Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Vệ sinh an toàn thực phẩm

Nước sạch cho sức khỏe

03:19 09/04/2020

Báo cáo của LHQ cho biết có gần 850.000 người chết mỗi năm do không tiếp cận được nước sạch, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân. Trong số này có hơn 360.000 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do tiêu chảy và nhiều bệnh khác như bệnh tả, kiết lị, viêm gan A và thương hàn.

Theo thống kê của Hiệp hội Tài nguyên nước Quốc tế (IWRA), Việt Nam là một quốc gia bị rơi vào tình trạng thiếu nước, mặc dù có mạng lưới sông ngòi dày đặc và có nhiều ao hồ. Theo ước tính, Việt Nam có khoảng 17 triệu (52%) trẻ em chưa được sử dụng nước sạch. Đặt biệt, nặng nề nhất là ở đồng bằng sông cửu long và tây nguyên. Nguồn nước sạch càng khan hiếm, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em, làm tăng tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy và tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ. Ngoài việc thiếu nước sạch, nước bẩn còn ô nhiễm vi khuẩn và nhiễm độc tố kim loại nặng, thuốc sâu…

Để có nước sạch chúng ta cần thực hiện 5 nhóm giải pháp sau:

1. Giải pháp cải thiện nguồn cung cấp nước sạch: Việc khử muối lấy nước sạch, khoảng 99% lượng nước trên mặt đất không thể uống được. Khử muối là giải pháp để tinh chế nước biển thành nước sạch sử dụng. Thu nước từ sương mù, từ không khí, từ nước mưa sau đó đưa vào bộ lọc rồi sử dụng. Việc sử dụng công nghệ này phần lớn bị giới hạn bởi chi phí cao của quá trình xử lý nước.

2. Giữ sạch nguồn nước: Thúc đẩy người dân nhằm nâng cao ý thức cộng đồng để giữ sạch nguồn nước bằng cách không được vứt rác bừa bãi, không thải trực tiếp vào nguồn nước sạch, không dùng phân tươi làm phân bón; nên sử dụng thuốc trừ sâu theo đúng hướng dẫn. Cần hạn chế tối đa việc sử dụng các hóa chất gây ô nhiễm môi trường.

3. Tiết kiệm nước sạch: Nhằm giảm sự lãng phí khi sử dụng nước thì bạn nên tiết kiệm nước. Chúng ta có nhiều cách tiết kiệm nước như:

- Tắm rửa hợp lý: Trong mỗi gia đình, lượng nước sử dụng cho việc tắm rửa nhiều thứ 3 (sau bồn cầu và máy giặt). Mỗi phút sử dụng vòi hoa sen chảy mạnh, bạn đã tiêu tốn tới 20 lít nước. Như vậy, với khoảng thời gian tắm trung bình 5 phút, bạn đã tiêu tốn 100 lít nước, 1 con số khổng lồ. Bởi vậy, việc tắm rửa hợp lý sẽ giúp bạn tiết kiệm được 1 lượng nước đáng kể. Hãy bắt đầu với việc cắt giảm thời gian tắm, cùng với đó là đóng vòi nước khi không cần thiết. Hạn chế sử dụng nước nóng cũng giúp bạn tiết kiệm năng lượng hơn.

- Đóng vòi nước khi không sử dụng: Một lời khuyên không bao giờ cũ trong việc tiết kiệm nước là đóng vòi nước khi không cần thiết. Vậy nhưng, vẫn có rất nhiều người giữ nước chảy khi đánh răng hoặc rửa tay, khiến lượng nước tiêu thụ tăng lên đáng kể. Chỉ cần đóng vòi nước khi đánh răng đã giúp bạn tiết kiệm 6 lít nước mỗi phút.

- Mở vòi sen tiết kiệm: Vòi hoa sen có lượng nước tiêu thụ phụ thuộc vào độ mạnh của dòng nước. Nước chảy càng mạnh, lượng nước tiêu thụ càng lớn. Vì vậy, hãy đặt 1 mức cài đặt cho vòi hoa sen nhà bạn để xác định độ mạnh nhất định, giúp bạn không sử dụng nước chảy quá mạnh. Ngoài ra, bạn có thể tái sử dụng nước dùng khi tắm cho việc xả bồn cầu hoặc tưới cây.

- Kiểm tra các điểm rò rỉ nước: Nếu hóa đơn tiền nước tháng này của nhà bạn đang tăng đột biến, rất có thể đã xuất hiện 1 điểm rò rỉ.

- Sử dụng máy giặt và máy rửa bát đúng công suất: Khi sử dụng máy giặt và máy rửa bát, bạn nên tránh vận hành khi chưa đủ công suất. Dù bạn giặt 2 bộ quần áo hay 20 bộ quần áo, máy giặt vẫn cần tiêu thụ 1 lượng nước tương đương, dẫn đến thiếu vận hành thiếu hiệu quả, gây lãng phí 1 lượng nước sạch lớn.

- Tiết kiệm nước trong làm vườn và tưới cây: Khi tưới cây, hãy cố gắng sử dụng bình tưới thay vì vòi dẫn nước bởi bạn có thể không kiểm soát được lượng nước khi sử dụng vòi dẫn. Với vòi dẫn nước, bạn có thể tiêu tốn đến 1.000 lít nước mỗi giờ sử dụng. Ngoài ra, thời điểm tưới cây cũng rất quan trọng. Vào buổi sáng, nhiệt độ mát hơn, bạn sẽ cần ít nước hơn khi tưới cây. Trong khi đó, tưới cây vào buổi chiều có thể gây nấm cho cây.

- Chuyển toilet sang chế độ xả với lượng nước thấp: Đặt một chai nước bằng nhựa vào trong bình xả để giảm lượng nước được sử dụng cho mỗi lần xả nước. Nếu cần, có thể bỏ thêm cát hoặc sỏi vào chai để cho chai chìm xuống.

- Cắt giảm mua sắm giúp tiết kiệm nước: Nước cần thiết trong quá trình làm ra các sản phẩm cho chúng ta mua sắm. Bởi vậy, cắt giảm mua sắm sẽ giúp tiết kiệm lượng nước sử dụng, mà còn góp phần chung vào việc tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường của gia đình bạn.

4. Xử lý rác sinh hoạt và chất thải khác: Nên có những phương tiện chứa rác có nắp đậy kín, đủ sức chứa nhất là những rác hữu cơ ở gia đình, khu tập thể cũng như nơi công cộng. Xử lý rác sinh hoạt đúng cách sẽ giúp tiết kiệm nước cho việc làm sạch môi trường và hạn chế ô nhiễm nguồn nước.

5. Xử lý nước thải: Cần có hệ thống xử lý nước thải do sinh hoạt (cống ngầm kín) rồi đổ ra hệ thống cống chung tránh tình trạng xả tràn lan gây ô nhiễm. Nước thải công nghiệp, y tế cần phải xử lý theo quy định môi trường trước khi thải ra cộng đồng.

6. Giải pháp xử lý nước cung cấp nước sạch cho cá nhân gia đình: Hệ thống ống lọc cá nhân. Công nghệ này dùng các ống lọc loại bỏ tới 99% vi khuẩn và chất gây ô nhiễm trong nước; gồm một quá trình ba bước:

- Bộ lọc nước, giữ lại ký sinh trùng như giardia, cryptosporidium, amip, và bất cứ điều gì lớn hơn 1 micron trong kích thước;

- Loại bỏ các hóa chất độc hại (VOC, clo, asen, thủy ngân, chì, crom) và vi khuẩn;

- Sử dụng tia cực tím để diệt vi khuẩn, cách lọc nước bằng các ống lọc. Đây là những công nghệ quy mô nhỏ tiện dụng cho phép cá nhân uống nước từ bất kỳ nguồn nào trừ nước muối.

Ths. Nguyễn Thị Thu Thủy

Khoa TT-GDSK, TT. KSBTAG

 

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang