Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Y học dự phòng

Phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

01:10 25/05/2021

Ngày 7 tháng 5 năm 2021, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch triển khai Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2021 từ ngày 01/6 đến ngày 30/6/2021 với chủ đề “ Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030”

Khẩu hiệu của chiến dịch:

1. Nhiệt liệt hưởng ứng Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con!

2. Không có HIV ở mẹ - Không lây truyền HIV cho con!

3. Xét nghiệm HIV sớm cho mẹ - Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con!

4. Phụ nữ mang thai cần xét nghiệm HIV để sớm biết tình trạng nhiễm HIV để được điều trị kịp thời!

5. Xét nghiệm HIV cho mẹ, sức khỏe cho con!

6. Điều trị thuốc ARV sớm cho mẹ - giảm lây truyền HIV sang con!

7. Bảo hiển y tế là cách tốt nhất để người nhiễm HIV được điều trị liên tục suốt đời!

8. điều trị thuốc ARV sớm giúp người nhiễm HIV sống khỏe mạnh và giảm lây nhhiễm HIV cho người khác!

9. Chuẩn đoán sớm nhiễm HIV cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV để điều trị kịp thời đem lại sức khỏe cho trẻ!

10. Điều trị dự phòng ARV cho con sinh ra từ mẹ nhiễm HIV – Giảm lây truyền HIV sang con!

Tình hình dịch HIV/AIDS tại Việt Nam từ khi phát hiện đến tháng 12 năm 2020 số nhiễm HIV lũy tích cả nước là: 322.897 trường hợp, số người hiện còn sống: 213.724 người, Tử vong: 109.446 người, Số bệnh nhân hiện đang điều trị 15.973 người.

HIV lây qua 3 đường; Đường máu, đường tình dục và mẹ truyền sang con.

Từ năm 2004 tỉnh An Giang đã tiếp cận điều trị bằng thuốc ARV. Đến năm 2010  Bộ Y tế đã triển khai điều trị điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. mục tiêu của chương trình là giảm sự lây truyền HIV từ mẹ nhiễm HIV sang con. Những bà mẹ mang thai nhiễm HIV có thể sinh ra những đứa con khỏe mạnh không nhiễm HIV khi tiếp cận sớm các dịch vụ về chăm sóc điều trị các dịch vụ phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

     Dự phòng lây truyền HIV Từ mẹ sang con là một biện pháp hiệu quả nhất, có tính nhân văn nhất làm giảm tỷ lệ trẻ bị nhiễm HIV, tiến tới không còn trẻ nhiễm mới.

     Nếu không được can thiệp dự phòng cứ 100 phụ nữ nhiễm HIV khi sanh có khoảng 25-40 Trẻ bị nhiễm. Trong đó tỷ lệ nhiễm trong lúc mang thai khoảng 25%, tỷ lệ nhiễm trong lúc chuyển dạ khoảng 50%  và lúc cho con bú khoảng 25%.

 

100 bà mẹ manh thai nhiễm HIV nếu không can thiệp dự phòng

có khoảng 36 trẻ bị nhiễm HIV

Mang thai: 9 trẻ nhiễm

Khi mang thai: HIV từ máu của mẹ nhiễm HIV qua rau thai để vào cơ thể thai nhi.

 

 

 

 

 

 

Chuyển dạ: 17 trẻ nhiễm

Khi sinh: HIV từ nước ối, dịch tử cung, máu của mẹ xâm nhập vào trẻ khi sinh (qua niêm mạc mắt, mũi, hậu môn hoặc da sây sát của trẻ trong quá trình sinh). thông qua các vết loét ở cơ quan sinh dục mẹ và xâm nhập vào cơ thể (qua niêm mạc) của trẻ sơ sinh.

Cho con bú: 10 trẻ nhiễm

Khi cho con bú: HIV có thể lây qua sữa hoặc qua các vết nứt ở núm vú người mẹ, nhất là khi trẻ đang có tổn thương ở niêm mạc miệng, nên dùng sữa thay thế để tránh lây nhiễm HIV.

 

 

Tuy nhiên, nếu bà mẹ được chẩn đoán sớm và điều trị ARV cho mẹ và dự phòng ARV cho con, con dùng sữa thay thế thì tỉ lệ lây truyền từ mẹ sang con chỉ còn dưới 2%, thậm chí là 0%.

Những năm 2005-2008 khi chưa có can thiệp phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con hàng năm có khoảng 50 trẻ nhiễm mới, những năm gần đây giảm rất nhiều. Năm 2015: 6 cas dương tính, năm 2016: 0 cas, năm 2017: 0 cas, Năm 2018: 1 cas, Năm 2019: 1 cas, năm 2020: 0, những trường hợp nhiễm do mẹ đi làm ăn xa không đi khám thai, lúc sanh mới về địa phương nên phát hiện muộn không được can thiệp.

Phụ nữ đã nhiễm HIV hiện nay cũng có nhu cầu có con. Đối với những người này cần phải điều trị ARV trên một năm, Xét nghiện tải lượng Virus (TLVR) dưới ngưỡng sẽ giảm nguy cơ lây cho trẻ. TLVR < 50 bản sao/ml tỷ lệ lây nhiễm cho trẻ 0,25%, TLVR 50-1000 bản sao/ml tỷ lệ lây nhiễm cho trẻ 2%, TLVR > 1000 bản sao /ml tỷ lệ lây nhiễm cho trẻ 8,5%.

 Đối với cặp vợ chồng dị nhiễm chồng nhiễm HIV vợ không nhiễm HIV muốn có con nên điều trị ARV cho chồng trên 12 tháng, khi TLVR < 200 bản sao/ml sẽ không lây cho vợ. hoặc dự phòng (PrEP) Dự phòng trước phơi nhiễm, cho vợ uống thuốc ARV để có con nhưng không lây truyền HIV cho vợ và con của họ.

Hướng tới không còn trẻ nhiễm mới:

Chương trình phòng chống HIV/AIDS tỉnh An giang đã triển khai phòng lây truyền HIV Từ mẹ sang con từ năm 2010. Tất cả các phụ nữ mang thai đến khám thai tại xã/ phường đều được tư vấn và làm xét nghiệm miễn phí ngay tại trạm Y tế xã/phường từ lần khám thai đầu tiên. Xét nghiệm càng sớm thì việc dự phòng càng hiệu quả. Những phụ nữ đến khám thai tại các cơ sở sản khoa khác cũng cần được làm xét nghiệm HIV.

Điều trị sớm cho bà mẹ mang thai: khi phát hiện dương tính được điều trị ngay, điều trị trong ngày không phụ thuộc vào Tế bào CD4.

Dự phòng sớm cho ngay sau khi sanh, trẻ được uống dự phòng ARV và sử dụng sữa thay thế cho trẻ, Xét nghiệm PCR cho trẻ từ 1-2 ngày tuổi và lần 2 sau 4-6 tuần tuổi.

Các cơ sở sản khoa có sanh phải có thuốc ARV để điều trị cho mẹ và dự phòng cho trẻ kịp thời. Thuốc ARV hiện nay không chữa khỏi bệnh HIV nhưng giúp người bệnh sống khỏe mạnh như người bình thường, nếu tuân thủ tốt tuổi thọ của họ cũng giống như bình thường khác.

Truyền thông giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội trong dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.
          Tuyên truyền dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong nhóm phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ, nâng cao chất lượng dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, đảm bảo dịch vụ sẵn có, dễ tiếp cận góp phần tiến tới không còn trẻ nhiễm mới.

BS. CKI Đỗ Xuân Nguyên

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang