Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Y học dự phòng

Dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con

09:08 09/06/2020

Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một biện pháp hiệu quả nhất, có tính nhân văn nhất làm giảm tỷ lệ trẻ bị nhiễm HIV, tiến tới không còn trẻ nhiễm mới. Nếu không được can thiệp dự phòng cứ 100 phụ nữ nhiễm HIV khi sanh có khoảng 25-40 trẻ bị nhiễm (Trong đó tỷ lệ nhiễm trong lúc mang thai khoảng 25%, tỷ lệ nhiễm trong lúc chuyển dạ khoảng 50% và lúc cho con bú khoảng 25%). Tuy nhiên, nếu bà mẹ được chẩn đoán sớm và điều trị cho mẹ và dự phòng cho con thì tỉ lệ lây truyền từ mẹ sang con chỉ còn dưới 2%, thậm chí là 0%.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh An giang tất cả các phụ nữ mang thai đến khám thai tại xã/ phường đều được tư vấn và làm xét nghiệm miễn phí ngay tại xã từ lần khám thai đầu tiên. Xét nghiệm càng sớm thì việc dự phòng càng hiệu quả.

Phụ nữ đã nhiễm HIV hiện nay cũng có nhu cầu có con. Đối với những người này cần phải điều trị ARV trên một năm, xét nghiệm tải lượng Virus dưới ngưỡng sẽ giảm nguy cơ lây cho bé.

Hưởng ứng Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Trong đó, truyền thông chú trọng vào các nội dung: Lợi ích của xét nghiệm sớm HIV cho phụ nữ mang thai; Lợi ích của điều trị ARV sớm cho người nhiễm HIV và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, Thời điểm phụ nữ nhiễm HIV có thể mang thai an toàn giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho con; Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; Lợi ích của theo dõi tải lượng HIV đối với phụ nữ mang thai nhiễm HIV để sinh ra những đứa con khỏe mạnh; Các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV: Lợi ích của dự phòng sớm lây nhiễm HIV; Quyền sinh con của phụ nữ nhiễm HIV; Quảng bá các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; Đảm bảo tài chính cho chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội trong dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.

Các  hoạt động khác cũng cần được tổ chức trong Tháng cao điểm: Treo băng rôn tại các trụ sở y tế trên địa bàn tỉnh,  tuyên truyền trên đài phát thanh tuyến huyện/Thị/Thành phố đến xã phường. Vận động các tổ chức, cá nhân và gia đình tích cực tham gia các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong nhóm phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ; Huy động sự tham gia của nam giới trong các hoạt động tại Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, giám sát hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ, đảm bảo tính sẵn có, tính dễ tiếp cận của các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con./.

BS. CKI. Đỗ Xuân Nguyên

Trưởng Khoa HIV/AIDS – Lao – Da liễu – Trung tâm KSBT An Giang

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang