Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Mất cân bằng giới tính gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng

10:06 15/07/2020

Hiện nay, Việt Nam đang rơi vào tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Sự mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ có những tác động tiêu cực đến các chỉ số nhân khẩu học của dân số, đến hôn nhân và gia đình, đến trật tự an toàn xã hội nếu chúng ta không thực hiện các biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng GTKS là do những quan niệm sai lầm, tâm lý chuộng con trai hơn vẫn thể hiện rõ trong đời sống xã hội Việt Nam. Bởi, có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên và chăm sóc cha mẹ già. Chính sách dân số của Việt Nam hiện nay khuyến khích mỗi cặp vợ chồng chỉ nên sinh từ 1-2 con, cộng với tư tưởng trọng nam khinh nữ nói trên dẫn đến nhiều gia đình muốn sinh ít nhất là một con trai.

Theo kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009 cho thấy, tỷ số giới tính khi sinh (số trẻ trai sinh ra/100 trẻ gái) ở nước ta là 110. Con số này vượt ngưỡng an toàn về tỷ số giới tính khi sinh: 103-107. Tỷ số GTKS tăng sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực đối với dân số nói riêng và các vấn đề kinh tế - xã hội nói chung. Tác động của sự chênh lệch này sẽ không dễ nhận thấy ngay, nhưng những năm tiếp theo sau sẽ gây ra tình trạng “nam thừa, nữ thiếu”. Trong đó, đáng lo ngại nhất là tình trạng nam giới trong độ tuổi kết hôn sẽ rất khó khăn trong việc tìm kiếm bạn đời. Tình trạng này sẽ diễn ra dần dần và càng về những năm sau thì số lượng nam thừa càng lớn.

Tình trạng thiếu nữ giới để kết hôn sẽ dẫn đến xu hướng nam giới kết hôn muộn hoặc không kết hôn. Đặc biệt, đối với những trường hợp nghèo khó, trình độ học vấn thấp; kéo theo độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nam giới tăng lên. Vì thế, tỷ trọng dân số chưa kết hôn cũng sẽ tăng lên. Ngay cả tỷ lệ người già neo đơn, không nơi nương tựa, cần sự quan tâm chăm sóc của cộng đồng trong tương lai cũng sẽ tăng lên. Nam giới kết hôn muộn hoặc không kết hôn được sẽ có thể phải đối mặt với các rắc rối về tâm lý, tinh thần, tăng nguy cơ bệnh tật khi mà các nhu cầu tâm lý, tình cảm, sinh lý không được đáp ứng. Điều đó sẽ làm gia tăng các tệ nạn xã hội, đặc biệt là mại dâm nữ, nam; các nguy cơ về lây nhiễm HIV/AIDS; tệ nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em và ngay cả nạn nhân là nam giới vì thế cũng gia tăng.

Tình trạng thiếu nữ giới để kết hôn sẽ làm nam giới buộc phải tính đến việc kết hôn với người nước ngoài. Một thực tế đang diễn ra là có hàng trăm ngàn cô gái Việt Nam đang di chuyển đến các nước – nơi có tình trạng mất cân bằng GTKS trước chúng ta hàng chục năm là Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan để làm dâu. Khi kết hôn với người nước ngoài mà không có tình yêu, không có sự tìm hiểu nhau kỹ càng thì hôn nhân sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hoá, tôn giáo, thói quen sinh hoạt,… Những điều đó sẽ dẫn đến sự xung đột và đe dọa đến hạnh phúc gia đình, làm gia tăng các vụ bạo hành giới về thể chất, tinh thần, tình dục mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ; từ đó tăng cao nguy cơ số vụ ly hôn.

Việc lựa chọn giới tính sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe phụ nữ như: nạo hút thai; đẻ nhiều, chịu sức ép tinh thần; phân biệt đối xử với trẻ em gái khi không đạt được mong muốn có con trai;… điều này làm giảm cơ hội phát triển của phụ nữ; ảnh hưởng kinh tế của gia đình; tiêu tốn tiền bạc cho nạo thai, siêu âm, xét nghiệm; mất lao động do phụ nữ tập trung vào việc sinh đẻ.

Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh một điều rằng, các nguy cơ, tệ nạn xã hội nói trên không hoàn toàn phát sinh từ việc mất cân bằng GTKS mà còn tùy thuộc nhiều vào vị thế kinh tế xã hội của hộ gia đình và lần sinh con thứ mấy trong gia đình, nhưng rõ ràng rằng GTKS là một trong các nguyên nhân và khi chỉ số này tăng sẽ làm gia tăng các nguy cơ, tệ nạn nói trên.

Để đảm bảo sự phát triển bền vững theo qui luật tự nhiên và hạn chế sự mất cân bằng giới tính khi sinh thì cần đẩy mạnh việc truyền thông giáo dục người dân thay đổi hành vi, coi con trai cũng như con gái, loại bỏ dần tư tưởng “trọng nam khinh nữ”; cần thường xuyên thực hiện công tác truyền thông, giáo dục về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, bình đẳng giới trong kế hoạch hóa gia đình. Đồng thời, đề cao vai trò và vị thế của phụ nữ, xóa bỏ rào cản về bất bình đẳng giới đã tồn tại từ lâu. Tuyên truyền về giá trị của trẻ em gái; tuyên truyền các gia đình chỉ có con gái nhưng vẫn thành đạt và hạnh phúc, về những phụ nữ thành đạt trong cuộc sống; cải thiện các chính sách xã hội như: bảo hiểm xã hội cho người già, chính sách an sinh cho người cao tuổi; bảo đảm bình đẳng giới thật sự; tăng cường các dịch vụ xã hội;… Quản lý và giám sát chặt chẽ việc thực hiện các dịch vụ y tế liên quan đến lựa chọn giới tính trước sinh. Xây dựng các chế tài hợp lý nhằm nghiêm cấm mọi hình thức lựa chọn giới tính trước sinh./.

Ngô Vũ Phương – TYT Định Thành, Thoại Sơn

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang