Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Y học dự phòng

Bệnh sốt rét và cách phòng ngừa

02:40 14/04/2021

Ngày Thế giới phòng chống sốt rét 25/4 hằng năm được thành lập để cung cấp “Giáo dục và hiểu biết về bệnh sốt rét” và quảng bá truyền thông về thực hiện hàng năm, việc tăng cường các chiến lược quốc gia kiểm soát bệnh sốt rét, bao gồm cả các hoạt động dựa vào cộng đồng cho công tác phòng, chống bệnh sốt rét và điều trị tại vùng đặt hữu.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát động chủ đề năm 2021: “Không còn bệnh sốt rét - Ngăn ngừa sốt rét quay trở lại”

An Giang là một trong 25 tỉnh/thành phố đầu tiên cả nước thực hiện công bố loại trừ sốt rét trong năm 2019.

Biểu hiện của bệnh sốt rét

Biểu hiện của bệnh sốt rét có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng tùy thuộc vào nhiều yếu tố: Loại ký sinh trùng mắc phải, tình trạng miễn nhiễm của ký chủ, cơ địa... Thời kỳ ủ bệnh sốt rét là thời gian từ khi bị nhiễm ký sinh trùng cho đến khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng đầu tiên. Thời gian này trung bình từ 9 đến 30 ngày thay đổi tùy theo từng chủng loại ký sinh trùng sốt rét.

Biểu hiện lâm sàng của bệnh sốt rét bao gồm các cơn sốt điển hình trải qua 3 giai đoạn: Rét run, sốt cao, vã mồ hôi. Một cơn sốt thường kéo dài từ 2 đến 8 giờ, ngoài cơn sốt người bệnh không có cảm giác bị bệnh. Ngoài ra, có thể có các triệu chứng đi kèm khác như là: Nhức đầu, mệt mỏi, buồn nôn, đau cơ, rối loạn tiêu hóa...Với những người bị sốt rét lần đầu, kiểu sốt cơn điển hình như thế thì không thường gặp, trong khi những triệu chứng đi kèm khác lại thường xuất hiện, làm cho chúng ta dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như là bệnh sốt xuất huyết, cúm, nhiễm siêu vi... Trong khi đó, những người bị sốt rét thường xuyên sẽ có các triệu chứng thiếu máu mạn, gan to, lách to, suy kiệt.

Biện pháp phòng ngừa

Để không mắc bệnh sốt rét cần tránh bị muỗi đốt, người dân cần thực hiện các biện pháp sau đây:

Thường xuyên ngủ mùng, ngay cả ban ngày và mùng cần được tẩm hóa chất diệt muỗi. Đây là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh sốt rét. Buổi tối khi làm việc phải mặc quần áo dài tay để phòng muỗi đốt, sử dụng nhang xua muỗi, dùng vợt bắt muỗi, thoa kem chống muỗi....

Cần vệ sinh môi trường xung quanh nơi ở, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, sắp xếp vật dụng trong nhà cho ngăn nắp, sạch sẽ, quần áo xếp gọn gàng không nên treo hay móc trên tường làm chỗ cho muỗi đậu...

Ngoài ra, có thể trồng cây sả, cây húng thơm, hương thảo, cúc vạn thọ quanh nhà. Chúng thân thiện với môi trường, không gây độc hại cho sức khỏe, giúp phòng chống và xua đuổi muỗi hiệu quả.

Những người đi làm ở vùng rừng núi cần mang theo mùng để ngủ, trước khi đi nên đến cơ sở y tế để được cấp thuốc uống phòng và khi trở về từ vùng rừng núi nên đến cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, nếu có bị sốt rét sẽ được điều trị kịp thời./.

Nguyễn Hữu Mãi, Phó Khoa Ký sinh trùng - Côn trùng, TT KSBT An Giang

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang