Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Phòng chống dịch COVID-19 và những bệnh mùa hè

10:17 22/06/2021

Hiện nay dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, cũng là thời điểm bước vào mùa hè thời tiết hanh khô, thường xuyên xuất hiện những cơn mưa rào đã tạo điều kiện thuận lợi để các dịch bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng... bùng phát mạnh mẽ; Vì vậy, mọi người cần thận trọng nhằm phòng tránh dịch chồng dịch.

Phòng ngừa dịch bệnh không bao giờ thừa, mọi người cần cảnh giác tránh nhầm lẫn giữa triệu chứng của dịch bệnh mùa hè (sốt xuất huyết, tay chân miệng…) với dịch bệnh COVID-19 hay mắc bệnh chồng bệnh tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn, gây ra các hậu quả đáng tiếc. 

1. Cần phân biệt sốt xuất huyết và COVID-19

* COVID-19:

Theo các nhà khoa học biến chủng Ấn Độ có tốc độ lây lan nhanh, thời gian ủ bệnh ngắn, vào khoảng 2-4 ngày so với 5-7 ngày của các chủng trước đó. Tức là, sau 2-4 ngày người bệnh có thể lây cho người khác khi tiếp xúc. Thực tế đánh giá đợt dịch lần thứ 4 tại Việt Nam là một minh chứng, có những người mới tiếp xúc ca bệnh 1-2 ngày đã có triệu chứng và đã có khả năng lây lan cho người khác.

Những người mắc bệnh COVID-19 đã có một loạt các triệu chứng được báo cáo - từ các triệu chứng nhẹ đến bệnh nghiêm trọng thường gặp là:

· Sốt hoặc ớn lạnh

· Ho

· Hụt hơi hoặc khó thở

· Mệt mỏi

· Đau cơ hoặc đau người

· Đau đầu

· Mới mất vị giác hoặc khứu giác

· Đau họng

· Ngạt mũi hoặc chảy nước mũi

· Buồn nôn hoặc nôn mữa

· Tiêu chảy

Hiện đã có vắc-xin phòng dịch bệnh COVID-19, người tiêm ngừa vắc-xin vẫn phải thực hiện tốt thông điệp 5K để phòng bệnh cho bản thân và gia đình vì:   

· Vắc-xin không đem lại sự bảo vệ tức thì. Sau tiêm mũi thứ 2 từ 1 tháng trở ra thì vắc-xin mới đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu và hiệu quả này cũng chỉ đạt ở mức khoảng 60%-90% tùy theo loại vắc-xin.

· Vắc-xin không bảo vệ tuyệt đối, nghĩa là một số người đã tiêm vắc-xin có thể không bị mắc bệnh nhưng vẫn có khả năng trở thành người mang vi-rút và lây bệnh cho người khác.

* Sốt xuất huyết:

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi-rút Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi-rút, sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.

Triệu chứng thường gặp ở bệnh sốt xuất huyết chủ yếu là sốt cao đột ngột 39-400C, kéo dài 2-7 ngày, khó hạ sốt, nổi mẩn, phát ban. Nặng hơn, người bệnh có thể bị chảy máu cam, chảy máu chân răng, nôn ra máu, đau bụng, tụt huyết áp, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Để phòng và tránh bệnh Sốt xuất huyết, ta cần tránh muỗi đốt; hạn chế nơi muỗi đẻ phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Như vậy, COVID-19 và sốt xuất huyết đều có thể dẫn tới tử vong. Điều trị đối với những người mắc thể nặng ở 2 bệnh này tương đối khác nhau và cần phải điều trị tại bệnh viện.

Tất cả độ tuổi đều có khả năng mắc COVID-19, những người đang có các bệnh lý nền khác như tiểu đường hay tim mạch thì có nguy cơ bị nặng cao hơn.

Khi nghi ngờ bệnh nhân mắc sốt xuất huyết hoặc COVID-19 nên được theo dõi chặt chẽ và thực hiện các xét nghiệm thích hợp nhằm chẩn đoán sớm sốt xuất huyết hay COVID-19 hay cả hai là rất cần thiết.

Các triệu chứng đầu tiên của sốt xuất huyết bao gồm nôn dai dẳng, chảy máu niêm mạc, khó thở, hôn mê/bồn chồn, hạ huyết áp tư thế, gan to và hematocrit tăng dần. Các biến chứng của bệnh sốt xuất huyết và COVID-19 có thể xuất hiện trước khi có kết quả xét nghiệm dương tính. Các xử lý về lâm sàng nên được hướng dẫn bởi các chuyên gia giàu kinh nghiệm.

2. Cần phân biệt triệu chứng của COVID-19 và bệnh cảm lạnh, cảm cúm

Người nhiễm vi-rút SARS-CoV-2, cảm lạnh, cảm cúm là do các vi-rút khác nhau gây ra và mức độ biểu hiện sẽ khác nhau.

Cảm lạnh, cảm cúm thông thường không gây ra những nhiễm trùng nghiêm trọng. Cơ thể bạn sẽ dần hồi phục khi được điều trị bằng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Thậm chí, nhiều trường hợp không cần dùng thuốc, chỉ nghỉ ngơi và uống đủ nước, bệnh cảm lạnh, cúm mùa sẽ thuyên giảm trong vòng 3 – 7 ngày.

Tuy nhiên, nếu bạn nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 mới, mức độ biểu hiện sẽ nặng nề. Việc uống thuốc thông thường không làm tình trạng bệnh đỡ hơn. Bởi hiện nay chưa có thuốc trị bệnh chính thức. Ngoài triệu chứng thân nhiệt tăng cao bất thường, vi-rút SARS-CoV-2 tấn công mạnh vào hệ hô hấp, gây viêm phổi, dẫn đến tình trạng thiếu oxy, khó thở rõ rệt. Đây là dấu hiệu đặc trưng mà cảm lạnh, cảm cúm thông thường không có. 

Trong trường hợp gặp các triệu chứng này, hãy bình tĩnh phân biệt và không nên chủ quan. Tốt nhất bạn nên tới bác sĩ để được xét nghiệm kịp thời, chính xác nhất. WHO cũng khuyến cáo những người bị ho dai dẳng, sốt và cảm thấy khó thở nên đi khám sớm. Đồng thời, hãy kể cho bác sĩ biết lịch sử đi lại trong vòng 14 ngày trước khi các triệu chứng xuất hiện. Hoặc nói rõ bạn đã có tiếp xúc gần với người có những triệu chứng hô hấp hay không.

3. Phân biệt COVID-19 và bệnh tay chân miệng

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tay chân miệng là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi-rút thuộc nhóm Enterovirus gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc gián tiếp qua đồ dùng, vật dụng bị nhiễm vi-rút từ dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh. Bệnh thường có biểu hiện sốt, đau họng, loét miệng, lợi, lưỡi, phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông.

Căn bệnh này chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 10 tuổi, thường là ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Phụ nữ mang thai cần phòng tránh bệnh, không nên tiếp xúc gần gũi với người nhiễm bệnh bởi có khả năng lây nhiễm và truyền vi-rút sang cho con ngay trước hoặc trong khi sinh. Điều đáng lưu ý là một người có thể nhiễm bệnh tay chân miệng nhiều lần do mỗi lần nhiễm bệnh, cơ thể chỉ tạo ra kháng thể với một loại vi-rút nhất định.

Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng. Người bệnh nên uống nhiều nước và có thể dùng thuốc để điều trị triệu chứng như hạ sốt hay giảm đau do các vết loét.

Tóm lại, dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát cũng là lúc sốt xuất huyết, tay chân miệng và cúm mùa xuất hiện, ai cũng lo lắng cho sức khỏe của gia đình và bản thân, nhất là các bà mẹ lo lắng cho con em mình bị bệnh. Đặc biệt, trường hợp mắc nhiều bệnh cùng lúc, sức đề kháng khó chống chịu nổi.

Chính vì vậy, chúng ta cần bình tĩnh để vượt qua mùa dịch bằng cách bảo vệ sức khỏe từ bên ngoài: Thực hiện tốt 5K; tập thể dục thường xuyên, dinh dưỡng đủ chất, hợp lý nâng cao sức đề kháng. Ngoài ra, cần tỉnh táo khi các thành viên trong gia đình có người ho, sốt cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn, không tự ý hạ sốt tại nhà, có hai bệnh không thể dùng thuốc hạ sốt tùy tiện đó là sốt xuất huyết và COVID-19./.

Trương Thành Tài– TYT phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang