Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Y học dự phòng

Một chặng đường phòng chống HIV/AIDS 1993 – 2020

04:25 16/03/2021

Năm 1993, trường hợp nhiễm HIV đầu tiên từ các cô gái mại dâm đi về từ Campuchia, kể từ đó tới nay lũy tích số người nhiễm HIV đến tháng 9/2020 là 11.625 trường hợp, số chuyển sang giai đoạn AIDS là: 8.749 trường hợp, số tử vong: 5.547 trường hợp. Đỉnh điểm của dịch vào năm 2009. Với sự nỗ lực phòng chống HIV/AIDS của tỉnh và hỗ trợ về nguồn lực của các tổ chức nước ngoài tài trợ cho An Giang số trường hợp mới phát hiện, chuyển AIDS, tử vong giảm đều hàng năm.

Trước đây, khi chưa có thuốc điều trị chủ yếu là truyền thông, can thiệp giảm hại: cung cấp Bơm kim tiêm (BKT), Bao cao su (BCS), Chất bôi trơn (CBT) cho các đối tượng nguy cơ cao: Phụ nữ bán dâm (PNBD), Nghiện chích ma túy (NCMT), Nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), vợ chồng, bạn tình, bạn chích của người nhiễm, hệ thống cung cấp từ: nhóm tiếp cận cộng đồng (TCCĐ), phòng tư vấn xét nghiệm, cơ sở điều trị ARV, trạm y tế xã phường, y tế khóm ấp. Công tác truyền thông cộng đồng phòng chống HIV/AIDS đã được triển khai từ tỉnh đến huyện đến xã, cho các ban ngành đoàn thể, hàng năm tuyến huyện, xã ký kết hợp đồng với đài phát thanh truyền thông về phòng chống HIV/AIDS 12 bài/năm. Kinh phí cho nhóm TCCĐ trước đây do các dự án chi trả 500.000đ/người/tháng, nay đã đề xuất UBND tỉnh trả 1.300.000đ/người/tháng. Đang triển khai vẽ bản đồ điểm nóng cho đối tượng nguy cơ cao (NCC) để can thiệp có hiệu quả cao.

Hoạt động Tư vấn xét nghiệm (TVXN) từ 6 phòng tư vấn tại tỉnh, huyện đã tăng lên 12 phòng tư vấn. 156 xã/phường đã triển khai tư vấn xét nghiệm miễn phí cho đối tượng nguy cơ cao và phụ nữ mang thai, bệnh nhân lao. Ngoài TVXN còn truyền thông phòng chống HIV/AIDS, cung cấp BCS, BKT, CBT và chuyển gởi khách hàng qua các dịch vụ: điều trị ARV, điều trị MMT, dự phòng trước phơi nhiễm làm giảm lây truyền HIV trong cộng đồng. Đẩy mạnh TVXN cho vợ/chồng, bạn tình, bạn chích để phát hiện người nhiễm trong cộng đồng. Hiện đang triển khai thêm 3 phòng xét nghiệm khẳng định tại  TTYT: An Phú, Châu Đốc, Châu Phú. TVXN tại cộng đồng đã phát test xét nghiệm niêm mạc miệng cho nhóm nguy cơ cao chủ yếu là nhóm MSM để tự xét nghiệm.

Điều trị Methadone tại 3 cơ sở, Trung tâm Y tế: Thành phố Long xuyên, Thành phố Châu Đốc, Thị xã Tân châu cho 412 người nghiện (380 nam và 32 nữ) làm giảm lây nhiễm HIV, Viêm gan B, C giảm tệ nạn xã hội góp phần ổn định cuộc sống của người nghiện.

Điều trị ARV bắt đầu từ năm 2005 đến nay đã điều trị cho 5.016 người làm giảm tử vong, giúp người nhiễm khỏe mạnh như người bình thường. Điều trị làm giảm lây truyền HIV ngoài cộng đồng. Điều trị ARV đến khi tải lượng HIV dưới 200 bản sao/ml không lây truyền HIV qua đường tình dục. Hiện nay, điều trị ARV được điều trị ngay, điều trị trong ngày do trước đây nguồn thuốc ARV chủ yếu do các dự án nước ngoài tài trợ còn hiện nay đã chuyển sang nguồn thuốc BHYT. Năm 2017, tỷ lệ có BHYT khoảng 42% đến nay qua tư vấn khuyến khích mua BHYT, tỷ lệ có BHYT đạt 98%, số còn lại do hết thẻ chưa mua kịp. Thẻ BHYT bệnh nhân nghèo đã được nhà nước mua, số bệnh nhân không tự mua được do kinh phí nhà nước và dự án Quỹ Toàn cầu (DA QTC) mua số tiền đồng chi trả hiện nay cũng do nguồn DA QTC chi trả, bệnh nhân không trả tiền, các Trung tâm Y tế tổng hợp kinh phí đồng chi trả gởi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổng hợp gởi về ban quản lý DA QTC Trung ương. DA QTC trả trực tiếp cho BHYT Việt Nam.

Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã triển khai đến tận xã, phường; phụ nữ mang thai đến khám thai tại xã, phường được TVXN HIV miễn phí. Nếu bị nhiễm HIV sẽ được điều trị ARV ngay cho mẹ và sau sinh mẹ được tư vấn dùng sữa thay thế cho trẻ, trẻ được uống thuốc ARV, được xét nghiệm ngay sau sinh, sau đó 4-16 tuần được xét nghiệm lại. Những năm trước đây, hàng năm có khoảng trên 50 trẻ bị nhiễm, đến nay giảm còn 2 trường hợp trên năm, có năm không có trẻ nhiễm, tiến tới không còn trẻ nhiễm HIV, đây là hoạt động mang tính nhân văn cao. Những trường hợp bị nhiễm do mẹ đi làm ăn xa, không xét nghiệm lúc mang thai khi sinh mới trở về địa phương sinh nên không can thiệp sớm.

Dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) đã được triển khai từ tháng 6 năm 2020 đến nay đã triển khai tại 10 phòng khám điều trị ARV và 1 phòng khám tại bệnh viện Hạnh Phúc đang điều trị cho 91 khách hàng. Điều trị PrEP là một hướng mới, góp phần làm giảm lây truyền HIV trong nhóm nguy cơ cao hướng tới chấm dứt dịch HIV/AIDS vào năm 2030, cần đẩy mạnh hoạt động này vào năm 2021.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp từ truyền thông can thiệp cộng đồng, Tư vấn xét nghiệm HIV, Dự phòng PrEP, Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, Điều trị MMT, điều trị ARV để giảm lây truyền HIV tiến tới chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030./.

BS.CKI Đỗ Xuân Nguyên, Khoa HIV/AIDS – Lao – Da liễu, TT.KSBT AG

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang