Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Vệ sinh an toàn thực phẩm

Tăng cường công tác vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh An Giang

10:37 25/05/2021

Y tế là ngành đặc thù, hầu hết các nhân viên y tế (NVYT) phải làm việc trong điều kiện có nhiều yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. NVYT phải trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân, các bệnh phẩm nguy hiểm độc hại và xử lý các vụ dịch bệnh có khả năng truyền nhiễm cao như HIV/AIDS, viêm gan vi rút, vi khuẩn lao, SARS, H5N1 và đặc biệt là dịch bệnh COVID-19 đã và đang diễn ra. Đồng thời, NVYT còn chịu tác động bởi rất nhiều yếu tố nguy cơ có hại khác như bụi, tiếng ồn, điện từ trường, phóng xạ, vi sinh vật có hại, các khí gây mê, hoá chất khử khuẩn và các loại hóa chất. Cùng với tính chất công việc đòi hỏi sự tập trung, khối lượng công việc lớn và trách nhiệm cao… có thể gây ra căng thẳng, mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động trong ngành.

  

Với mục tiêu đảm bảo an toàn cho người lao động nói chung và NVYT nói riêng tránh khỏi những bất lợi của các yếu tố có hại và tạo ra điều kiện làm việc thuận lợi nhằm đảm bảo sức khoẻ cho người lao động, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả góp phần thúc đẩy quá trình phát triển chung của ngành. Trong thời gian qua, ngành Y tế tỉnh An Giang đã có nhiều biện pháp cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Các chế độ chính sách về công tác ATVSLĐ đã được triển khai thực hiện. Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành Y tế tỉnh An Giang đã chủ động triển khai các biện pháp nhằm tránh lây nhiễm dịch COVID-19 cho các NVYT tại các cơ sở khám, chữa bệnh như xây dựng kế hoạch ứng phó với từng cấp độ dịch bệnh; trang bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế; rà soát nguồn nhân lực phục vụ công tác phòng, chống dịch…

Nội dung về công tác an toàn vệ sinh lao động nói chung và công tác vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp nói riêng, đã được quy định trong rất nhiều văn bản luật như: Bộ luật Lao động, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Hóa chất, Luật Khoáng sản, Luật Môi trường, Luật Công đoàn,… và một số Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật ban hành nhằm bảo vệ sức khỏe, cải thiện điều kiện lao động, phòng chống tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp đối với người lao động. Thực hiện tốt ATVSLĐ nhằm bảo đảm sức khỏe và tính mạng của người lao động, góp phần quan trọng vào việc phát triển sản xuất và đời sống xã hội. Để công tác ATVSLĐ được triển khai đồng bộ, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và đảm bảo ATVSLĐ các đơn vị trong ngành Y tế cần quan tâm những việc sau đây:

1. Tổ chức bộ máy làm công tác an toàn, vệ sinh lao động (theo quy định tại Khoản 1, Điều 72; Khoản 1 Điều 73; Khoản 1, Điều 74; Khoản 1, Điều 75 Luật ATVSLĐ; Điều 36, 37, 38 Nghị định 39/2016/NĐ-CP)

- Tổ chức bộ phận an toàn và y tế.

- Tổ chức mạng lưới an toàn, vệ sinh viên.

- Thành lập Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động tại đơn vị (theo Điều 38 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ)

- Lập kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động: Kế hoạch phải đảm bảo 05 nội dung như sau: (1) Biện pháp kỹ thuật an toàn lao động và phòng, chống cháy, nổ; (2) Biện pháp về kỹ thuật vệ sinh lao động, phòng, chống yếu tố có hại và cải thiện điều kiện lao động; (3) Trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; (4) Chăm sóc sức khỏe người lao động; (5) Thông tin, tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.

2. Lập hồ sơ vệ sinh môi trường lao động, kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại (căn cứ Khoản 3, Điều 5; Nghị định số 39/2016/NĐ-CP; mẫu quy định tại Mục 1, Phụ lục I Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016).

3. Tổ chức Quan trắc môi trường lao động định kỳ (căn cứ Điều 40; điểm b, Khoản 3, Điều 45 và mẫu 4, Phụ lục III, Nghị định 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016; Nghị định 24a/2016/NĐ-CP). Với tần suất 01 lần/năm.

4. Quản lý sức khỏe, bệnh nghề nghiệp

- Phân loại điều kiện lao động của NVYT đang làm việc (căn cứ Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020).

- Khám sức khỏe trước khi bố trí vị trí làm việc.

- Khám sức khỏe định kỳ và quản lý sức khỏe người bị bệnh mãn tính.

- Khám bệnh nghề nghiệp và quản lý sức khỏe người bị bệnh nghề nghiệp.

5. Xây dựng kế hoạch ứng cứu khẩn cấp và tổ chức lực lượng ứng cứu tại nơi làm việc (theo quy định tại Điều 78, 79 Luật An toàn, vệ sinh lao động; Điều 5, 6, 7 và 8 Thông tư số 19/2016/TT-BYT ngày 30/6/2016).

6. Tuyên tuyền, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động (Điều 14 Luật ATVSLĐ 2015): Tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho các nhóm 1,2,3,4,5,6.

7. Các biện pháp giảm thiểu yếu tố có hại, phòng chống bệnh nghề nghiệp

- Biện pháp cải thiện điều kiện lao động, giảm thiểu yếu tố có hại, phòng chống bệnh nghề nghiệp (hệ thống thông gió, hút bụi, chống nóng, chống bức xạ…).

- Cấp, phát và sử dụng các loại phương tiện bảo vệ cá nhân theo tính chất công việc (căn cứ Phụ lục XXVIII Thông tư 04/2014/TT-BLĐTBXH ngày 12/02/2014).

- Thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật (căn cứ Thông tư 25/2013/TT-BLĐTBXH ngày 18/10/2013).

8. Đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh

- Bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm cho người lao động tại đơn vị (nếu có).

- Tổ chức vệ sinh phòng, chống dịch bệnh.

9. Công trình vệ sinh phúc lợi tại nơi làm việc (Thông tư 19/2016/TT-BYT ngày 30/6/2016): Hố tiêu, hố tiểu, buồng tắm, vòi nước rửa tay, nơi để quần áo, nước uống…

10. Công tác tự kiểm tra và báo cáo định kỳ về công tác ATVSLĐ (căn cứ Thông tư 07/2016/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2016; Thông tư 19/2016/TT-BYT ngày 30/6/2016).

- Tự kiểm tra ATVSLĐ: tần suất tự kiểm tra cấp đơn vị và cấp Khoa/Phòng; việc theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm tra.

-  Các loại báo cáo định kỳ 6 tháng và hằng năm gửi cơ quan quản lý nhà nước (Sở Y tế, Sở LĐ-TB&XH, Sở KH&CN).

Ngoài ra, với đặc thù của ngành Y tế có sử dụng nhiều chủng loại máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ như nồi hấp áp lực, lò hơi, nồi chiết suất, hệ thống khí nén, hệ thống oxy lỏng, bình khí nén, máy X-quang, thang máy, vận thăng nâng hàng, hệ thống điều hòa trung tâm, hóa chất…cần phải đăng ký và kiểm định nhằm đảm bảo thực hiện theo quy định và phòng ngừa các sự cố tai nạn lao động đáng tiếc có thể xảy ra./.

Ths. Võ Tấn Khoa - Khoa SKMT – YTTH – BNN, TT. KSBT An Giang

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang