Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Bệnh Withmore

03:15 27/11/2020

Bệnh Whitmore, còn gọi là bệnh Melioidosis, là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do do trực khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei gây ra. Căn bệnh này được phát hiện đầu tiên trên thế giới vào năm 1911. Theo thống kê, bệnh Whitmore đã phát hiện ở 80 quốc gia và hằng năm có khoảng 165.000 người nhiễm bệnh và bệnh cướp đi sinh mạng sống của 89.000 người”. Ngày 17.11, Bệnh viện trung ương Huế đã phát đi thông cáo về việc ghi nhận sự xuất hiện và tăng đột biến bệnh nhân mắc Whitmore, Từ đầu tháng 10.2020 đến nay, tại Việt Nam đã có gần 30 ca bệnh nhân nhập viện, trong đó có 50% bệnh nhân đến từ các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị... 50% đến từ Thừa Thiên- Huế.

Vi khuẩn B. pseudomallei sống trong đất hoặc nước bề mặt, con người có thể mắc bệnh Whitmore khi tiếp xúc trực tiếp với đất và nước bề mặt bị nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei.Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua các vết trầy xước da, do hít phải hạt nước hoặc bụi có nhiễm vi khuẩn, uống nguồn nước nhiễm khuẩn. Khi đi vào cơ thể, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào các bộ phận của cơ thể, thường gặp là phổi. Bên cạnh đó vi khuẩn có thể tấn công gây áp xe cơ quan nội tạng như gan, thận, tim hoặc áp xe ngoài da, áp xe cơ, viêm xương khớp, viêm tuyến lệ, viêm tuyến nước bọt mang tai.

Thời gian ủ bệnh của bệnh trung bình 9 ngày. Các triệu chứng thường xuất hiện sau khi tiếp xúc vi khuẩn từ 2 - 4 tuần. Biểu hiện của bệnh đa dạng bao gồm sốt, suy hô hấp, loét da, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, áp xe ở gan, lách, nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng... Ở người lớn, đa số bệnh nhân mắc bệnh có biểu hiện viêm phổi kèm nhiễm khuẩn huyết, viêm bàng quang, có các vết nung mủ trên da. Một số trường hợp còn có biểu hiện viêm cơ, viêm khớp hoặc viêm màng não. Ở trẻ em, khoảng 35% có biểu hiện viêm mủ tuyến nước bọt mang tai, 65% thể khác như sốt cao, viêm phổi, áp xe ở lách và thận. Ngoài ra, cũng có thể biểu hiện khu trú như ổ nhiễm khuẩn trên da, đặc biệt ở vùng đầu, mặt và cổ. Diễn biến nặng có thể gây sốc nhiễm khuẩn huyết dẫn đến tử vong. Tỷ lệ bệnh nhân tử vong rất cao, khoảng 40%.

 

Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh Whitmore. Để chủ động phòng bệnh, Cục Y tế Dự phòng- Bộ Y tế khuyến cáo cần thực hiện một số biện pháp sau:

-  Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại/gần nơi bị ô nhiễm;

- Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) đối với những người thường xuyên việc ngoài trời, tiếp xúc với đất, bùn và nước bẩn;

- Thực hiện ăn chín, uống chín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết;

- Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh;

 - Những người có bệnh tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễm dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các vết thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn;

- Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện và điều trị kịp thời./.

                                                                                             Nguyễn Minh Thời

                                                                                               TTYT Tịnh Biên

 

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang