Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Đái tháo đường- Kẻ giết người thầm lặng

08:10 12/11/2019

Ngày nay, khi cuộc sống ngày càng đầy đủ hơn, xã hội phát triển hơn, thì lại xuất hiện những mối lo tiềm ẩn; nhất là về sức khỏe. Trong đó những mối lo về các căn bệnh liên quan đến đường ăn uống ngày càng có xu hướng tăng rất nhanh. Đáng kể là căn bệnh đái tháo đường (ĐTĐ).

ĐTĐ hay còn gọi tiểu đường là một trong những căn bệnh có tỉ lệ tử vong hàng đầu trên thế giới. Nó được ví như kẻ giết người thầm lặng. Vì vậy, ĐTĐ đang là mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội. Theo Liên đoàn  ĐTĐ thế giới, trong năm 2017 tại Việt Nam có 3.530.000 sống chung với căn bệnh này. Đây là căn bệnh có diễn biến âm thầm ở thời kỳ đầu, do đó người bệnh thường chủ quan. Vì vậy,  có tới 85% phát hiện ra bệnh khi đã có biến chứng. Đó là tình trạng đáng báo động, bởi nếu không phát hiện, điều trị sớm người bệnh sẽ nhanh chóng tử vong.

ĐTĐ là căn bệnh mạn tính, được gây ra bởi sự rối loạn chuyển hóa đường, biểu hiện đặc trưng là đường huyết tăng cao.  Nguyên nhân  do sự thiếu hụt Isulin, đề kháng Isulin hoặc cả hai. Đối tượng có nguy cơ là: những người cao tuổi; người thừa cân béo phì; hút thuốc lá; ít vận động, hay có người thân mắc bệnh. Một nghiên cứu cho thấy các sắc tộc ở châu Á- Thái Bình Dương có tỉ lệ mắc bệnh nhiều hơn nơi khác. Có hơn 90% người mắc bệnh ĐTĐ có nhiều hơn một yếu tố nguy cơ biến chứng tim mạch.Đó là tổn thương ở mạch máu lớn và mạch máu nhỏ. Tổn thương mạch máu lớn thì có tổn thương trên tim, mạch máu não và hệ thống động mạch ngoại biên. Các biểu hiện là tim thiếu máu cục bộ, suy tim, rối loạn nhịp tim, nhồi máu não, viêm tắc động mạch chi dưới, hoại tử chi; nguy hiểm hơn là phải cắt cụt chi. Còn ở mạch máu nhỏ thì tổn thương gây ra các biến chứng ở thận, các bệnh hệ thần kinh hay bệnh võng mạc mắt có thể gây mù lòa. Cũng có thể phát hiện sớm các biến chứng tim mạch ở bệnh ĐTĐ thông qua các dấu hiệu: mệt, khó thở khi gắng sức, choáng, yếu một bên tay hoặc chân, đau tê về đêm ở hai chân. Thường các biến chứng của bệnh chỉ phát hiện khi đi khám định kỳ, đo điện tim mới phát hiện nhồi máu cơ tim củ hoặc khi có những biến cố về tim mạch như  đột quỵ thì mới phát hiện biến chứng tim mạch trên bệnh nhân ĐTĐ.

Các biến chứng bệnh có thể tránh đươc, sự phát triển của các biến chứng có thể được ngăn chặn nếu bệnh được phát hiện và điều trị sớm bằngviệc uống thuốc ổn định đường huyết. Để đảm bảo sức khỏe và tránh được tác dụng phụ của thuốc, người bệnh cần sử dụng theo đúng khuyến cáo của bác sĩ và kết hợp đi khám định kỳ. Khi kiểm soát đường huyết tốt bệnh nhân sẽ ít bị biến chứng. Bởi những biến chứng này không những làm giảm tuổi thọ, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống của người bệnhĐTĐ.

Để phòng ngừa bệnh cần lưu ý các yếu tố sau đây: Thứ nhất, cần phòng tránh tình trạng thừa cân, béo phì; thứ hai, cần gia tăng hoạt động thể lực thường xuyên, tránh lối sống tĩnh tại, tập thể dục đều đặn 30-45 phút mỗi ngày;thứ ba, cần xây dựng thói quen ăn uống tốt, dinh dưỡng hợp lý tránh bỏ bữa, giảm lượng thức ăn có nhiều chất béo và đường; ăn nhiều rau, hoa quả khác nhau; hạn chế đồ uống có đường, hạn chế bia rượu.ĐTĐ là bệnh không lây, có liên quan rất nhiều đến dinh dưỡng, vận động, lối sống của mỗi người. Vì vậy, mọi người cần loại bỏ các hành vi nguy cơ và thực hiện các hành vi có lợi, nhất là các hoạt động thể lực thường xuyên và chế độ sinh hoạt, ăn uống điều độ, hợp lý để phòng chống bệnh.

                                                                                                      Nguyễn Minh Thời

                                                                                                        TTYT Tịnh Biên

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang