Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Dinh dưỡng cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ để phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em

08:58 19/10/2020

Mặc dù An Giang đã và đang đạt được những thành tựu đáng kể về giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi trong suốt thập kỷ qua, tuy nhiên tình trạng suy dinh dưỡng vẫn là một mối bận tậm về sức khỏe cộng đồng vì tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp còi trong toàn tỉnh lần lượt là 12,1% và 22,8% (Điều tra Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia 2018). Sự can thiệp sớm bao gồm những hoạt động nhằm cải thiện an ninh lương thực và thúc đẩy các thực hành dinh dưỡng tốt nhất, có thể ngăn chặn suy dinh dưỡng và giảm nguy cơ tử vong của bà mẹ và trẻ em. Tình trạng dinh dưỡng được cải thiện không chỉ đem lại sức khỏe tốt cho người dân mà còn nhằm mục đích nâng cao tầm vóc cho con người Việt Nam trong tương lai và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước.

Trong các hoạt động can thiệp Cải thiện tình trạng dinh dưỡng Trẻ em cần phải nói đến đó là một trong các hoạt động hết sức cần thiết và hiệu quả mà chúng ta đã từng nghe qua trong các tài liệu y khoa về Dinh dưỡng là “Cơ hội 1.000 ngày VÀNG”. Tuy nhiên, cơ hội 1.000 ngày VÀNG hiện nay chưa được quan tâm đúng mức, không chỉ là những gia đình, người chăm sóc trẻ mà cũng chưa được các thành phần trong xã hội quan tâm đúng mức. Khái niệm 1.000 ngày VÀNG và những hoạt động can thiệp toàn diện có hệ thống trong giai đoạn này cần được xã hội nhận thức một cách sâu sắc.

Các kiến thức y học hiện đại đã khẳng định 1.000 ngày đầu đời là giai đoạn vàng giúp trẻ phát triển chiều cao tốt và nhanh nhất đó là từ trong bào thai và hai năm đầu đời. Để giúp trẻ em phát triển chiều cao tối ưu trong giai đoạn nói trên, hãy thực hiện các điều dưới đây để đảm bảo sự phát triển tốt:

1. Tạo điều kiện cho bào thai phát triển tốt từ trong bụng mẹ

2. Cho con bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời

3. Sau 6 tháng cho bé ăn dặm đúng cách cả về số lượng và chất lượng

4. Tạo môi trường sống: môi trường tự nhiên tốt, đủ ánh sáng, không gian đủ rộng cho sự vui chơi vận động, sẽ tạo điều kiện kích thích sự phát triển.

5. Khuyến khích trẻ vận động và chơi thể thao

6. Giúp trẻ có sự phát triển tâm thần kinh tốt: tinh thần ổn định, phấn chấn, giấc ngủ sâu sẽ giúp cơ thể tiết kiệm năng lượng. Đặc biệt, trong giấc ngủ đêm tuyến yên tiết ra hormon tăng trưởng GH, hormon này sẽ kích thích sự tăng trưởng của trẻ. Nhưng thực tế các trẻ ở thành phố thường ngủ rất khuya do mải chơi hoặc lo học nhiều quá dẫn đến bị ảnh hưởng chiều cao. Cần cho trẻ ngủ sớm trước 10 tối và giờ ngủ đều đặn tránh giờ ngủ thất thường.

Để đạt được các điều đó chúng ta cần phải chuẩn bị và thực hiện tốt các yêu cầu cần thiết về dinh dưỡng cho người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ qua từng giai đoạn trong cơ hội 1.000 ngày VÀNG như sau:

Dinh dưỡng trước khi mang thai

Chế độ ăn: đảm bảo số lượng cũng như chất lượng bữa ăn

- Nhu cầu năng lượng hàng ngày vị thành niên là 2,200 – 2,500 kcal

- Lượng protein cần đạt 55 – 60g/ ngày, lipid: 40 – 50g/ ngày

Bổ sung vi chất dinh dưỡng:

- Bổ sung sắt trong giai đoạn dậy thì: 20mg/ ngày

- Đối với trẻ gái sau khi có kinh nguyệt và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ: bổ sung sắt định kỳ theo WHO: 1 viên 60mg sắt nguyên tố/ tuần liên tục trong 3 tháng, rồi nghỉ 3 tháng sau đó tiếp tục lại chu kỳ này

§ Đa dạng thực phẩm trong khẩu phần

§ Tăng cường sử dụng sản phẩm giàu canxi

§ Khám sức khỏe định kỳ và tư vấn sức khỏe

§ Theo dõi cân nặng chiều cao để BMI trong khoảng 18,5 – 23,0

Dinh dưỡng trong khi mang thai

§ Nếu chia thời gian thành 3 giai đoạn:

- 3 tháng đầu thai kỳ: cân nặng cơ thể tăng 1 – 2kg

- 3 tháng giữa thai kỳ: cân nặng cơ thể tăng 4 – 5kg

- 3 tháng cuối thai kỳ: cân nặng cơ thể có thể tăng bằng cả 2 giai đoạn trước gộp lại, có thể tăng 6 – 7kg

Những phụ nữ mang thai khi đạt được cân nặng mong muốn như thế mới có thể sinh được những đứa trẻ có cân nặng sơ sinh từ 3 – 4 kg và mới có thể đủ lượng mỡ dự trữ giúp cho việc tạo sữa đầy đủ trong thời kỳ nuôi con bú sau này.

Ø Sự thay đổi về nhu cầu dinh dưỡng:

Khi mang thai nhu cầu dinh dưỡng cần phải bổ sung nhiều hơn so với lúc không mang thai lần lượt theo từng loại như: Năng lượng tăng thêm 14%; Protein tăng thêm 20%; Vitamin D tăng thêm 100%; Canxi tăng thêm 50%; Phốt pho tăng thêm 50%; Sắt tăng thêm 100%; Kẽm tăng thêm 25%; I-Ốt tăng thêm 16%; Vitamin A không cần bổ sung thêm trong giai đoạn mang thai.

Tăng đáp ứng năng lượng cho bà mẹ khi mang thai: nhu cầu năng lượng một người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15 – 49) trung bình 1 ngày là 2.200 kcal. Theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng năm 2012, khẩu phần ăn nhiều hơn, sao cho năng lượng tăng khoảng 360 kcal/ ngày (tương đương 1 bát cơm đầy và thức ăn hợp lý) cho 3 tháng giữa và 3 tháng cuối nhu cầu năng lượng cần tăng thêm 475 kcal/ ngày (tương đương 2 chén cơm bình thường và thức ăn hợp lý)

Tăng cân như thế nào là hợp lý trong giai đoạn mang thai?

- Tình trạng dinh dưỡng tốt (BMI: 18,5 – 24,9): mức tăng cân nên đạt là 20% cân nặng trước khi có thai

- Tình trạng dinh dưỡng gầy (BMI: < 18,5): mức tăng cân nên đạt là 25% cân nặng trước khi có thai

- Tình trạng dinh dưỡng thừa cân – béo phì (BMI: ≥ 25): mức tăng cân nên đạt là 15% cân nặng trước khi có thai.

Dinh dưỡng trong thời kỳ nuôi con bú

Ø Sự tiết sữa

- Trong thời gian 3 – 5 ngày đầu sau sinh, sữa được tiết ra gọi là “sữa non”, có màu vàng đậm, giàu sodium, chloride và các yếu tố miễn dịch như lactofeirin và immunoglobulin A,… nhưng hàm lượng lactose và protein tương đối thấp.

- 10 ngày sau đẻ, sữa sẽ có những đặc tính của “sữa hoàn thiện”

- Trong 3-4 ngày đầu sau đẻ nếu người mẹ không cho con bú, sự tiết sữa sẽ không duy trì.

- Lượng sữa được tiết ra sẽ tăng dần:

o Từ 50 ml trong ngày đầu sau đẻ.

o Đến 500ml vào ngày thứ 5

o Đến 650ml sau 1 tháng và 750ml vào thời điểm 3 tháng.

Ø Nhu cầu dinh dưỡng cần cho tạo sữa

- Sau khi sinh 4-6 tháng cân nặng của đứa trẻ tăng gấp đôi so với cân nặng sơ sinh.

- Năng lượng cần để tạo sữa tỷ lệ thuận với lượng sữa được tiết ra hàng ngày. Trung bình 100 ml sữa chứa 67 – 70kcal, hiệu quả năng lượng tạo sữa khoảng 80% (76-94%), như vậy để tạo được 100 ml sữa cần có khoảng 85kcal.

- Để tạo được trung bình 600 – 750ml/ ngày, nguồn cung cấp từ lượng mỡ dự trữ trong thời kỳ mang thai khoảng 100 – 200 kcal và bà mẹ cần cung cấp thêm hàng ngày khoảng 500kcal cho tạo sữa trong suốt thời gian nuôi con bú.

Ø Nhu cầu dinh dưỡng cần cho tạo sữa:

Khi cho con bú nhu cầu dinh dưỡng cần phải bổ sung nhiều hơn nữa, cần phải bổ sung thêm so với lúc không mang thai lần lượt theo từng loại như: Năng lượng tăng thêm 23%; Protein tăng thêm 30%; Vitamin A tăng thêm 33%; Vitamin D tăng thêm 100%; Canxi tăng thêm 50%; Phốt pho tăng thêm 50%; Kẽm tăng thêm 58%; I-ốt tăng thêm 33%; Sắt không cần bổ sung trong giai đoạn này

Một số thực phẩm mà bà mẹ đang cho con bú cần lưu ý

- Trà, cà phê, các loại nước có chứa caffeine có thể sẽ làm đứa trẻ bị kích thích, mất ngủ.

- Rượu: sẽ nhanh chóng tiết qua sữa, đồng thời lượng rượu dư thừa sẽ phân giải từ từ và giải phóng vào sữa.

- Thuốc lá: các chất độc của thuốc lá (Nicotine, Marijuana/cần sa) sẽ qua sữa hoặc cũng có thể được đứa trẻ hít trực tiếp từ khói thuốc bà mẹ thở ra

- Thuốc: nhiều loại thuốc có thể qua sữa nhưng thường với lượng nhỏ không ảnh hưởng tới đứa trẻ nhưng bà mẹ cần phải tham khảo ý kiến của Bác sĩ khi sử dụng thuốc.

Và đặc biệt hãy để ý cân đo trẻ đều đặn hàng tháng để kịp phát hiện ngay khi trẻ chậm lớn. Nếu bỏ lỡ giai đoạn 1.000 ngày vàng đầu đời, trẻ sẽ bị thiệt thòi rất nhiều trong tốc độ tăng trưởng đặc biệt là về chiều cao, bởi vậy, các bậc cha mẹ hãy cố gắng thực hiện đầy đủ cho con những điều trên để bé có khả năng được phát triển tối ưu./..

CN. Phạm Trầm An Khương

Phó Trưởng Khoa Dinh dưỡng, TTKSBT tỉnh An Giang

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang