Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Y học dự phòng

Phòng chống bệnh sốt rét

02:37 14/04/2021

Trong những năm qua, công tác phòng chống sốt rét đã đạt những thành tựu đáng kể: giảm số ca mắc, số ca tử vong và không có dịch sốt rét xảy ra trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt tại Tịnh Biên, trước đây được xem là vùng trọng điểm của sốt rét lưu hành, nhưng những năm gần đây không còn dịch bệnh này. Nhiều nghiên cứu cho rằng, tình hình sốt rét kháng thuốc xuất hiện tại Lào và Campuchia đang lây truyền ở các tỉnh Tây Nguyên. Vì vậy, chúng ta cần cảnh giác để phòng ngừa dịch bệnh Sốt rét quay trở lại.

Sốt rét là căn bệnh do ký sinh trùng mà muỗi Anophen là vật trung gian truyền bệnh. Bệnh có thể lây truyền qua đường truyền máu, mẹ sang con, dùng chung bơm kim tiêm dính máu có ký sinh trùng sốt rét hoặc do bị muỗi đốt. Người vừa khỏi bệnh có thể tái mắc bệnh, vì có nhiều loại ký sinh trùng sốt rét khác nhau. Khi bệnh, nếu không được điều trị kịp thời và dứt điểm, sẽ khiến cho các tế bào ký sinh trùng phát triển mạnh gây ra tổn thương não hoặc phù não. Bệnh sốt rét đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ có thai, vì có thể gây sảy thai, thai chết lưu hoặc đẻ non. Phụ nữ khi mang thai nhiễm ký sinh trùng sốt rét, có thể sinh con bị sốt rét bẩm sinh. Đối với các trẻ nhỏ bị mắc bệnh sốt rét sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu nặng, suy hô hấp, gan to, lách to, tổn thương đa cơ quan và có thể tử vong chỉ trong 72 giờ. Thông thường, trẻ mắc sốt rét chỉ có biểu hiện là sốt nên rất dễ chẩn đoán nhầm với bệnh khác.

Người bị sốt rét thường có biểu hiện qua ba giai đoạn:

- Giai đoạn rét run: Người bệnh lạnh run toàn thân, môi tái, mắt quầng , nổi da gà, thường kéo dài 1/2- 2 giờ.

- Giai đoạn sốt cao: Thân nhiệt nóng dần có thể sốt 38-40 độ C, mặt đỏ, da khô nóng,  đau đầu, khát nước, hơi đau tức vùng gan lách thường kéo dài 1- 3 giờ.

- Giai đoạn vã mồ hôi: Thân nhiệt giảm dần, vã mồ hôi, khát nước, bớt đau đầu, cảm giác bệnh khỏe lại.

Đối với những người bị sốt rét lần đầu, cơn sốt điển hình này thường ít gặp, mà thường xuất hiện các biểu hiện khác làm ta dễ nhầm lẫn với các bệnh sốt xuất huyết, cúm, nhiễm siêu vi… Người mắc bệnh sốt rét thường xuyên bị thiếu máu, người gầy, da xanh, niêm mạc mắt nhợt. Nếu không được điều trị sẽ chuyển thành sốt rét ác tính và chết. Đồng thời, người mắc bệnh sốt rét không được điều trị hoặc điều trị không đúng sẽ là nguồn bệnh để lây sang người khác gây thành dịch.

Để phòng chống bệnh sốt rét mọi người cần thực hiện các biện pháp sau:

- Thường xuyên ngủ mùng, ngay cả ban ngày và mùng cần được tẩm hóa chất diệt muỗi. Đây là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh sốt rét.

- Sử dụng một số biện pháp xua đuổi muỗi như: dùng vợt muỗi, nhang đốt muỗi, thoa kem chống muỗi, khi làm việc vào buổi tối cần được trang bị quần áo dài tay để đề phòng muỗi đốt.

- Cần vệ sinh môi trường xung quanh nơi ở, loại bỏ những nơi trú ẩn của muỗi như phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, sắp xếp vật dụng trong nhà ngăn nắp, sạch sẽ, quần áo phải được xếp gọn gàng không nên treo hay móc quần áo trên tường làm chỗ cho muỗi đậu, vv...

- Những người đi làm ở vùng rừng núi hoặc có bệnh lưu hành cần mang theo mùng để ngủ, trước khi đi nên đến cơ sở y tế để được cấp thuốc uống phòng và khi trở về nên đến cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm.  Nếu có bị sốt rét sẽ được điều trị kịp thời.

- Khi thấy các triệu chứng của bệnh sốt rét như: Rét run, sốt nóng sau đó vã mồ hôi hoặc cảm thấy ớn lạnh, gai rét, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời./.

CN. Nguyễn Thị Kim Duyên - Khoa nội tổng hợp - TTYT Tịnh Biên

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang