Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Ý nghĩa của việc hiến máu

02:16 12/06/2020

Trong cuộc sống thường nhật, dù ở bất kỳ giai đoạn nào con người cũng phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên và xã hội. Những thiên tai, địch họa, bệnh tật luôn rình rập và gây ra rủi ro, bất hạnh ngoài ý muốn. Điều đó làm cho nhiều người rơi vào tình cảnh khó khăn, hiểm nguy; đôi khi còn bị đe dọa cả mạng sống. Để có thể vượt qua hoàn cảnh, họ cần được sự trợ giúp một trong nhiều mặt của xã hội, trong đó có những giọt máu nghĩa tình. Bấy giờ, mỗi cá nhân trong xã hội, chỉ cần hiến một phần máu của mình là đã cứu được tính mạng của những người đang cần đến nó. Bởi lẽ, những năm qua, lượng máu hiến được chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho người bệnh. Vào thời điểm thiếu máu cao điểm, có những bệnh nhân vào nhập viện nhiều ngày mà vẫn chưa có máu để truyền. Đáng tiếc là có những ca bệnh đã trở nên nặng hơn hoặc tử vong do không được tiếp máu kịp thời. Do đó, hiến máu cứu người là một việc làm hết sức ý nghĩa và mang tính nhân văn sâu sắc.  

Dân tộc Việt Nam luôn có truyền thống nhân đạo: “Thương người như thể thương thân”,  “Lá lành đùm lá rách”.  Bởi vậy, nhiều cá nhân, tổ chức đã phát huy tốt truyền thống đó bằng những hành động thiết thực: Đồng cảm, chia sẻ vật chất và tinh thần đối với những người nghèo, người già không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi... Ngày nay, có một nghĩa cử cao đẹp, một hành động cao cả; thể hiện lòng nhân ái và trách nhiệm của mỗi cá nhân với cộng đồng được xã hội tôn vinh, đó là phong trào “Hiến máu nhân đạo”. Hiến máu nhân đạo  không chỉ mang đến sự sống cho người bệnh mà còn là thể hiện tấm lòng tương thân, tương ái của dân tộc ta. Bởi lẽ, máu là món quà vô giá mà cuộc sống đã ban tặng cho mỗi con người. Chỉ cần hiến một phần máu của mình là đã cứu được nhiều người trước nguy cơ mất người thân, bạn bè và trước tiên là cứu được tính mạng của chính các người bệnh đang cần đến máu. Người bệnh được truyền máu không chỉ được tiếp nhận vào cơ thể mình một loại thuốc quý mà còn được đón nhận tình cảm bao la của đồng loại.  Còn đối với người hiến máu thì thật hạnh phúc, khi biết rằng đâu đó  có dòng máu của mình đang hòa chung vào sự sống, vào nhịp thở của một vài người đã được mình cứu sống. Điều đó đồng nghĩa mình vừa làm một điều có ích cho đời, cho xã hội.

Ngoài việc cứu sống tính mạng con người, hiến máu còn mang lại sức khoẻ cho chính người hiến máu. Nếu một người mất đi 10–15% lượng máu thì không ảnh hưởng gì đến lượng máu tuần hoàn trong cơ thể, vì ngay lúc đó máu dự trữ sẽ được đưa ra lưu thông trong cơ thể. Khi tham gia hiến máu, máu của chúng ta sẽ được thay đổi lượng máu mới. Các cơ quan sinh máu sẽ được kích thích và quá trình sinh tạo máu sẽ hoạt động với tốc độ gấp 8-10 lần so với bình thường. Hoạt động này nhằm nhanh chóng lấy lại sự cân bằng của cơ thể. Sau khi hiến máu khoảng 3-4 tuần, các thành phần trong máu phục hồi lại gần như bình thường, được trẻ hóa và nâng cao sức đề kháng chống bệnh tật. Hiến máu nhiều lần giảm nguy cơ ứ đọng sắt và giảm nguy cơ bệnh tim mạch, rất có lợi đối với người có quá nhiều hồng cầu, sắt và lượng máu đặc.

Với thông điệp: “ Giọt máu cho đi - Cuộc đời ở lại” đã bao hàm ý nghĩa  và mục đích lớn lao trong các đợt hiến máu nhân đạo. Mỗi giọt máu là biểu hiện của sự sống và tiếp sức cho sự sống. Khi dòng máu chảy trong cơ thể một người chỉ là để duy trì sự sống, nhưng cũng dòng máu ấy chảy trong cơ thể nhiều người, thì nó trở thành một làn sóng của yêu thương và chia sẻ phần đời quý giá nhất trong cuộc sống con người./.

Nguyễn Minh Thời 

TTYT Tịnh Biên