Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Y học dự phòng

Hiểu đúng về chuyển đổi Vắc-xin CombeFive và tổ chức tiêm chủng đúng cách

10:23 26/04/2019

Được phép của Bộ Y tế, dự án Tiêm chủng mở rộng (TCMR) thực hiện chuyển đổi sang sử dụng vắc xin DPT-VGB-Hib có tên thương mại là ComBE Five do Công ty Biological E của Ấn độ sản xuất, vắc xin đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từ năm 2012.

- Lý do chuyển đổi sang sử dụng vắc xin ComBE Five:

Từ tháng 6 năm 2010, để phòng các bệnh Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Haemophilus influenzae type B cho trẻ dưới 1 tuổi, Việt Nam sử dụng vắc xin phối hợp DPT-VGB-Hib có tên thương mại là Quinvaxem, do công ty Berna Biotech, Hàn Quốc sản xuất.

Từ tháng 12 năm 2016, công ty Berna Biotech đã ngừng sản xuất vắc xin Quinvaxem. Được phép của Bộ Y tế, dự án Tiêm chủng mở rộng (TCMR) thực hiện chuyển đổi sang sử dụng vắc xin DPT-VGB-Hib có tên thương mại là ComBE Five do Công ty Biological E của Ấn độ sản xuất, vắc xin đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từ năm 2012.

Tính đến nay, hơn 400 triệu liều vắc xin ComBE Five đã được sử dụng tại 43 quốc gia. Ở Việt Nam, vắc xin ComBE Five đã được thử nghiệm lâm sàng trong năm 2016 và được chứng minh là an toàn. Đến tháng 5 năm 2017, vắc xin đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam theo Quyết định số 196/QĐ-QLD ngày 30/05/2017 và cho phép sử dụng trong chương trình TCMR.

- Tổ chức tiêm chủng đúng cách:

Theo hướng dẫn tại Thông tư 34/2018/TT-BYT của Bộ Y tế, để đảm bảo an toàn cho đối tượng tiêm chủng và người thực hiện tiêm chủng, buổi tiêm cần được tổ chức như sau.

Bố trí, sắp xếp tại điểm tiêm chủng:

Buổi tiêm không được vượt quá 50 đối tượng, nếu tổ chức tiêm nhiều loại vắc xin; không được vượt quá 100 đối tượng, nếu chỉ tiêm một loại vắc xin.

Điểm tiêm chủng phải bảo đảm đủ diện tích, nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị và bảng phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng nhân viên.

Điểm tiêm chủng phải được bố trí theo nguyên tắc một chiều theo thứ tự như sau: Khu vực chờ trước tiêm chủng  Bàn đón tiếp, hướng dẫn  Bàn khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng  Bàn tiêm chủng  Bàn ghi chép, vào sổ tiêm chủng  Khu vực theo dõi và xử trí tai biến sau tiêm chủng.

Khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng:

Khám sàng lọc trước tiêm chủng: đối với trẻ em, theo quy định của Bộ Y tế; đối với người lớn, quan sát toàn trạng, đánh giá tình trạng sức khỏe hiện tại.

Thực hiện tiêm chủng:

Vắc xin đông khô phải pha hồi chỉnh theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 34/2018/TT-BYT.

Dung môi của vắc xin nào chỉ được sử dụng cho vắc xin đó. Vắc xin sau khi pha hồi chỉnh chỉ được phép sử dụng trong vòng 6 giờ hoặc theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Kiểm tra vắc xin, dung môi và bơm tiêm, kim tiêm trước khi sử dụng:

Tiêm đúng đối tượng chỉ định tiêm chủng, đúng vắc xin, đúng liều, đúng đường dùng, đúng thời điểm. Liều lượng, đường dùng của từng loại vắc xin: theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Bơm tiêm, kim tiêm và vật sắc, nhọn sau khi sử dụng phải cho vào hộp an toàn ngay sau khi tiêm, không đậy nắp kim.

Kết thúc buổi tiêm chủng:

Các lọ vắc xin nhiều liều đã mở nhưng chưa sử dụng hết và các lọ đã sử dụng hết sau buổi tiêm chủng thì xử lý theo quy định tại Thông tư số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Liên Bộ Y tế, Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế.

Theo dõi sau tiêm chủng:

Theo dõi đối tượng tiêm chủng ít nhất 30 phút sau tiêm chủng tại điểm tiêm chủng.

Hướng dẫn gia đình hoặc đối tượng tiêm chủng tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng về các dấu hiệu: toàn trạng, tinh thần, ăn, ngủ, thở, phát ban, triệu chứng tại chỗ tiêm; Thông báo cho nhân viên y tế nếu có dấu hiệu bất thường; Đưa ngay đối tượng tiêm chủng tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế nếu sau tiêm chủng có một trong các dấu hiệu như sốt cao (≥39oC), co giật, trẻ khóc thét, quấy khóc kéo dài, li bì, bú kém, bỏ bú, khó thở, tím tái, phát ban và các biểu hiện bất thường khác hoặc khi phản ứng thông thường kéo dài trên 24 giờ sau tiêm chủng.

Ghi chép ngày tiêm, tên vắc xin, lô vắc xin của từng loại vắc xin đã sử dụng vào phiếu hoặc sổ tiêm chủng của đối tượng tiêm chủng.

Bs. Lê Thị Thanh Phương - Trung tâm YTDP An Giang

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang