Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Y học dự phòng

BỆNH BẠCH HẦU

09:22 15/07/2020

Mắc bệnh bạch hầu một lần không có nghĩa là đảm bảo miễn nhiễm cả đời, bệnh nhân có thể bị tái nhiễm nếu không được tiêm chủng đầy đủ

Bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng nguy hiểm, gây ra bởi vi khuẩn bạch hầu, bệnh lây lan qua các đường sau:

- Lây trực tiếp:  Bệnh nhân bị nhiễm bệnh bạch hầu khi ho, nhảy mũi sẽ bắn các giọt nước bị nhiễm vi khuẩn, mọi người xung quanh có thể hít phải vi khuẩn mà lây bệnh. Bệnh bạch hầu lan rộng chủ yếu qua con đường này, đặc biệt là trong các nơi đông người  như trường học, nhà trẻ

 - Lây gián tiếp: Từ những vật dụng cá nhân bị nhiễm khuẩn như dùng chung khăn hoặc uống chung ly nước chưa được rửa của người bị bệnh bạch hầu, hoặc tiếp xúc với những đồ vật có dính những chất tiết của bệnh nhân bị bệnh.

Bệnh bạch hầu có biểu hiện rất giống với những triệu chứng bệnh cảm, viêm mũi, họng thông thường như sốt, đau họng, ho, sổ mũi …Các triệu chứng của bệnh bạch hầu thường xuất hiện sau khoảng từ 2 – 5 ngày sau khi tiếp xúc với người bệnh hay đến vùng dịch tễ bệnh bạch hầu đang lưu hành. Các triệu chứng điển hình của bạch hầu bao gồm:

- Có màng nhầy màu xám bao phủ vùng họng và amidan.

 - Đau họng và khản tiếng.

- Sưng các hạch vùng cổ.

- Khó thở hoặc thở gấp, thở nhanh nông

-  Sổ mũi, sốt kèm ớn lạnh.

- Toàn thân đau nhức và mệt mỏi.

Bệnh bạch hầu có thể gây ra những biến chứng bởi độc tố phá hủy mô ngay tại vùng bị nhiễm vi khuẩn thường là mũi và họng. Tại những vị trí này, độc tố tạo nên một màng màu xám, dai, dính chặt khó bóc tách và dễ chảy máu. Màng này chứa các tế bào chết, vi khuẩn và các chất khác…có thể gây cản trở đường hô hấp, gây nghẹt thở đưa đến tình trạng suy hô hấp và tử vong. Bệnh cũng có thể gây biến chứng ở tim hay tổn thương thần kinh tại vùng họng có thể gây khó thở,  khó nuốt; tổn thương thần kinh tay chân gây yếu cơ, liệt cơ, cử động đi lại khó khăn.

Bệnh bạch hầu phòng ngừa  hiệu quả bằng vaccine Bạch hầu- Uốn ván- Ho gà, là một trong những vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng được khuyến cáo tiêm ngừa cho trẻ em.Tiêm ngừa bạch hầu bao gồm một chuỗi 5 mũi chích ở bắp tay hoặc đùi, cho các trẻ em độ tuổi sau:

- 2 tháng tuổi.

- 4 tháng tuổi

- 6 tháng tuổi

- 12 đến 18 tháng tuổi.

- 4 đến 6 tuổi.

Sau một loạt mũi chích ngừa trong thời kỳ trẻ nhỏ, nên chích củng cố vaccine Bạch hầu để giúp duy trì khả năng miễn dịch hiệu quả. Vì khả năng miễn nhiễm bệnh do chủng ngừa sẽ giảm dần theo thời gian.

Ngoài ra, cách ly nghiêm ngặt trong khi bị nhiễm bệnh cũng rất quan trọng để ngăn ngừa lây lan. Mọi người trong gia đình bệnh nhân cần phải tuân thủ nguyên tắc rửa tay thường qui để tránh lây nhiễm bệnh. Che miệng mũi khi ho, hắt hơi; mang khẩu trang khi đến nơi đông người. Khi đã hồi phục, bệnh nhân cần được chủng ngừa bạch hầu để ngăn ngừa tái phát. Vì bị mắc bệnh bạch hầu một lần không có nghĩa là đảm bảo miễn nhiễm cả đời, bệnh nhân có thể bị tái nhiễm nếu không được tiêm chủng đầy đủ./.

                                                                                Nguyễn Minh Thời

                                                                                  TTYT Tịnh Biên

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang