Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Vệ sinh an toàn thực phẩm

Rác thải nhựa

10:14 22/08/2019

Mỗi năm, thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa. Loại chất dẻo này chiếm 10% tổng lượng chất thải. Có một nửa số sản phẩm nhựa là loại chỉ để dùng một lần; từ ống hút, dây câu cá tới tã trẻ em hay túi đựng đồ.

Hiện nay các sản phẩm nhựa và túi nilon là những vật dụng phổ biến trở nên quen thuộc trong đời sống sinh hoạt của con người. Công bằng mà nói, sự ra đời của các sản phẩm từ nhựa và nilon đã mang lại các tiện ích. Nhưng nó cũng chính là tác nhân gây nhiều tác hại đối với môi trường tự nhiên như: ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, gây ngập lụt, giết chết sinh vật biển;  Ngoài ra, một số hạt nhựa đã được tìm thấy trong hải sản ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, cụ thể là ung thư. Hầu hết các sản phẩm nhựa dùng một lần đều được làm từ nilon tái chế, khi sử dụng nó ở nhiệt độ cao sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển hay chất độc hại ngấm vào thực phẩm. Một số loại túi nilon (từ PP, PE..) không độc nhưng những phụ gia làm ra sản phẩm thì rất độc. Thêm vào đó, túi khi đốt tạo ra khí carbonic, dioxin ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người. Mặt khác, thực phẩm dùng hàng ngày đang ở nhiệt độ cao, loại đồ ăn chua đựng trong hộp xốp có thể gây ung thư, rối loạn chức năng gan, thận, ảnh hưởng trực tiếp về giới tính hay gây vô sinh.

Theo Bộ TN& MT, chỉ tính riêng ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon/ngày. Đáng chú ý, lượng chất thải nhựa và túi ni lông của cả nước chiếm khoảng 8 - 12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Theo thống kê, Việt Nam hiện đứng thứ 4 trên thế giới về rác thải nhựa với mỗi năm có khoảng 730.000 tấn thải ra biển. Trong 50 năm qua, lượng nhựa được tiêu dùng đã tăng gấp 20 lần và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới. Tuy nhiên, loại chất dẻo này có đặc tính khó phân hủy. Một chiếc túi nilon, nhiều khi được sử dụng trong 5 phút, chỉ mất 5 giây để sản xuất và cần 1 giây để vứt bỏ, song để phân hủy phải cần từ vài năm thậm trí đến 1.000 năm (nhựa HDPE). 

 Trong đợt mưa lũ vừa qua, tại Đà Lạt có hàng ngàn tấn rác thải từ bãi rác Cam Ly đổ ập xuống vườn dân. Lúc bấy giờ, nhiều nhà vườn bị rác lấp dày đến 4-5m, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Qua hình ảnh, chúng ta không khó thấy lượng rác thải nhựa chiếm tỉ lệ đáng kể. Ở Indonesia một con cá voi chết dạt vào bờ, khi mổ con cá người ta phát hiện bên trong bao tử nó chứa một khối lượng rác thải nylon lên đến 5,9 kg. Cụ thể số rác bao gồm 115 chiếc cốc nhựa, bốn chai nhựa, 25 túi nylon, hai đôi dép, một bao tải nylon và hơn 1.000 mảnh vỡ nhựa các loại. Còn ở Costa Rica đã phát hiện một con rùa biển bị ống húa đâm vào mũi. Hay một con chim hải âu chết ở đảo Midway với nhiều mãnh rác nhựa trong bao tử. Gần đây nhất, ở Bắc cực, người ta còn phát hiện có 14.000 hạt nhựa trên m3 băng. Những con số thống kê trên đã cho thấy rác thải nhựa đã ở mức báo động đỏ, không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới; đặc biệt là ở đại dương. Chính vì thế, trong thời gian gần đây tình hình này trở thành thời sự nóng hổi, được các nhà đài cập nhật và đưa tin thường xuyên.

Cùng với các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang nỗ lực để loại bỏ ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra. Trong ngành Y tế cũng có chỉ thị 08/CT-BYT về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế. Mục tiêu đến năm 2020 sẽ giảm 65% số lượng túi nilon phân hủy dùng tại các siêu thị và các trung tâm thương mại lớn, đây là chủ trương cần nghiêm túc thực hiện. Còn nhớ, ngày xưa các bà, các mẹ đã dùng lá chuối, lá sen để gói xôi, gói bánh; cái muỗng để múc thì chẻ bằng bộp dừa mà chất lượng vẫn thơm ngon. Ngày nay, một chủ cửa hàng 3T dùng cỏ bàng để thay thế ống hút nhựa ở nhiều quán cà phê, nhà hàng tại TPHCM. Trước đó, cửa hàng này cũng sản xuất sản phẩm ống hút tre. Hay công ty cổ phần xanh ở Sa Đéc nghiên cứu làm ống hút bằng tinh bột. Dù các sản phẫm trên giá thành khá cao và còn mang tính chất địa phương, nhưng đây là một tín hiệu vui trong từng bước góp phần đẩy lùi rác thải nhựa dùng một lần.

                                                                                           Nguyễn Minh Thời

                                                                                             TTYT Tịnh Biên

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang