Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Y học dự phòng

Phòng ngừa bệnh hen cho người lớn tuổi

02:25 26/05/2021

Hen là một bệnh lý mạn tính đường hô hấp ảnh hưởng dân số ở những quốc gia khác nhau. Tỷ lệ mắc bệnh hen phế quản ngày càng gia tăng ở các nước, đủ mọi lứa tuổi và đặc biệt là ở trẻ em. Khi không kiểm soát được sẽ gây ra những giới hạn nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày cũng như gây ra tử vong.

Chính vì sự nguy hiểm đó, chúng ta cần phải biết cách phòng bệnh hen phế quản sao cho đúng cách và hiệu quả nhất. Nguyên tắc trong điều trị và phòng tránh các bệnh nói chung và hen phế quản nói riêng là cần phải loại trừ được các tác nhân gây bệnh. Bên cạnh đó, người không may mắc bệnh cũng cần phải giữ gìn sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch để có thể chống lại sự tấn công của bệnh. Sau đây, chúng tôi xin gợi ý một số cách phòng ngừa bệnh khoa học và hiệu quả nhất:

- Không hút thuốc lá, thuốc lào, tránh xa khói thuốc: Thuốc lá có rất nhiều chất độc hại ảnh hưởng đến cả người hút và người hít phải khói thuốc. Hút thuốc lá làm giảm nhanh chức năng hô hấp, tăng mức độ nặng của hen, giảm đáp ứng với điều trị và giảm khả năng kiểm soát hen.

1. Giữ ấm cơ thể: ở môi trường không khí lạnh có thể gây cơn hen cấp; vì vậy, cần hạn chế ra ngoài khi trời lạnh và giữ ấm cơ thể khi đi ra ngoài.

2. Tránh stress: Tâm trạng lo âu về bệnh tật, phương pháp điều trị cũng như các mâu thuẫn cảm xúc và các chấn thương tình cảm đều có ảnh hưởng rõ rệt đến sự xuất hiện cơn hen.

3. Tránh vận động gắng sức: Vận động thể lực là yếu tố phổ biến nhất thúc đẩy làm xuất hiện cơn hen, ở một số người bệnh đây có thể là nguyên nhân duy nhất. Hen phế quản do gắng sức được giải thích là do sự mất nước từ niêm mạc đường hô hấp, làm tăng áp lực thẩm thấu ở lớp lót của đường dẫn khí dẫn đến giải phóng các chất trung gian hóa học gây co thắt phế quản từ những tế bào mastocyte. Cũng có nghiên cứu cho rằng vận động gắng sức có thể tăng giải phóng acetylcholin gây co thắt phế quản.

4. Tránh béo phì: Béo phì cũng đã được chứng minh là một yếu tố nguy cơ của hen phế quản. Một số chất trung gian như leptin có thể ảnh hưởng đến chức năng đường thở và tăng nguy cơ hình thành hen phế quản.

5. Đeo khẩu trang mỗi khi ra đường, dọn dẹp nhà cửa: Cách thức này rất hiệu quả để hạn chế khói bụi, phấn hoa, cây cỏ và các vi sinh vật nhỏ bé trong không trung có thể gây kích ứng niêm mạc đường hô hấp.

6. Phòng ngừa nhiễm trùng đường hô hấp: Các nhiễm trùng đường hô hấp có liên quan chặt chẽ với hen phế quản. Nhiễm trùng đường hô hấp cấp gây ra sự trầm trọng của hen phế quản ở cả người lớn và trẻ em. Người bệnh cần rửa tay thường xuyên, tránh những nơi tụ tập đông người, điều trị triệt để các nhiễm khuẩn hô hấp trên như cảm cúm, viêm họng, viêm xoang…

7. Tránh tiếp xúc với lông vật nuôi, luôn giữ cho không khí trong nhà sạch sẽ: Vẩy da hay các tế bào chết của vật nuôi như chó, mèo, chim cảnh… cũng là một trong số những dị nguyên thường gặp gây đợt kịch phát của hen suyễn cấp. Dọn dẹp đồ đạc trong nhà, tiêu diệt gián và côn trùng, nấm mốc. Giữ cho không khí luôn thông thoáng, tránh gió lùa, tránh ẩm mốc.

8. Kiêng ăn các loại thực phẩm dễ gây dị ứng: Người bệnh nên theo dõi và ghi chép vào ghi chú để xem mình thường dị ứng với loại thực phẩm nào, khi ăn thức ăn nào thì hay bị lên cơn hen để tránh. Những thức ăn dễ gây dị ứng như: tôm, cua, nhộng tằm…

9. Thận trọng khi dùng thuốc: Dùng thuốc theo chỉ định của thầy thuốc, không tự ý mua thuốc tự sử dụng nhằm tránh các hậu quả và biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra đối với sức khỏe và tính mạng của người dùng. Các thuốc hay gây cơn hen cấp như Aspirin, thuốc chẹn ß-adrenergic, thuốc kháng viêm không steroid…

10. Khi thay đổi môi trường sống: Cần phải có kế hoạch trước và xin ý kiến tư vấn của thầy thuốc.

Đặc biệt người bệnh phải luôn nhớ 2 điều sau:

- Luôn mang bên mình thuốc xịt cắt cơn hen.

- Tuân thủ điều trị bệnh hen phế quản theo chỉ định của thầy thuốc, thường xuyên tái khám định kỳ./.

Bs. Huỳnh Thị Mỹ Hạnh - Trung tâm Y tế huyện Châu Phú

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang