Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Y học dự phòng

Dự phòng bệnh Lao

03:28 07/04/2020

Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống lao 24/3/2020, các Ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức trong nước và quốc tế triển khai Chiến dịch truyền thông tại cấp Trung ương và địa phương với chủ đề:“Biến hiểm họa COVID-19 thành cơ hội để Việt Nam chấm dứt bệnh lao vào năm 2030”.

Hiện nay, bệnh lao vẫn là một trong các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên thế giới. Mỗi ngày, khoảng 4.500 người tử vong vì căn bệnh trên và có đến gần 30.000 người nhiễm bệnh. Tại Việt Nam, nước ta vẫn nằm trong top 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới, đứng thứ 16 về số người mắc bệnh lao cao và đứng thứ 15 gánh nặng lao kháng đa thuốc.

An Giang có số người mắc bệnh lao đứng hàng thứ 3 cả nước. Năm 2019, số người nghi nhiễm lao được xét nghiệm Vi khuẩn học: 34.701 người, phát hiện 2.871 người có bằng chứng vi khuẩn học. Đưa vào điều trị 4.590 trường hợp lao các thể, điều trị lao kháng thuốc 127 trường hợp.

Vi khuẩn Lao lây truyền trực tiếp người – người, khó chẩn đoán sớm, điều trị dài ngày và tốn kém, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Để phát hiện sớm bệnh lao các nhân viên y tế, các khoa phòng của bệnh viện, phòng khám tư nhân cần tích cực sàng lọc bệnh lao cho tất cả các bệnh nhân tới khám bệnh bằng câu hỏi dựa vào 4 triệu chứng sau: Hiện tại có ho; sốt; sút cân; ra mồ hôi ban đêm. Nếu có bất kỳ có các triệu chứng trên cần được chuyển đi khám lao. Phát hiện lao cần điều trị sớm làm giảm nguy cơ lây truyền lao.

Các biện pháp sử dụng trong các phòng khám cần kiểm soát môi trường: Thông khí biết sử dụng luồng khí (hướng gió) để giảm nguy cơ lây truyền bệnh lao sử dụng đèn cực tím sát khuẩn khi hết giờ làm việc ở các cơ sở khám chữa bệnh.

Tư vấn, giáo dục cho bệnh nhân Lao: Tư vấn xét nghiệm HIV cho tất cả các bệnh nhân Lao, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác trong giai đoạn còn lây, che miệng khi ho/khạc, vứt bỏ đờm vào đúng nơi quy định, rửa tay… Uống thuốc đầy đủ theo đúng phác đồ, nơi ở thông thoáng. Tất cả bệnh nhân HIV không mắc Lao phải được điều trị dự phòng lao bằng INH.

Bảo vệ nhân viên y tế: khám sức khỏe định kỳ phát hiện Lao: bao gồm cả chụp XQ phổi + Xét nghiệm đờm. Cung cấp thông tin và tập huấn cho tất cả các nhân viên y tế.

Thực hiện tốt các biện pháp trên góp phần giảm lây truyền bệnh lao trong cộng đồng.

BS.CKI Đỗ Xuân Nguyên

Trưởng Khoa phòng chống HIV/AIDS - Lao - Da liễu, CDC An Giang

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang