Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Y học dự phòng

Sởi và biện pháp phòng chống bệnh sởi

02:58 07/08/2020

Sởi là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do virus gây ra. Bệnh lây lan từ người sang người. Virus sởi lây từ nước bọt hay nước mũi bắn ra do ho hay hắt hơi, và nó có thể tồn tại trong môi trường đến 2 giờ. Thời gian người bệnh có thể lây cho người khác là khoảng 4 ngày trước khi bắt đầu phát ban và 4 ngày sau phát ban.

Biểu hiện của bệnh sởi khởi đầu giống như các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác với các biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mắt, đỏ mắt và ghèn mắt. Khoảng 2-3 ngày sau, sẽ xuất hiện ban màu hồng bắt đầu từ sau tai lan đến trán rồi xuống thân mình, tay và cuối cùng lan xuống chân.

Đa số các ca bệnh sởi sẽ diễn tiến lành tính và bệnh nhân sẽ khỏi hoàn toàn mà không để lại bất kỳ di chứng gì cả. Chỉ một số ít trường hợp có thể gây biến chứng do sởi, những biến chứng thường gặp nhất do bệnh sởi là tiêu chảy, viêm tai giữa. Một số ít bệnh nhân có thể biến chứng viêm phổi, viêm não, tổn thương mắt do thiếu Vitamin A. Những người dễ bị biến chứng nặng do sởi là những trẻ nhỏ, nhất là trẻ suy dinh dưỡng, hay người có bệnh lý sẵn như suy giảm miễn dịch, bệnh tim bẩm sinh hay những phụ nữ đang mang thai mà chưa có miễn dịch với sởi. Phụ nữ mang thai nếu mắc sởi rất dễ bị sảy thai.

Sởi là bệnh do virus gây ra nên không có thuốc điều trị đặc hiệu. Chủ yếu vẫn là những biện pháp điều trị triệu chứng: nếu trẻ có sốt thì uống thuốc hạ sốt, nếu sổ mũi hay nghẹt mũi thì nhỏ mũi nước muối sinh lý, nếu ho thì nên khuyến khích uống nước đầy đủ. Chú ý không cho trẻ uống bất cứ loại thuốc giảm ho hay thuốc sổ mũi nào, vì ho và sổ mũi giúp trẻ bảo vệ cho phổi. Tuyệt đối không cho bé tiếp xúc khói thuốc lá, vì khói thuốc lá làm tăng nguy cơ biến chứng viêm tai giữa hay viêm phổi. Nếu trẻ bị tiêu chảy, có thể cho uống bù nước bằng dung dịch Oresol hay uống nước dừa tươi. Bé nhỏ 6 tháng đến 2 tuổi có thể uống vitamine A liều cao để có thể giảm độ nặng của bệnh, giảm biến chứng. Khi trẻ có những biến chứng như viêm tai giữa hay viêm phổi, có thể sử dụng kháng sinh để điều trị theo hướng dẫn của thầy thuốc. Đa số bệnh nhân mắc sởi đều có thể được theo dõi và chăm sóc tại nhà bằng các biện pháp trên. Chỉ có bệnh nhân nặng mới cần phải nhập viện. Việc người dân đổ xô điều trị ở tuyến trên là không cần thiết; bởi vì có thể bị lây chéo các bệnh khác còn nguy hiểm hơn.

Việc chích ngừa sởi kịp thời và đủ là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa bệnh. Trong chương trình tiêm chủng mở rộng chích mũi sởi đầu tiên cho trẻ ở 9 tháng tuổi. Sở dĩ chích ngừa sởi ở tháng tuổi này vì trước sanh trẻ đã nhận kháng thể của mẹ truyền qua nhau thai, trong đó có thể có kháng thể chống lại sởi, kháng thể này sẽ được sử dụng dần và thường hết lúc khoảng 1 tuổi. Sau đó có thể tiêm tiếp tục khi trẻ được từ 15-18 tháng tuổi. Mũi tiêm nhắc lại có thể thực hiện lúc trẻ được 4-6 tuổi. Tuy nhiên cũng có thể tiêm nhắc vào bất cứ lúc nào sau mũi thứ nhất 4 tuần.  Nếu trẻ không được tiêm nhắc mũi thứ hai nên được tiêm vào lúc 10 đến 12 tuổi.

Ngoài biện pháp chích ngừa để phòng bệnh, còn một số biện pháp khác cũng có hiệu quả tích cực. Đó là che miệng khi ho hay hắt hơi, rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng hay nước sát khuẩn đúng cách và đúng thời điểm để phòng ngừa bệnh sởi lây lan../.

                                                                                             Nguyễn Minh Thời

                                                                                               TTYT Tịnh Biên