Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Y học dự phòng

Bệnh sốt Chikungunya chưa có thuốc điều trị đặc hiệu để chữa bệnh.

09:57 21/08/2020

CHIKUNGUNYA

1.Khái quát về bệnh sốt Chikungunya

Trong lịch sử, Chikungunya (CHIK) từng được xem là sốt xuất huyết do có các triệu chứng tương tự nhau. Cho đến năm 1952, khi một dịch bệnh bùng phát ở cao nguyên Makonde, một khu vực nằm giữa Mozambique và Tanzania, thì Chikungunya mới được xác định là một bệnh riêng biệt (còn trường hợp mắc sốt xuất huyết đầu tiên được công nhận vào năm 1779). Chữ "Chikungunya" có nguồn gốc trong ngôn ngữ kimakonde có nghĩa người khom lưng - người bị đau khớp.

Bệnh Chikungunya gây ra bởi một loại virus thuộc chi alphavirus và thuộc họ Togaviridae. Trước đây muỗi Aedes aegypti được công nhận là loài phổ biến nhất gây ra sự lây nhiễm virus Chikungunya thì gần đây muỗi Aedes albopictus cũng được báo cáo làm lây lan căn bệnh này.

2.Tình hình dịch bệnh sốt Chikungunya trên thế giới và tại Việt Nam

Theo ghi nhận của WHO, CHIK đã gây ra một số trận dịch lớn tại châu Phi và châu Á. Tại châu Á, CHIK đã được phát hiện tại Thái Lan (1960), Ấn Độ (1964), Sri Lanka (1969), Myanmar (1975), Indonesia (1982).

Cuối năm 2013, bệnh CHIK đã xuất hiện và bắt đầu lan rộng ở hầu hết các Quốc gia khu vực Ấn Độ Dương, Châu Mỹ (Mỹ, Mexico và khu vực Caribean) và một vài nước ở Châu Âu (Pháp, Ý, Đức, Na Uy, Tây Ban Nha).

Nguồn: Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC): http://www.cdc.gov/chikungunya/geo/index.html

Hình ảnh phân bố bệnh Chikungunya trên thế giới cập nhật đến ngày 15/03/2015

Tại các quốc gia lận cận với Việt Nam, tình trạng nhiễm Chikungunya đã được ghi nhận trở lại trong thời gian gần đây ở Singapore (năm 2008), Malaysia (2008), Thái Lan (2009), Myanmar (2010), Cambodia năm 2011 và thời gian gần đây.

Trong khi đó, tại Việt Nam, các ghi nhận về tình hình nhiễm Chikungunya tại Việt Nam rất hạn chế. Năm 2010, Viện Pasteur TPHCM đã ghi nhận 36 ca nhiễm CHIK (chiếm tỷ lệ 5,8%) trên những bệnh nhân Sốt xuất huyết Dengue có xét nghiệm Dengue âm tính ở khu vực phía Nam.

3.Đặc điểm lâm sàng bệnh Chikungunya.

3.1.Biểu hiện lâm sàng

Nhóm tuổi mắc bệnh thường là người lớn trên 16 tuổi, nữ mắc bệnh nhiều hơn nam.

 - Sốt là triệu chứng thường gặp (92%). Sốt cao đột ngột kéo dài từ 24 đến 48 giờ, đạt đỉnh 39 – 400C kèm ớn lạnh và đáp ứng tốt với thuốc hạ sốt.

- Đau khớp (87%), đau lưng (67%), đau đầu (62%). Các khớp mắt cá chân, cổ tay và khớp nhỏ của bàn tay chịu tác động nặng nề nhất, trong khi đó các khớp lớn hơn như khớp gối, khớp vai và cột sống thì có ảnh hưởng nhưng nhẹ hơn và triệu chứng đau khớp này phần lớn là tự khỏi. Có 1 khuynh hướng là các khớp có liên quan đến các chấn thương hay thoái hóa thì dễ xuất hiện sớm và rõ ràng hơn. Hiện tượng dáng người khom lưng cổ điển có thể là do có sự tác động vào các khớp của chi dưới và lưng làm cho bệnh nhân khom người và uốn người về phía trước

- Mảng phát ban được ghi nhận 50% ở các trường hợp.

- Ngoài ra, bệnh nhân có thể có các biểu hiện viêm miệng (25%), loét miệng (15%)

- Hiếm hơn bệnh nhận có thể xuất hiện các u máu, biểu bì bọng nước, buồn nôn, đau cơ, xuất huyết, gan to, hội chứng não – màng não.

3.2. Cận lâm sàng

Hiện nay, các xét nghiệm thường được sử dụng để chẩn đoán xác định nhiễm vi rút CHIK có 2 loại chính, bao gồm: xét nghiệm phát hiện kháng nguyên (phân lập vi rút, PCR) và xét nghiệm phát hiện kháng thể (huyết thanh học ELISA và kháng thể trung hòa PRNT).

 3.3. Chẩn đoán phân biệt

Sốt, đau khớp, mảng phát ban là biểu hiện rất phổ biến của nhiều bệnh. Trong đó, khó khăn lớn nhất là chẩn đoán phân biệt giữa bệnh CHIK với Dengue do bệnh cảnh của 2 bệnh này khá tương đồng với nhau. Để có thể chẩn đoán phân biệt giữa 2 bệnh này cần phải xem xét thêm các dấu hiệu, triệu chứng và yếu tố khác.

 

TT

Đặc điểm phân biệt

Bệnh sốt Chikungunya

Dengue

Dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng

1

Sốt cao đến 40oC

Đột ngột

Từ từ

2

Thời gian sốt

1-2 ngày

5-7 ngày

3

Phát ban dát sần

Thường xảy ra

Hiếm xảy ra

4

Sốc và xuất huyết nặng

Hiếm xảy ra

Thường xảy ra hơn

5

Đau khớp

Thường xảy ra và kéo dài hơn 1 tháng

 

Thông số cận lâm sàng

1

Bạch cầu giảm

Thường xảy ra

Ít xảy ra

2

Tiểu cầu giảm

Ít xảy ra

Thường xảy ra

Nguồn: WHO-SEARO

Bảng so sánh đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng giữa Chikungunya và Dengue

Các yếu tố khác biệt giữa Chikungunya và Dengue còn ở các điểm sau:

 

TT

Một số yếu tố khác  biệt

Bệnh sốt Chikungunya

Dengue

1

Đối tượng nhiễm

Thường trên 16 tuổi

Thường dưới 16 tuổi

2

Tỷ lệ người nhiễm bệnh bị phát bệnh

khoảng 75% số người nhiễm virus sẽ bị bệnh.

 

khoảng 25% số người nhiễm virus sẽ bị bệnh

 

3

Triệu chứng xuất hiện

Sốt, đau khớp, đau cơ, nhức đầu, viêm kết mạc, sợ ánh sáng, phát ban.

 

Sốt, đau khớp, phát ban, nhức đầu.

4

Đau khớp và đau cơ

Viêm đa khớp, khớp nhỏ như khớp gối, khớp vai và cột sống thì có ảnh hưởng nhưng nhẹ hơn.

 

Đau khớp, đặc biệt là đầu gối và vai. Đau cơ của lưng, cánh tay và chân

5

Vị trí phát ban

Mảng phát ban lan rộng trên thân và tay chân

Điểm xuất huyết ở tay chân và mặt

6

Biến chứng

Khoảng 5-10% bệnh nhân sẽ bị viêm khớp mạn tính.

Có thể gây sốc, suy hô hấp, biến chứng xuất huyết và suy nội tạng.

 

7

Mức độ nguy hiểm

Ít khi phải nhập viện. Tỷ lệ tử vong thấp khoảng 1 phần ngàn

Nhập viện nhiều hơn Tỷ lệ tử vong từ 1% -5% hoặc cao hơn

Các yếu tố khác biệt này chỉ có tính tương đối

          Định nghĩa ca bệnh Chikungunya

Theo Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Châu Âu (ECDC), định nghĩa ca Chikungunya được dựa trên các tiêu chuẩn sau:

Tiêu chuẩn lâm sàng: sốt cấp >38,50C và kèm viêm – đau khớp nặng không rõ nguyên nhân.

Tiêu chuẩn dịch tễ học: sinh sống hoặc đi ra từ vùng dịch trong vòng 15 ngày.

Tiêu chuẩn xét nghiệm: một trong các xét nghiệm sau được thực hiện ở giai đoạn cấp

  • Phân lập vi rút.
  • Phát hiện gen RNA của vi rút bẳng kỹ thuật RT-PCR.
  • Phát hiện kháng thể đặc hiệu IgM ở mẫu máu cấp hoặc mẫu máu hồi phục.
  • Gia tăng giá trị kháng thể IgG gấp 4 lần ở mẫu máu thu thập được tối thiểu 3 tuần.

Dựa trên các tiêu chuẩn trên, WHO đã đưa ra định nghĩa ca như sau:

Ca có thể:    Ca bệnh theo tiêu chuẩn lâm sàng.

Ca nghi ngờ: Ca bệnh bao gồm có tiêu chuẩn lâm sàng VÀ tiêu chuẩn dịch tễ.

Ca xác định: Ca bệnh theo tiêu chuẩn xét nghiệm.

4. Điều trị

Cũng giống như bệnh sốt xuất huyết Dengue, bệnh sốt Chikungunya chưa có thuốc điều trị đặc hiệu để chữa bệnh. Việc điều trị bệnh chủ yếu là làm giảm thiểu các triệu chứng và biến chứng lâm sàng xảy ra. Bệnh sốt Chikungunya cũng chưa có vaccine để phòng bệnh nhưng nếu đã mắc bệnh thì có thể miễn nhiễm lâu dài với bệnh này.

5 Phòng ngừa

Việc phòng chống và kiểm soát bệnh sốt Chikungunya phải cần xem xét những nơi muỗi truyền bệnh có khả năng hoạt động, phát triển và sinh sản. Từ đó, thường xuyên đánh giá nguy cơ, xác định địa bàn trọng điểm để kịp thời thực hiện các biện pháp can thiệp chủ động.

Biện pháp phòng chống và kiểm soát bệnh sốt Chikungunya cũng giống như bệnh sốt xuất huyết, cần phải tiêu diệt hết hoặc làm giảm đến mức thấp nhất số lượng muỗi đóng vai trò truyền bệnh. Muốn thực hiện được vấn đề này, cần tổ chức công tác truyền thông giáo dục sức khỏe sâu rộng, huy động mọi lực lượng của cộng đồng người dân cùng tham gia tích cực các biện pháp phòng chống như triển khai chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy); phát hoang bụi rậm quanh nhà; lật gáo dừa, vỏ xe và các vật dụng chứa nước không cần thiết; thả cá hay sử dụng thiên địch khác để diệt lăng quăng, diệt muỗi ...

Trong thời gian dịch bệnh phát triển, bên cạnh việc làm tốt công tác vệ sinh môi trường cần chuyển đổi quy mô can thiệp sang hình thức phun chủ động hoặc dập dịch diện rộng khi đủ tiêu chuẩn.

Ngoài ra, việc người dân tự bảo vệ cá nhân hạn chế hay tránh việc muỗi đốt truyền bệnh như sử dụng quần áo dài phòng hộ, ngủ trong mùng (kể cả ngủ ban ngày), dùng màn ngủ tẩm hóa chất xua diệt muỗi, các hóa chất thoa ngoài da, nhang đuổi muỗi cũng được khuyến cáo sử dụng.

Khuyến cáo

Khi phát hiện những triệu chứng lâm sàng như sốt cao đột ngột 38-39oC, có các nốt xuất huyết dưới da, nhất là ở phần đùi và cẳng tay; người mệt mỏi, rét run từng cơn, niêm mạc mắt đỏ, kết mạc sung huyết, một số trường hợp bệnh nhân bị đau cơ, khớp... nhưng kết quả thử nghiệm âm tính với virus sốt xuất huyết Dengue; nên nghĩ đến bệnh sốt do virus Chikungunya vì bệnh này có biểu hiện lâm sàng gần giống với bệnh sốt xuất huyết.

Về muỗi truyền bệnh, muỗi Aedes aegypti hoặc Aedes albopictus đều có khả năng truyền bệnh sốt xuất huyết, bệnh sốt Chikungunya và cả bệnh Zika. Vì vậy, các hoạt động diệt lăng quăng, diệt muỗi là các biện pháp phòng ngừa chủ động, hiệu quả, cần duy trì thường xuyên và liên tục.

Bs CKII Phan Vân Điền Phương - Phó Giám đốc Sở Y tế An Giang

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang