Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Thông tin sức khỏe

Chăm sóc và hỗ trợ người bệnh tâm thần

02:19 10/11/2020

Bệnh tâm thần là nhóm bệnh xã hội cần phải có sự hợp lực của nhiều ban ngành liên quan để quản lý, hỗ trợ, phục hồi tâm lý xã hội cho người bệnh.

Cùng với tốc độ phát triển của xã hội tình trạng đô thị hóa ngày càng cao, nhịp độ làm việc ngày một khẩn trương, con người sử dụng công cụ lao động ngày một tinh vi thì bệnh tâm thần cũng phát triển và đa dạng, cũng như phức tạp hơn.

Bệnh tâm thần thường không gây chết đột ngột nhưng làm đảo lộn sinh hoạt, gây căng thẳng cho các thành viên trong gia đình và tổn thất cả về kinh tế. Bệnh tâm thần nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến trạng thái tâm thần sa sút, người bệnh trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Bệnh tâm thần là những bệnh do hoạt động của não bộ bị rối loạn do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như: nhiễm khuẩn, nhiễm độc, sang chấn tâm thần, bệnh cơ thể... làm rối loạn chức năng phản ánh thực tại. Các quá trình cảm giác, tri giác, tư duy, ý thức... bị sai lệch cho nên người bệnh tâm thần có những ý nghĩ, cảm xúc, hành vi, tác phong không phù hợp với thực tại, với môi trường xung quanh. Một số bệnh tâm thần thường gặp: Bệnh tâm thần phân liệt; Động kinh tâm thần; Chậm phát triển trí tuệ; Loạn thần tuổi già; Rối loạn lo âu và rối loạn căn có liên quan đến stress; Rối loạn hành vi trẻ em và thanh thiếu niên; Trầm cảm; Nghiện rượu, lạm dụng rượu; Rối loạn tâm thần sau chấn thương; nghiện ma túy.

Bệnh tâm thần được phân loại vào nhóm bệnh xã hội và cần phải có sự hợp lực của nhiều ban ngành liên quan để phòng tránh và xử lý, nhất là việc quản lý, hỗ trợ, phục hồi tâm lý xã hội cho người bệnh tâm thần, để giúp họ có thể tái lao động, sớm hòa nhập với cộng đồng. Để làm được điều này, người bệnh tâm thần rất cần đến sự giúp đỡ của gia đình, xã hội và của cộng đồng.

1. Trách nhiệm của gia đình và cộng đồng đối với người mắc bệnh tâm thần:

Bệnh tâm thần là một bệnh của não, có nhiều biến đổi sinh học phức tạp và chịu tác động rất mạnh mẽ của môi trường tâm lý xã hội không thuận lợi. Người bệnh tâm thần bị nhiều thiệt thòi cho bản thân, gia đình và xã hội do bệnh gây ra các di chứng rối loạn hành vi, tình cảm, ý nghĩa bất thường. Vì vậy, mọi người trong đó có gia đình và cộng đồng phải phối hợp với cán bộ y tế để:

- Phát hiện sớm người có biểu hiện rối loạn tâm thần để đưa người bệnh đi chữa bệnh sớm tại các cơ sở y tế. Như vậy sẽ ngăn chặn tác hại do người bị bệnh gây ra cho gia đình và xã hội và việc điều trị sớm sẽ có hiệu quả giúp người bệnh nhanh khỏi trở về với gia đình.

- Bệnh tâm thần phân liệt có khuynh hướng tiến triển mãn tính. Vì vậy gia đình, cộng đồng và cán bộ y tế phải phối hợp một cách kiên nhẫn, hiểu biết, chia sẻ trong việc chăm sóc, phục hồi chức năng nhằm giảm thiệt thòi cho người bệnh.

- Người bệnh tâm thần được hưởng quyền lợi chăm sóc, điều trị như những bệnh khác và các chế độ chính sách khác của Nhà nước.

- Không phân biệt, đối xử kỳ thị, hành hạ, ngược đãi người bệnh dưới bất cứ hình thức nào.

- Không được sử dụng những tà thuật và các phương pháp chữa bệnh không có cơ sở khoa học làm ảnh hưởng đến sức khỏe và sự an toàn của người bệnh tâm thần và cộng đồng.

- Khuyến khích người bệnh tập thư giãn để làm giảm các triệu chứng cơ thể do căng thẳng gây ra.

- Đặt kế hoạch cho các hoạt động ngắn hạn để thư giãn, giải thích hoặc giúp người bệnh tạo được các niềm tin. Tiếp tục lại các hoạt động đã có hữu ích trong quá khứ.

- Thảo luận cách đối phó với các ý nghĩ, lo lắng đã bị khuếch đại từ phía người bệnh. Nếu có các triệu chứng cơ thể, thảo luận về mối liên kết giữa các triệu chứng cơ thể và tâm thần, nhất là các triệu chứng liên quan đến sự căng thẳng, từ đó lựa chọn phương pháp thư giãn để giải quyết các triệu chứng cơ thể.

2. Hỗ trợ, phục hồi chức năng tâm lý xã hội và tái hòa nhập cộng đồng.

- Tổ chức những người bệnh tâm thần tại xã, phường vào một câu lạc bộ hoặc nhóm có người phụ trách, có nội quy và lịch sinh hoạt tuần, tháng.

- Định kỳ sinh hoạt để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, năng lực, khiếm khuyết và những khó khăn của các thành viên.

- Tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể dục, dã ngoại, du lịch, thăm hỏi ốm đau mang tính tập thể, hòa nhập, tạo cho người bệnh các điều kiện sinh hoạt như người bình thường.

- Mời cán bộ chuyên môn nói chuyện với câu lạc bộ về bệnh mà họ đã mắc, cách uống thuốc, tác dụng phụ của thuốc, cách phòng bệnh, các dấu hiệu báo trước khi bệnh tái phát...

- Tùy theo điều kiện cơ sở vật chất mà tổ chức huấn luyện kỹ năng thích hợp cho người bệnh, có thể tại câu lạc bộ, có thể tại một gia đình người bệnh nào đó hoặc chính tại gia đình người bệnh do người thân huấn luyện. Hầu hết các kỹ năng là cơ bản, không cần cầu kỳ phức tạp, ví dụ như huấn luyện người bệnh tự vệ sinh cá nhân: tắm, giặt, đánh răng rửa mặt hoặc tổ chức một buổi nấu ăn tập thể cho nhóm người bệnh.

- Tập huấn kiến thức cho gia đình người bệnh: tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về chăm sóc người bệnh tâm thần, giải đáp thắc mắc của gia đình (do cán bộ chuyên môn phụ trách), các gia đình thành lập nhóm tự giúp đỡ (động viên chia sẻ, nâng đỡ, tương trợ lẫn nhau). Nội dung tập huấn bao gồm: Cách theo dõi người bệnh, biết các triệu chứng của bệnh, ghi chép các triệu chứng, báo cáo đều đặn cho bác sỹ điều trị; Cách phát hiện các triệu chứng tái phát; Cách phát hiện các triệu chứng cấp cứu, nguy hiểm để đưa đi điều trị kịp thời; Cách quản lý thuốc và cho người bệnh uống thuốc; Cách quản lý và chăm sóc người bệnh tại nhà.

3. Hỗ trợ, phục hồi chức năng lao động nghề nghiệp cho người bệnh tâm thần

- Đối với người bệnh tâm thần công việc bắt đầu trở lại là những công việc đơn giản, nhẹ nhàng, không đòi hỏi chi tiết, phức tạp.

- Tại cộng đồng, có thể tổ chức một nhóm lao động phục hồi chức năng như trồng trọt, chăn nuôi hoặc gia công, sản xuất các sản phẩm thủ công, đồ dùng vật dụng công đoạn thô cho các nhà máy, xưởng sản xuất tư nhân... Có thể gửi người bệnh vào các hợp tác xã, nhà máy, xưởng bảo trợ... Khi tiến hành liệu pháp lao động cần lưu ý một số nguyên tắc sau: Lao động phải có người hướng dẫn kèm cặp nhằm hỗ trợ và đảm bảo sự an toàn cho người bệnh; Bắt đầu từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, luôn ưu tiên những công việc mà trước đây người bệnh đã làm, có năng khiếu và ham thích; Lao động với hình thức tập thể là chủ yếu; Có sự đánh giá, động viên khen thưởng; Dù ít hay nhiều nhưng phải có trả công thích hợp cho từng người bệnh.

- Phải có cơ sở vật chất, kinh phí cho cơ sở đáp ứng cho việc tổ chức các hoạt động, huy động xã hội hóa với các cơ quan, đơn vị, tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm, gia đình người bệnh./.

Đinh Văn Đức - TYT xã Hòa Bình Thạnh, TTYT huyện Châu Thành

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang