (NSAIDs) vẫn còn cao trên các bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ tiêu hóa và tim mạch.

Tên đề tài: “Khảo sát tình hình sử dụng thuốc kháng viêm không Steroid (NSAIDs) và các thuốc hỗ trợ trên bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ tiêu hóa và tim mạch tại khoa khám bệnh Trung tâm Y tế huyện Châu Phú năm 2018”.

II. Mục đích yêu cầu của đề tài, sáng kiến, giải pháp cải tiến kỹ thuật:

- Đánh giá thực hiện thay đổi hành vi sử dụng thuốc kháng viêm không Steroid (NSAIDs) trong khám và điều trị bệnh tại khoa Khám bệnh Trung tâm Y tế Châu Phú.

- Đánh giá về tình trạng lạm dụng thuốc kháng viêm không Steroid (NSAIDs) và các yếu tố nguy cơ tiêu hóa và tim mạch.

 - Phân tích các vấn đề về sức khỏe của bệnh nhân sử dụng thuốc kháng viêm không Steroid (NSAIDs), tăng cường các biện pháp phòng ngừa, truyền thông giáo dục sức khỏe người dân tại địa bàn huyện Châu Phú

III. Hiệu quả:

Qua khảo sát từ 370 đơn thuốc ngoại trú tại khoa Khám bệnh Trung tâm Y tế huyện Châu Phú, chúng tôi đã thực hiện được các mục tiêu như sau:

- Tuổi trung bình là 43,4 ± 17,4, thấp nhất 18 tuổi, cao nhất 92 tuổi. Nhóm tuổi 45-64 chiếm tỷ lệ cao nhất 56,8,9% trong dân số nghiên cứu.

- Giới tính: nữ giới 57,8% chiếm cao hơn nam giới 42,2%.

- Bệnh lý chính chiếm tỷ lệ cao nhất là bệnh viêm đa khớp 31,4%, thoái hóa cột sống 11,4%, đau dây thần kinh tọa 9,7%.

- Các bệnh lý đi kèm là bệnh viêm dạ dày thường gặp nhất 25,1%, tăng huyết áp 20,5%, đái tháo đường kết hợp với rối loạn lipid 9,7%.

- Các NSAIDs ức chế chọn lọc COX-2 chiếm tỷ lệ cao 53%, ức chế không chọn lọc 47%.

- Chỉ định các NSAIDs ở liều thấp 47,8%, liều tiêu chuẩn 31,1%, liều cao 21,1%.

- Thời gian trung bình của một đợt điều trị 7,7 ± 1,9 ngày, đa số sử dụng các NSAIDs 7 ngày, thấp nhất 3 ngày, dài nhất 14 ngày.

- Nguy cơ tiêu hóa có 46,5% nguy cơ thấp, 44,6% nguy cơ trung bình và 8,9% bệnh nhân có nguy cơ tiêu hóa cao.

- Nguy cơ tim mạch có 67,6% bệnh nhân có nguy cơ tim mạch trung bình và cao.

- Nguy cơ tiêu hóa và tim mạch trên BN sử dụng NSAIDs được xét theo hướng dẫn của BYT ở mức độ cao là 0,8% và 4,1%.

- Tỷ lệ người bệnh sử dụng thuốc ức chế chọn lọc COX-2 để dự phòng nguy cơ tiêu hóa: nguy cơ thấp (43,6%), nguy cơ trung bình (19,8%), nguy cơ cao (3%).

- Tỷ lệ người bệnh sử dụng nhóm thuốc PPI để dự phòng tiêu hóa ở nguy cơ cao chiếm 45,5%.

- Dự phòng tiêu hóa bằng biện pháp kết hợp PPI và thuốc ức chế COX-2 ở người bệnh có nguy cơ cao chiếm 48,5%.

IV. Mức độ ảnh hưởng:

Đề tài này đã khảo sát được các nguy cơ tiêu hóa và tim mạch trên người bệnh được chỉ định NSAIDs, đây là vấn đề cần thiết cần được quan tâm trong việc sử dụng NSAIDs, một nhóm thuốc được sử dụng thường xuyên trong các bệnh viêm cơ xương khớp.

Kết quả khảo sát cho thấy nguy cơ trên tiêu hóa và tim mạch khi sử dụng các nhóm thuốc NSAIDs có sự quan tâm. Tuy nhiên việc chỉ định nhóm thuốc NSAIDs cũng như dùng thuốc dự phòng trên các đối tượng có yếu tố nguy cơ chưa hợp lý, vì vậy trên thực hành lâm sàng cần xây dựng chiến lược dự phòng nguy cơ tiêu hóa và tim mạch trên bệnh nhân sử dụng NSAIDs theo các tài liệu hướng dẫn trên thế giới và của BYT để việc sử dụng thuốc được hiệu quả, hợp lý và an toàn.

Chiều hướng phát triển của đề tài: Nghiên cứu các yếu tố nguy cơ trên tiêu hóa và tim mạch do sử dụng thuốc NSAIDs trên các đối tượng bệnh nhân điều trị nội trú (khai thác tiền sử bệnh, tiền sử dùng thuốc, các loại thuốc NSAIDs dùng dưới dạng tiêm,..) từ đó đánh giá tính hợp lý và an toàn trong việc chỉ định NSAIDs dựa trên hướng dẫn của BYT.

V. Kết luận:

Qua kết quả nghiên cứu của đề tài Trung tâm Y tế huyện Châu Phú sẽ giúp cho các bác sĩ trong việc lựa chọn thuốc, dạng thuốc, cách dùng, thời gian dùng, theo dõi các phản ứng có hại của thuốc cũng như việc tư vấn về nguy cơ khi sử dụng các NSAIDs tại trung tâm để phát huy tác dụng điều trị và hạn chế các yếu tố nguy cơ. Đồng thời làm tăng chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Ds. Quách Văn Bình - TTYT huyện Châu Phú

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang