Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Tin hoạt động

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh An Giang từ chỉ đạo đến hành động

10:27 15/09/2020

Thực hiện các nội dung của Nghị quyết số 19-NQ/TW6 khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập. Việt Nam là nước duy nhất Đông Nam Á chưa thực hiện mô hình Trung tâm Kiểm soát bệnh tật chăm sóc sức khỏe mà do nhiều trung tâm thực hiện, tình trạng manh mún, dàn trải, trùng lặp.

Thực hiện nghị quyết 19/TW, Bộ Y tế tính trung bình mỗi tỉnh hiện có sáu đơn vị, với sáu giám đốc và khoảng 18 phó giám đốc, hợp nhất thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (TTKSBT) thì chỉ còn một giám đốc và ba phó giám đốc, khi đó sẽ dôi ra năm giám đốc và khoảng 15 phó giám đốc; cả nước sẽ dôi ra khoảng 1.200 cán bộ lãnh đạo, chưa kể hàng nghìn cán bộ cấp trưởng, phó khoa, phòng và viên chức như hành chính, kế toán, lái xe...

Từ thực trạng và chỉ đao của cấp trên, Sở Y tế đã thực hiện như sau: Lập đề án và thực hiện, Trung tâm được thành lập theo quyết định 1914/QĐ-UBND ngày 06/08/2019 của UBND tỉnh về việc thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trên cơ sở sáp nhập các Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS và Trung tâm Kiểm dịch y tế Quốc tế.

Trung tâm có chức năng tham mưu và tổ chức thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ về phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm; bệnh không lây nhiễm; phòng, chống tác động của các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe; quản lý sức khỏe cộng đồng; khám phát hiện, điều trị dự phòng và các dịch vụ y tế khác phù hợp với lĩnh vực chuyên môn trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

TTKSBT chính thức hoạt động từ ngày 11/10/2019, cơ cấu Tổ chức bộ máy gồm 03 phòng chức năng và 11 khoa phòng chuyên môn với 219 cán bộ công chức, viên chức: trước mắt là sự kết hợp nguyên trạng, lâu dài là sẽ sắp xếp và tổ chức lại một cách hài hòa, tinh gọn nhưng hiệu quả.

Hiện nay, TTKSBT có trụ sở tại 28 Nguyễn Du, Mỹ Bình, TP.  Long Xuyên, An Giang.

Khi hợp nhất đi vào hoạt động có các thuận lợi, khó khăn sau:

1. Thuận lợi vì có 1 đầu mối, 1 hệ thống số liệu cảnh báo:

“Việc sáp nhập những đơn vị hoạt động y tế cộng cộng, y học cộng đồng vào TTKSBT để tạo mối liên kết chặt chẽ từ tỉnh đến quận huyện, phường xã; vừa tinh gọn bộ máy, vừa tinh nhuệ, tập trung đầu mối thực hiện nhiệm vụ mang lại nhiều lợi ích cho người dân.

Hệ thống dữ liệu sức khỏe liên kết từ thông tin bệnh viện đến TTKSBT, từ cộng đồng (phường xã, dân cư) đến TTKSBT trên cơ sở đó sẽ dự báo, cảnh báo tình hình bệnh tật trong cộng đồng”. Tạo cơ sở cho phát hiện sớm bệnh tật, xử lý sớm những vấn đề sức khỏe con người như bệnh không lây nhiễm, tiêm chủng, yếu tố tác động môi trường, bệnh nghề nghiệp, sức khỏe dinh dưỡng…

2. Góp phần tinh gọn bộ máy; khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải, trùng lặp và nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách của đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo tính toán của Sở Y tế, tính trung bình năm đơn vị, với năm giám đốc và 9 phó giám đốc. Khi hợp nhất để tổ chức theo mô hình TTKSBT thì chỉ còn một giám đốc và ba phó giám đốc, khi đó sẽ dôi ra bốn giám đốc và khoảng 06 phó giám đốc; chưa kể các trưởng phó khoa phòng khác và nhiều cơ sở vật chất máy móc xét nghiệm; giảm được 4 đầu mối trung tâm và 20 đầu mối khoa, phòng.

Việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy hoạt động phù hợp, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Các cán bộ được đào tạo chuyên sâu các chuyên khoa được bố trí, luân chuyển về các khoa, phòng chuyên môn phù hợp với năng lực thế mạnh của mình.

3. Bố trí, sắp xếp trang thiết bị phục vụ chuyên môn tại các khoa phòng hợp lý giúp tiết kiệm chi phí vận hành, sử dụng hiệu quả các trang thiết bị

Trang thiết bị y tế được bố trí phù hợp và sử dụng hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí vận hành, nâng cao năng suất nhất là các trang thiết bị chuyên môn cao có chi phí vận hành lớn. Đơn cử như, Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS... đều có phòng xét nghiệm. Các phòng sáp nhập lại làm một, duy trì – nâng hiệu suất sử dụng và triển khai nhiều kỹ thuật mới phục vụ công tác chẩn đoán dịch bệnh.

4. Mặt khác việc sáp nhập cũng có những khó khăn nhất định

Liên quan đến việc cơ cấu lại đội ngũ nguồn nhân lực, như: sắp xếp, bố trí công việc phù hợp cho đội ngũ cán bộ đang giữ các chức vụ chủ chốt của các đơn vị, giải quyết tình trạng dôi dư cán bộ làm công tác hành chính. Điều này tác động đến tâm lý, tâm tư, tình cảm cán bộ, công chức, viên chức. Ban đầu, khi có chủ trương sáp nhập, một số cán bộ có tư tưởng lo lắng, băn khoăn về chế độ làm việc, phân công nhiệm vụ, tuy nhiên lãnh đạo đơn vị đã họp bàn và căn cứ những quy định cụ thể về công tác tổ chức cán bộ để bổ nhiệm, phân công hợp lý.

5. Cơ quan mới, vận hành mới

Cần lập rõ lộ trình, tham mưu cấp trên và thực hiện tốt quy chế dân chủ gắn với tuyên truyền, sắp xếp, tổ chức tạo đồng thuận, ủng hộ đổi mới và hạn chế ảnh hưởng tới quyền lợi NLĐ. Không đặt nặng tinh giản biên chế mà tăng cường tự chủ tài chính, sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn lực; xác định “thành công đến từ sự đồng thuận của tập thể CBCCVC toàn ngành”; Giảm “lượng” để nâng “chất”

Kết luận

Việc thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là phù hợp với xu thế chung của thế giới, khu vực và thống nhất mô hình chung của cả nước; giảm được 4 đầu mối trung tâm và 20 đầu mối khoa, phòng, giảm số lượng cán bộ lãnh đạo

Những nỗ lực của tập thể lãnh đạo đơn vị đã sớm sắp xếp ổn định tổ chức bộ máy; cán bộ sau khi sắp xếp lại đã kịp thời thích nghi và an tâm công tác. Cơ sở hạ tầng cùng với hệ thống máy móc xét nghiệm hiện đại quy tụ thành một trung tâm đã đảm bảo hoạt động chuyên môn chăm sóc sức khỏe người dân./.

Bs Lê Minh Uy - PGĐ. Trung tâm KSBT An Giang

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang