Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Phòng chống thiếu Vitamin A và ngày vi chất dinh dưỡng 01-02/6 hàng năm

10:09 22/06/2021

Vitamin A là một trong những vi chất dinh dưỡng, có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển thị giác, xương và bảo vệ cơ thể trẻ phòng những căn bệnh viêm nhiễm, giúp nâng cao sức khỏe, phát triển tế bào và các mô trong cơ thể, đặc biệt là tóc, móng và da.

Thiếu Vitamin A biểu hiện dễ thấy nhất là quáng gà, nếu không điều trị kịp thời sẽ gây hậu quả mù vĩnh viễn. Ngoài ra, Vitamin A còn tham gia vào quá trình đáp ứng miễn dịch cơ thể, làm tăng khả năng đề kháng của cơ thể đối với bệnh tật, giúp cơ thể tăng trưởng tốt; nếu thiếu Vitamin A làm cơ thể giảm sức đề kháng đối với bệnh tật, dễ bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là các bệnh đường Hô hấp, đường Tiêu hóa và Sởi, trẻ sẽ còi xương chậm lớn và bị suy dinh dưỡng.

Suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu dinh dưỡng, biểu hiện của suy dinh dưỡng là trẻ chậm lớn và thường hay mắc bệnh nhiễm khuẩn như tiêu chảy và viêm đường hô hấp, trẻ bị giảm khả nǎng học tập, nǎng suất lao động kém khi trưởng thành. Đáng chú ý là trẻ bị suy dinh dưỡng thể nhẹ và vừa ít được người mẹ, các thành viên khác trong gia đình chú ý tới vì trẻ vẫn bình thường. Trong cộng đồng có nhiều trẻ suy dinh dưỡng, ta càng khó nhận biết được vì chúng đều "nhỏ bé" như nhau, do đó theo dõi cân nặng hàng tháng là cách tốt nhất để nhận ra trẻ có bị suy dinh dưỡng hay không.

Vì vậy, để chủ động phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ, các bậc cha mẹ cần quan tâm thực hiện tốt những nội dung sau:

1. Thời kỳ mang thai và cho con bú, bà mẹ cần nghỉ ngơi hợp lý và ăn đủ chất, chú ý thức ăn giàu vitamin A, đạm, dầu mỡ; uống viên sắt/ acid folic hàng ngày; Khám thai ít nhất 03 lần và tiêm đủ 02 mũi vắc xin phòng bệnh uốn ván.

2. Trẻ cần được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và kéo dài đến 24 tháng. Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, nên lưu ý cho vào khẩu phần ăn của trẻ các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin A, như: Thịt, cá, trứng, sữa, gan động vật, bơ, pho mát, rau lá xanh như rau ngót, rau muống ...; các loại củ, quả màu xanh đậm, vàng đậm, đỏ đậm như cà chua, cà rốt, đu đủ, xoài, hồng ....  Bữa ăn của trẻ cần cân đối đủ bốn nhóm thức ăn, nhất là có đủ chất đạm và dầu mỡ giúp tăng hấp thu và chuyển hóa vitamin A.

3. Trẻ dưới 03 tuổi là đối tượng dễ bị thiếu Vitamin A nhất, vì độ tuổi này trẻ đang lớn nhanh và dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn hoặc suy dinh dưỡng, nhu cầu Vitamin A cho cơ thể rất cao. Hàng năm, ngành Y tế đều tổ chức 02 đợt chiến dịch uống Vitamin A bổ sung cho trẻ từ 6 đến 36 tháng và bà mẹ sau sinh trong vòng 1 tháng, thời điểm cho uống vào đầu tháng 6 và đầu tháng 12. Việc bổ sung Vitamin A có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp cho trẻ chống mù lòa và phòng suy dinh dưỡng trẻ em hiệu quả cao./.

Võ Quốc Huy - Trung tâm Y tế thị xã Tân Châu

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang