Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Sự sống rất quý

03:52 10/09/2020

WHO cảnh báo tình trạng tự tử đã trở thành vấn đề sức khỏe công cộng toàn cầu, tác động đến mọi đối tượng thuộc mọi độ tuổi, giới tính và ở mọi nơi. Tự tử không đơn giản là chấm dứt cuộc sống ngay lập tức, mà còn là hệ lụy dai dẳng cho những người còn sống

Chưa kể, việc tự tử không thành còn biến những thanh niên sung sức thành tàn phế suốt đời.  Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước có khoảng một triệu người đã tự tử thành hay không thành mỗi năm. Trung bình cứ 40 giây sẽ có 1 người chết do tự tử, số lần cố gắng tự tử của nhiều người lên đến 25 lần. Trung bình một trường hợp tự tử tác động sâu sắc tới ít nhất sáu người khác.

Các nguy cơ đưa đến tự tử: Một trong những nguy cơ đưa đến tự tử là hoài nghi, mất tin tưởng, tức giận và lúng túng khó khăn trong quan hệ với gia đình, bạn bè. Tự tử thường xãy ra ở những trường hợp trầm cảm không được nhận biết và không được điều trị. Người ta ước lượng rằng 30% bệnh nhân đã đến thầy thuốc là bị trầm cảm; 60% những người này đã được điều trị ban đầu tại các bác sĩ đa khoa; trong nhiều trường hợp, các dấu hiệu bệnh trầm cảm đã bị che mờ đi và bệnh nhân chỉ trình bày về các triệu chứng về cơ thể như mệt mỏi, buồn chán, mất tập trung, lo lắng, cáu gắt, rối loạn giấc ngủ, đau ở nhiều bộ phận của cơ thể...

Tự tử thừơng gặp ở người bị trầm cảm, tuổi dưói 25 ở nam, nghiện rượu, những người ly hôn, goá bụa và độc thân.

Để ngăn ngừa tự tử, các chuyên gia y tế khuyên:

· Xử sự đúng mực, chân tình với người  có nguy cơ tự tử.

Hãy nói một cách chân thành cho họ hiểu bạn rất quan tâm tới họ và họ không cô đơn.

Lắng nghe họ và khuyến khích họ nói ra, trút bỏ những nỗi đau, sự giận dữ. Hãy điềm tĩnh, chấp thuận những lời họ nói mà không phán xét, không tranh luận đúng sai về những gì họ đang nói.

Tạo niềm tin, hy vọng cho họ để họ nhận ra rằng căng thẳng, trầm cảm chỉ là tạm thời, xung quanh họ còn nhiều sự giúp đỡ, còn nhiều người thân, nhiều việc quan trọng với họ và cuộc sống của họ rất có ý nghĩa.

Họ có thể tìm được sự giúp đỡ, hỗ trợ từ gia đình, bạn bè để vượt qua khó khăn; các chuyên gia tâm lý, nhân viên y tế có thể giúp họ có các biện pháp trị liệu phù hợp.

Họ sẽ vượt qua trầm cảm, tự tử khi thay đổi lối sống lành mạnh, lạc quan, như thể dục thể thao, ăn, ngủ điều độ, không sử dụng các chất kích thích.

Cung cấp cho họ những thông tin, địa chỉ cần thiết để khi gặp khó khăn bế tắc họ có thể liên lạc tìm kiếm sự giúp đỡ. Tiếp tục theo dõi, giúp đỡ họ kể cả khi họ nói không còn ý tưởng tự tử nữa. Họ rất cần sự gần gũi, giúp đỡ của mọi người xung quanh để cần bằng cuộc sống.

· Cộng đồng cần tạo điều kiện phát hiện phòng tránh tự tử:

Chúng ta cần thiết lập một mạng lưới xã hội tuyên truyền phòng tránh tự tử; thực hiện các trợ giúp tâm lý khôi phục lại sự ổ định tình cảm có thể được thực hiện bởi bác sĩ chăm sóc chính, bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý học, hàng xóm, bạn bè, người thân.

Tổ chức các cộng đồng xã hội phòng chống tự tử; tạo một môi trường hỗ trợ, thấu hiểu và chấp nhận vô điều kiện, chấp nhận tình cảm của họ và người có nguy cơ tự tử và thể hiện sự quan tâm.

Tổ chức các dịch vụ trị liệu và tâm lý xã hội phòng chống tự tử.

Tăng cường huấn luyện kỹ năng giao tiếp và giải quyết vấn đề khó khăn gặp phải trong cuôc sống.

Quản lý phù hợp các sự kiện cuộc sống căng thẳng.

Điều trị các rối loạn tâm lý tiềm ẩn.

Niềm tin và giá trị ủng hộ việc tìm kiếm hỗ trợ hoặc từ chối tự tử.

Tóm lại, Tự tử là một cái chết có thể được ngăn chặn nếu chúng ta quan tâm. Chăm sóc sức khỏe tinh thần của bản thân, gia đình, bạn bè và cộng đồng là giải pháp quan trọng nhất để ngăn ngừa tự tử. Mỗi địa phương cần có chiến lược, kế hoạch hành động phòng ngừa tự tử./.

Bs Lê Minh Uy – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang