Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Y học dự phòng

Tiêm chủng vắc-xin chương trình tiêm chủng mở rộng trong thời điểm đại dịch COVID-19

10:21 15/09/2020

Từ đại dịch COVID-19 có lẽ không ít người sẽ giật mình vì đã không cho trẻ đi tiêm chủng các loại vắc xin phòng bệnh được Bộ Y tế khuyến cáo. Đại dịch này đã một lần nữa khẳng định tiêm vắc xin đầy đủ và đúng lịch là một biện pháp phòng chống bệnh hữu hiệu nhất, đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho bản thân mỗi cá nhân, từ đó nâng cao miễn dịch phòng bệnh bao phủ trong cộng đồng. Việc trì hoãn lịch tiêm có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đã được loại trừ hoặc khiến các bệnh truyền nhiễm, bội nhiễm như cúm, sởi, thủy đậu, viêm họng, viêm phổi... trở nên nặng hơn và khó điều trị hơn. Việc tiêm vắc xin đúng thời điểm và đúng lịch là rất quan trọng, cần thiết để kịp thời phòng được bệnh đã tiêm và để không nhầm lẫn với bệnh khác, không gây lo lắng cho gia đình và cộng đồng.

Trong vòng 5 năm đầu đời, trẻ mới xây dựng được hệ miễn dịch hoàn thiện; vì vậy, tiêm chủng đầy đủ là một cách tăng cường sức đề kháng hiệu quả với trẻ. Người dân cần lưu ý khi đưa trẻ đi tiêm phòng tuân thủ đúng những khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế như đeo khẩu trang đúng cách, rửa tay thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn. Ngoài ra, người dân luôn cập nhật thông tin đúng đủ về chủng COVID-19 này để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi vi rút SARS-CoV-2.

Trong Chương trình tiêm chủng mở rộng hiện nay đang được tiêm chủng với 9 loại vắc xin, phòng được 10 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bảo gồm: Viêm gan B, lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, bệnh do vi khuẩn Haemophilus influenzae tuýp B, sởi, Viêm não Nhật bản, Rubella.

Trung tâm Y tế Châu Thành đã chỉ đạo các Trạm Y tế triển khai các hoạt động tiêm chủng thường xuyên và các chiến dịch phải được tuân thủ nghiêm về quy định phòng chống dịch COVID-19. Với mục đích hạn chế mức thấp nhất gián đoạn hoạt động tiêm chủng thường xuyên, đảm bảo trẻ được tiêm chủng đầy đủ và không để xảy ra dịch đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm SARS-CoV-2 tại các điểm tiêm chủng. Cụ thể:

- Triển khai các hoạt động truyền thông sâu rộng đến người dân, nội dung truyền thông phù hợp để làm sao tất cả người dân đều hiểu và đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đồng thời nắm được các biện pháp phòng hộ cá nhân khi đưa trẻ đi tiêm chủng.

- Đối với trạm Y tế, các cơ sở tiêm chủng, thực hiện nghiêm phòng hộ cá nhân. Mỗi cán bộ y tế là tuyên truyền viên tư vấn về công tác tiêm chủng, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng bệnh khi đưa trẻ đến tiêm. Khi tổ chức buổi tiêm chủng phải: Lập kế hoạch tiêm chủng, gọi tiêm theo giờ đảm bảo không quá 20 trẻ trong cùng một thời điểm. Sàng lọc đối tượng trước buổi tiêm chủng: Đối với trẻ đang ốm, sốt, có biểu hiện viêm đường hô hấp trên thì chủ động tư vấn cho người dân không đưa trẻ đi tiêm chủng. Người đưa trẻ đi tiêm chủng phải không có dấu hiệu ho, sốt, nghi ngờ nhiễm COVID-19.

- Bố trí điểm tiêm chủng: Có sơ đồ hướng dẫn các phòng tiêm; chuẩn bị nhiệt kế đo nhiệt độ, dung dịch sát khuẩn tay nhanh hoặc xà phòng rửa tay; bố trí các phòng đảm bảo một chiều, thông thoáng, đặc biệt bố trí thêm phòng chờ theo dõi sau tiêm, đánh dấu khoảng cách tối thiểu ngồi giữa người dẫn trẻ đi tiêm tại khu vực ngồi chờ trước tiêm và phòng chờ sau tiêm, hạn chế nói chuyện.

- Ngoài ra, Trạm Y tế thực hiện rà soát toàn bộ các trẻ chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi các vắc xin trong chương trình, lập danh sách thông báo cho các gia đình đưa con đi tiêm chủng, nhằm đảm bảo trẻ  dưới 1 tuổi và trên 1 tuổi được tiêm đầy đủ các loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Kéo dài ngày tiêm chủng đối với các xã có số trẻ tiêm đông.

- Đối với người dân, cần tuân thủ các hướng dẫn phòng chống lây nhiễm SARS-COV-2 khi đưa trẻ đến các điểm tiêm chủng; cung cấp các thông tin của trẻ cho cán bộ y tế; theo dõi trẻ tại điểm tiêm 30 phút và về nhà theo dõi tiếp trẻ trong 24- 48 giờ tiếp theo, thông báo cho cán bộ điểm tiêm chủng nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường sau tiêm.

Để chủ động phòng bệnh, người dân cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng nhằm nâng cao thể trạng. Giữ gìn vệ sinh cá nhân, nhà cửa, đồ dùng sinh hoạt, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, che miệng khi hắt hơi. Vệ sinh môi trường xung quanh, thu gom, lật úp các phế thải giảm nguồn sinh sản của véc tơ truyền bệnh. Khi xuất hiện các biểu hiện nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời.

Đặc biệt, một biện pháp phòng chống bệnh hữu hiệu nhất đó là tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch các loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và các vắc xin ngoài chương trình để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho bản thân mỗi cá nhân, từ đó nâng cao miễn dịch, phòng bệnh bao phủ trong cộng đồng. Trẻ chưa được tiêm đủ mũi cần khẩn trương đi tiêm để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ sớm nhất./.

Dương Văn Nghiêm - Trung tâm Y tế Châu Thành

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang