Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Hưởng ứng Ngày sức khỏe tâm thần thế giới vì mục tiêu chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng “TÔN TRỌNG NHÂN PHẨM NGƯỜI BỆNH TÂM THẦN”

08:23 19/10/2020

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận ngày mùng 10 tháng 10 là Ngày sức khỏe tâm thần, được đặt ra để nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần và kêu gọi đầu tư vào các dịch vụ phòng ngừa và điều trị các bệnh tâm thần.

Chủ đề ngày Sức khỏe Tâm thần năm nay là: "TÔN TRỌNG NHÂN PHẨM NGƯỜI BỆNH TÂM THẦN -DIGNITY IN MENTAL HEALTH", với ý nghĩa là tất cả mọi người đều có thể sống một cuộc sống lành mạnh cùng với người bệnh tâm thần.

Vậy, Sức khỏe tâm thần là gì?

Định nghĩa hiện nay được đa số tác giả chấp nhận là định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới: “Sức khỏe không chỉ là trạng thái không bệnh hay không tật mà còn là trạng thái hoàn toàn thoải mái về các mặt cơ thể, tâm thần và xã hội”.

Như vậy, trong sức khỏe nói chung có ba thành phần: sức khỏe cơ thể, sức khỏe tâm thần và sức khỏe xã hội. Ba thành phần này quan hệ mật thiết với nhau, luôn tác động qua lại với nhau. Bị một bệnh cơ thể nặng hay kéo dài thường có rối loạn tâm thần kèm theo. Ngược lại, những bệnh nhân tâm thần lâu ngày đều có những rối loạn cơ thể. Trong các rối loạn tâm thần (lo âu, trầm cảm, …) đều có thành phần rối loạn cơ thể (rối loạn thực vật nội tạng). Ngược lại, các bệnh cơ thể cũng thường có thành phần rối loạn tâm thần (buồn phiền, lo âu, cáu gắt, uể oải,…)

Đặc biệt, sức khỏe tâm thần và sức khỏe xã hội rất khắng khít với nhau nên nhiều rối loạn được gọi chung là rối loạn tâm lý – xã hội như nghiện ma túy, nghiện rượu, rối loạn hành vi của thanh thiếu niên, các rối loạn liên quan đến Stress,... Ngoài ra, các rối loạn tâm lý – xã hội còn liên quan đến tình hình ổn định chính trị và an toàn xã hội.

Năm nay, WHO khuyến cáo tăng cường các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về những gì có thể thực hiện được để đảm bảo rằng những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần có thể tiếp tục sống với phẩm giá của họ. Thông qua các chính sách và pháp luật, đào tạo đội ngũ cán bộ y tế phải nhắc đến quyền con người, tôn trọng sự chấp thuận điều trị, bao gồm cả các quy trình thực hiện và thông tin công khai.

Vì vậy cộng đồng xã hội và gia đình cần: có 07 vấn đề chúng ta cần làm ngay

- Hiểu biết về bệnh tâm thần và tích cực tham gia vào việc chữa bệnh, phục hồi chức năng cho người bệnh.

- Phục hồi chức năng tâm lý xã hội thông qua giao tiếp tạo điều kiện cho người bệnh vui chơi giải trí với mọi người.

- Tôn trọng và lắng nghe ý kiến của người bệnh, không nên tranh luận với họ.

- Giúp đỡ họ khi họ gặp khó khăn và tạo cho người bệnh có việc làm phù hợp với khả năng của họ.

- Gia đình cần có thái độ xem người bệnh như những thành viên khác trong gia đình, không phân biệt đối xử.

- Cần chấp nhận những hành vi dị thường của người bệnh, cần tỏ rõ tình thương đối với người bệnh.

- Cần kiên trì giúp đỡ người bệnh, không bi quan chán nản. Không nên cưỡng ép, giận dữ, nên dịu dàng hướng dẫn người bệnh trong giao tiếp, ứng xử cũng như trong hướng dẫn thực hiện công việc hàng ngày.

- Vì sức khỏe bản thân, gia đình và xã hội hãy chủ động phòng tránh bệnh tâm thần.

v Các biện pháp thực hiện:

** Các biện pháp dự phòng các rối loạn tâm thần và tâm lý xã hội.

- Các biện pháp làm giảm nguy cơ suy kém nhận thức và giao tiếp xã hội (Bệnh viện ban ngày cho trẻ em, giáo dục cha mẹ, đưa nội dung sức khỏe tâm thần giảng ở các trường đại học)

- Các biện pháp nhằm kiểm soát tình trạng lạm dụng các chất (Thực hiện trong các khâu chăm sóc sức khỏe ban đầu và giáo dục ở nhà trường)

- Các biện pháp nhằm giảm tác hại của Stress cấp thông qua việc xử trí các cơn trong chăm sóc sức khỏe ban đầu:

+Giảm lạm dụng thuốc hướng thần.

+ Điều trị trầm cảm và nhiễm khuẩn ở người già (dự phòng tự sát và tổn hại thần kinh trung ương)

** Các biện pháp nhằm giảm các rối loạn khả năng hoạt động.

- Các biện pháp phục hồi chức năng tâm lý xã hội.

- Kiểm soát bệnh động kinh và khắc phục thành kiến xã hội với bệnh này.

- Kết hợp điều trị bằng thuốc với sự chăm sóc của gia đình đối với bệnh nhân tâm thần phân liệt.

- Phát hiện và điều trị các rối loạn trầm cảm.

Như vậy Tổ chức Y tế Thế giới đã hướng dẫn cụ thể và chi tiết những rối loạn tâm thần cần được ưu tiên quan tâm, những biện pháp cụ thể cần thực hiện và hoạt động chủ yếu cần đặt vào khâu chăm sóc sức khỏe ban đầu vào cộng đồng.

Các điều hướng dẫn này không những bổ ích cho công tác thiết kế chương trình quốc gia bảo vệ sức khỏe tâm thần và còn bổ ích cho công tác quản lý và chỉ đạo hàng ngày của các đơn vị sức khỏe tâm thần trung ương và địa phương./.

Bs. Trương Minh Thạch

Phó khoa Tâm thần - Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang