Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Y học dự phòng

8 Điều cần biết về viêm gan B

10:14 15/07/2020

28/7 hằng năm được WHO chọn là ngày Thế giới phòng chống viêm gan do "Thế giới không ý thức được hết mức độ nguy hiểm của bệnh viêm gan. Đã tới lúc cần phải đối phó với bệnh này với hơn 400 triệu người nhiễm bệnh viêm gan mà thường gặp nhất là viêm gan B.”

Viêm gan B là một cái tên quen thuộc với nhiều người dân Việt Nam. Việc mắc bệnh viêm gan B rất ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh cả về đời sống sinh hoạt và các hoạt động xã hội. Vậy những điều cần thiết nhất ta cần biết khi nhắc đến bệnh viêm gan B là gì? Hãy cùng tìm hiểu để có thêm kiến thức về bệnh, đồng thời có thể giúp bạn tìm các phương pháp phòng bệnh tốt nhất cho riêng mình.

1. Viêm gan B là gì?

Viêm gan B là bệnh lý gan do virus viêm gan B (HBV) gây nên. Bệnh có 2 quá trình diễn biến là cấp tính và mãn tính. Bệnh viêm gan B cấp tính thường mắc phải sau 6 tháng kể từ khi nhiễm virus vào cơ thể. Người lớn có sức đề kháng tốt bị nhiễm HBV có khả năng tự khỏi và tạo miễn dịch với bệnh. Bệnh viêm gan B mạn tính thường do nhiễm HBV kéo dài cả đời, kèm theo các yếu tố tác động không tốt đến gan (rượu, bia, thức ăn bẩn,...) sẽ biểu hiện thành bệnh. Việc bị nhiễm viêm gan B mạn tính hay không có phụ thuộc vào độ tuổi lúc bạn bị nhiễm. Có khoảng 90% trẻ sơ sinh bị nhiễm HBV sẽ diễn biến mạn tính, ngược lại chỉ có 5% đối với người lớn. Viêm gan B mạn tính có thể tiến triển thành những bệnh nguy hiểm cho sức khỏe như xơ gan, ung thư gan, có thể gây tử vong.

2. Viêm gan B rất phổ biến ở Việt Nam tỷ lệ mắc cao dao động từ 10 - 20%.

3. Viêm gan B lây truyền từ người bệnh sang người lành bằng đường máu, qua tinh dịch và các dịch cơ thể khác như quan hệ tình dục mà không có biện pháp dự phòng; lây truyền bằng đường máu, đường tình dục; sử dụng chung bơm kim tiêm, dao, kéo, ... và lây truyền từ mẹ bị nhiễm sang con.

Viêm gan B không lây truyền qua việc ăn uống và sử dụng chung các vật dụng sinh hoạt hàng ngày như bú sữa mẹ, ôm hôn, bắt tay, hắt hơi, ....

4. Các biểu hiện của viêm gan B: Tùy thuộc vào sức đề kháng và lối sống của mỗi người mà biểu hiện bệnh khác nhau. Từ không có biểu hiện gì đến các biểu hiện thường gặp là sốt, mệt mỏi, chán ăn, đau dạ dày, buồn nôn, nôn, nước tiểu sẫm màu, đau khớp và vàng da vàng mắt. Dù gì thì khi bị bệnh ít  nhiều gan cũng sẽ bị tổn thương,

5. Để biết mình có bị bệnh hay không ta phải xét nghiệm máu. Thông qua xét nghiệm, tình trạng gan của bạn sẽ được thể hiện chính xác trên các xét nghiệm.

6. Những ai cần xét nghiệm kiểm tra viêm gan B thường xuyên?

- Phụ nữ mang thai là đối tượng cần được xét nghiệm. Việc xét nghiệm sẽ giúp phát hiện tình trạng sức khỏe của thai phụ và dự phòng sớm viêm gan B cho con.

- Thành viên trong gia đình và người đã có quan hệ tình dục với người bị viêm gan B.

- Người sống trong vùng có tỷ lệ mắc bệnh viêm gan B cao.

- Những người bị một số bệnh như HIV, phải điều trị hóa học hoặc lọc máu.

- Nhân viên y tế, những người tiếp xúc với khối lượng lớn bệnh nhân có nguy cơ mắc viêm gan B hàng ngày, đặc biệt là điều dưỡng.

- Những người thuộc giới tính thứ 3.

Tất cả các đối tượng trên nếu xét nghiệm kiểm tra âm tính sẽ được tiêm vắc-xin dự phòng bệnh.

7. Điều trị viêm gan B như thế nào?

Một chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng là cách thức tốt nhất để duy trì sức khỏe với người bị viêm gan B. Một số trường hợp nặng sẽ phải nhập viện điều trị.

8. Bệnh viêm gan B có thể dự phòng tốt nhất là tiêm vắc-xin phòng bệnh.

Tóm lại, ngày 28 tháng 07 nhắc nhở chúng ta cần phòng chống bệnh viêm gan bằng cách xét nghiệm để phát hiện và bệnh có thể phòng được bằng tiêm ngừa./.

Bs Lê Minh Uy - PGĐ TTKSBT An Giang

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang