Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Tin hoạt động

Truyền thông Y tế xã từ một góc nhìn

10:01 15/09/2020

Nếu nói chăm sóc sức khỏe ban đầu là nhiệm vụ của Y tế tuyến xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là tuyến xã), thì cán bộ chương trình Truyền thông Giáo dục sức khỏe (TTGDSK) được xem là lực lượng xung kích và luôn song hành hoạt động với tuyến này. Đây chính là bộ phận cung cấp kiến thức và kỹ năng để mọi người, mọi gia đình và cộng đồng thay đổi lối sống và thói quen có hại cho sức khỏe.

TTGDSK tuyến xã ngày càng khẳng định có vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. Đó là một hoạt động vừa mang tính xã hội, vừa mang tính chuyên môn. Bởi lẽ, bản thân nó là sự giúp đỡ, động viên để mọi người hiểu được vấn đề sức khỏe của mình và lựa chọn cách giải quyết vấn đề thích hợp. Công tác TTGDSK ở xã luôn đáp ứng được nhu cầu sức khỏe thiết yếu đa số ở cộng đồng. Khi đối tương được truyền thông sẽ tác động đến ba lĩnh vực: kiến thức về vấn đề sức khỏe, thái độ đối với vấn đề sức khỏe, hành vi ứng xử của đối tượng để giải quyết vấn đề sức khỏe. Qua đó giúp cho từng cá nhân chọn lựa giải pháp một cách hợp lý. Mặt khác, vì ở tuyến xã nên cán bộ TTGDSK thường xuyên tiếp xúc với dân, nắm rõ địa bàn; khi nói sử dụng ngôn từ địa phương dễ hiểu, áp dụng những hình ảnh trực quan, thực tế; linh hoạt né tránh những điều cấm kỵ như tôn giáo, tập tục; cổ vũ hành vi có lợi, giúp tháo gở khó khăn nên dễ đạt được cam kết hoán đổi hành vi và lôi cuốn mọi người hưởng ứng theo dây truyền. Truyền thông ở tuyến xã còn có thể tác động lên dư luận thông qua trao đổi khi gặp gở ở đám tiệc hay phát các thông báo trên hệ thống phát thanh hàng ngày. Ngoài ra, bộ phận này còn hợp tác với các ngành cấp xã nhân các buổi hội họp, nhằm triển khai kế hoạch và phổ biến kiến thức cho ban ngành đoàn thể để h trợ trong hoạt động. Cùng với chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình Y tế dự phòng; TTGDSK tuyến xã trong những năm qua đã mang lại nhiều thành công đáng khích lệ như góp phần ngăn chặn sự bùng phát của dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng, tiêu chảy cấp, cúm A, sởi,…và cả nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thúc đẩy quá trình xã hội hóa về công tác y tế. Ngoài ra, chương trình còn giúp thực hiện tốt các nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu khác. Qua đó, đã đóng góp tích cực vào những thành tựu chung của ngành Y tế.

Bên cạnh đó, ở tuyến xã còn có cả một hệ thống Tổ Y tế, cộng tác viên. Đây được xem là những cánh tay nối dài của ngành, bởi sự đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp Y tế ở địa phương. Hơn ai hết, lực lượng này luôn có điều kiện gần dân; am hiểu tín ngưỡng, phong tục, tập quán; thấu đáo tâm tư nguyện vọng, điều kiện kinh tế của cộng đồng dân cư. Bằng vốn kiến thức được đào tạo, qua thực tiển công tác cộng với “ tình làng nghĩa xóm” và áp dụng phương châm “Đi từng ngỏ, gỏ từng nhà” nên đã đạt được thành công đáng khích lệ. Họ luôn tranh thủ đến thăm từng hộ gia đình khi có các sản phụ mới sinh, hướng dẩn đưa trẻ đi tiêm ngừa đúng lịch, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh... Đây cũng là địa chỉ tin cậy khi xảy bạo lực gia đình; làm cầu nối vay vốn thoát nghèo; vận động giúp đở lẩn nhau khi khó khăn hoạn nạn, đảm nhiệm phân phối thẻ BHYT; phát động và xây dựng phong trào 03 sạch… Nếu ở bệnh viện là chốn giúp người bệnh vượt qua cơn ốm đau, thì đây chính là nơi chia đau, sẻ khổ. Vì vậy, tiếng nói họ rất có giá trị ở cộng đồng dân cư.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả thì công tác TTGDSK tuyến xã vẫn còn một số hạn chế như cơ sở vật chất một số trạm chật hẹp nên khó khăn trong bố trí góc TTGDSK. Trang thiết bị chưa đáp ứng theo yêu cầu nhiệm vụ; nguồn kinh phí hoạt động hầu như không có. Cán bộ TTGDSK  xã chưa được đào tạo bài bản lại  kiêm nhiệm nhiều chương trình khác. Cán bộ tổ Y tế phải đãm đương thêm công việc ở chính quyền để tăng thu nhập; định mức Y tế khóm bị cắt, cán bộ Y tế xã phải làm thay. Đội ngũ làm công tác TT-GDSK tại các đơn vị chưa đồng bộ, thường xuyên thay đổi, luân chuyển, năng lực và trình độ chuyên môn chưa đồng đều. Bên cạnh đó, chương trình không tạo được nguồn thu mà còn gây tiêu tốn kinh phí. Những việc làm của chương trình, người khác khó nhìn thấy, lại không có tính hiệu quả tức thì, nên ít nhiều không được đề cao vai trò như những chương trình khác.

Nhìn chung, TTGDSK tuyến xã có vai trò quan trọng trong công tác Y tế nói chung và lĩnh vực phòng chống bệnh tật nói riêng. Thực tế cho thấy, nếu TT-GDSK ở tuyến xã được quan tâm, đầu tư mạnh mẽ thì sẽ giúp người dân thực hiện, duy trì tốt hành vi có lợi cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Qua đó, giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh tật, dẫn đến giảm quá tải ở bệnh viện. Ngoài ra, còn giúp khống chế dịch bệnh, giảm chi phí khám chữa bệnh. Như vậy sẽ góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân và đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương./.

                                                                                                             Nguyễn Minh Thời

                                                                                                   TTYT Tịnh Biên

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang