Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Hạ đường huyết và cách phòng chống bệnh đái tháo đường

02:45 15/09/2020

Hạ đường huyết là tình trạng lượng đường trong máu giảm xuống dưới mức 3,9 mmol/L (70mg%). Hạ đường huyết là tình trạng cấp tính nguy hiểm ở người bệnh đái tháo đường. Tình trạng này nguy hiểm hơn tăng đường huyết rất nhiều, vì có thể gây tử vong nhanh chóng nếu không được xử lý kịp thời.

1. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường:

Bệnh nhân đái tháo đường đang được điều trị bằng tiêm insulin hoặc các thuốc uống nhằm kích thích tụy bài tiết insulin.

Sự thay đổi các sinh hoạt hàng ngày ở bệnh nhân đái tháo đường như chế độ ăn, luyện tập hoặc thay đổi liều insulin có thể gây hạ đường huyết.

Tuy nhiên cũng có nhiều yếu tố khác có thể gây hạ đường huyết ở cả bệnh nhân đái tháo đường như nhiễm khuẩn, rối loạn nội tiết, thuốc/rượu, các khối u, hoặc suy dinh dưỡng…

Trì hoãn việc ăn uống ngay sau khi tiêm insulin, suy dinh dưỡng, kém hấp thu do buồn nôn và nôn hoặc liệt ruột.

Hoạt động thể chất tăng.

Căng thẳng tâm lý do nhiễm khuẩn hoặc các thương tổn.

Thay đổi vị trí tiêm insulin (sự hấp thu insulin thay đổi theo các vị trí tiêm khác nhau đặc biệt là khi có suy thận.

Thay đổi điều trị, đặc biệt là tăng liều insulin hoặc thuốc uống hạ đường huyết, hoặc bổ sung thêm thuốc mới.

Bệnh nhân uống nhiều rượu.

2. Biểu hiện

Hạ đường huyết gây ra các triệu chứng kích thích thần kinh và thiếu glucose não như:

- Các triệu chứng kích thích thần kinh bao gồm run rẩy, hồi hộp, lo âu, nhịp tim và huyết áp tăng nhưng không nhiều, vã mồ hôi, da tái nhợt, cảm giác đói, và dị cảm. Các biểu hiện này thường xuất hiện sớm và phổ biến.

- Các triệu chứng do thiếu glucose não bao gồm tổn thương nhận thức, thay đổi hành vi, các bất thường vận động tâm thần và khi nồng độ glucose máu thấp hơn có thể có co giật và hôn mê.

3. Cần làm gì khi có biểu hiện hạ đường huyết?

Khi có biểu hiện hạ đường huyết cần nhanh chóng đưa đường huyết lên mức an toàn, tránh nguy cơ tổn thương hoặc tăng đường huyết quá mức. Ngừng ngay các thuốc hạ đường huyết hoặc insulin. Với hạ đường huyết nhẹ: có thể ăn bánh, hoa quả, sữa… hoặc bất cứ đồ ăn nào có sẵn trong nhà. Nếu không đỡ nhưng bệnh nhân tỉnh: uống tối thiểu 15g glucos (3 miếng đường hoặc 3 thìa cafe trong 100ml nước) hoặc 100 - 150 ml nước ngọt (hoa quả, cocacola) có thể làm tăng đường huyết lên 50mg/dl (2,7mmol/l) trong 15 phút. Thử lại đường huyết sau 15 phút. Nếu không đỡ, ngay lập tức bệnh nhân phải vào các cơ sở y tế để điều trị. Trường hợp bệnh nhân hôn mê không được cho bệnh nhân uống hay ăn vì rất dễ sặc vào phổi.

4. Phòng tránh hạ đường huyết thế nào?

 

Để phòng bệnh, mọi người không nên nhịn đói, hoặc để cơ thể bị đói quá lâu, không nên nhịn ăn mà hoạt động thể lực quá mức. Nhất thiết không được bỏ bữa sáng, đặc biệt là người già, trẻ em, những người có bệnh mạn tính, cơ thể yếu. Đối với bệnh nhân đái tháo đường không nên tự ý điều chỉnh insulin mà phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Những bệnh nhân này cũng cần có chế độ tập luyện thể lực điều độ, nên mang sẵn những thứ như kẹo ngọt để khi cảm thấy có dấu hiệu hạ đường huyết cần sử dụng ngay. Hạn chế uống rượu, đặc biệt là uống rượu mà không ăn hoặc ăn ít. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng ở người đái tháo đường là phải luôn kiểm soát đường huyết chặt chẽ, tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra./.

Nguyễn Trọng Toàn - Khoa Hồi Sức Cấp Cứu thuộc TTYT huyện Chợ Mới

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang