Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Vệ sinh an toàn thực phẩm

Cảnh báo ngộ độc Sam biển tại Long Xuyên

02:06 19/05/2019

Vào lúc 22 giờ 18/04/2019. Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang tiếp nhận 03 trường hợp ngộ độ nặng do ăn Sam biển.

Chiều ngày 18/04/2019 anh Nguyễn Tuấn Vũ sinh 1991 ngụ tại xã Vĩnh Chánh, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, là cai coi công trình xây dựng, trên đường đi làm về ghé trước trường GIS Long Xuyên mua 02 con Sam về nướng ăn, vợ anh là Dương Kim Linh sinh 1992 chỉ ăn 01 muỗng còn lại anh Vũ ăn hết 02 con, khoảng 20 phút sau thấy tê môi, tê tay, nôn ói, mệt khó thở, được người nhà đưa vào bệnh viện, bệnh nhân được rửa dạ dày, thở oxy, truyền dịch, hồi sức tích cực nhưng tử vong sau đó. Vợ anh do ăn ít nên triệu chứng nhẹ hơn được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực hiện tình trạng đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn còn chóng mặt, mệt mỏi.

 Sau đó, lúc 23 giờ (18/04/2019) anh Dương Quang Phước, sinh 1987 nhập viện tình trạng tương tự sau khi được sơ cứu, rửa dạ dày, Bệnh nhân được đưa lên Khoa Hồi sức tích cực điều trị, đến chiều hôm sau tình trạng ổn, anh P. ở TP. Hồ Chí Minh về chơi cùng nhậu Sam biển với sáu người, sau khi ăn khoảng 30 phút thì xuất hiện tê môi, tê tay sau đó nôn ói, mệt, nhập viện, những người khác không dám ăn nữa, do ăn ít nên chỉ bị tê tay và môi nhẹ, nên không nhập viện.

Trên thực tế, ăn Sam không bị ngộ độc. Các trường hợp bị ngộ độc như trên là do nạn nhân ăn phải con So biển (nhiều nơi còn gọi là Sam lông, tên khoa học: Carcinocorpius rotundicauda). Người dân hay nhầm lẫn 2 loài này, vì vậy cần phải phân biệt rõ về chúng.

Ăn So bị ngộ độc vì trong con So có độc tố Tetrodotoxin, là một độc tố thần kinh mạnh, có khả năng gây liệt cơ hô hấp, ngưng thở, gây tử vong nhanh với liều ngộ độc rất thấp. Chất độc của so biển tập trung chủ yếu ở bộ phận trứng và chúng gây độc cho người ăn chủ yếu trong thời kỳ sinh sản. Người ăn thịt So, sau khi chất độc ngấm vào cơ thể, trước tiên bị nôn ói, khó thở, sau đó đau bụng, tay chân và môi tê cứng. Chất độc còn gây ức chế sự dẫn truyền thần kinh tim và gây suy hô hấp. Nếu không được cấp cứu kịp thời dễ dẫn đến suy hô hấp làm bệnh nhân tử vong.

Hiện nay vẫn chưa có thuốc giải độc. Nếu phát hiện người bị ngộ độc do ăn phải So biển, cần cho bệnh nhân uống thật nhiều nước và tìm cách gây ói hết thức ăn trong dạ dày càng nhanh càng tốt. Sau đó đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để chữa trị chuyên khoa như bù nước điện giải, hỗ trợ hô hấp, thở máy, điều trị các rối loạn tim mạch, thần kinh... mới có thể cứu sống được.

Sam là thực phẩm ăn được nhưng vì rất giống con So, là loài không thể ăn được do gây ngộ độc và nguy cơ tử vong rất cao, việc phân biệt 2 loài này khó khăn, nhất là khi đã nướng, vì vậy, để phòng tránh ngộ độc, người tiêu dùng cần thận trọng khi mua Sam và phải chắc chắn là Sam thì mới sử dụng.

BS.CKII Phạm Ngọc Kiếu

Trưởng Khoa HSTC, BVĐKTT An Giang

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang