Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Y học dự phòng

Lợi ích của tiêm chủng

09:04 09/06/2020

Tiêm chủng là việc đưa vắc xin vào cơ thể để kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch chủ động đặc hiệu nhằm phòng tránh một bệnh truyền nhiễm nào đó.

Hiện nay đã có gần 30 bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh và khoảng 190 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đưa vắc xin vào sử dụng phổ cập cho người dân.

Có rất nhiều bệnh truyền nhiễm có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng rất nặng nề, đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh dại là một trong số đó. Khi bị nhiễm virus dại thì tử vong là điều khó tránh khỏi nếu không được tiêm vắc xin.

Bệnh dại

Hàng năm, khoảng 2,5 triệu trẻ em trên thế giới đã phòng tránh được một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhờ vào vắc xin. Tiêm chủng góp phần quan trọng để đạt được mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc về giảm tỷ lệ tử vong cho trẻ dưới 5 tuổi trên toàn thế giới.

Tiêm chủng giúp cho trẻ em phát triển thể chất và trí não bình thường do không mắc một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đồng thời giảm chi phí chăm sóc y tế, giảm thời gian và công sức của gia đình, đặc biệt là phụ nữ không phải chăm sóc trẻ bị bệnh cũng như tình trạng tàn phế do bệnh tật trong mỗi gia đình.

Tiêm chủng cũng giúp bảo vệ sức khỏe cho cả người lớn nhờ phòng tránh được các bệnh như cúm, viêm màng não do não mô cầu, ung thư gan, ung thư cổ tử cung... Từ đó, tạo nên những tác động tích cực lâu dài cho cá nhân và cộng đồng.

Một số thành tựu quan trọng của vắc xin và tiêm chủng trên thế giới

- Bệnh đậu mùa: Những vụ dịch lớn đã xảy ra ở Châu Âu từ thế kỷ thứ XIII. Các thế kỷ sau đó XVI, XVII, XVIII, những vụ dịch lớn đã xảy ra làm chết hàng triệu người. Thể nặng của bệnh có tỷ lệ chết gần 100%. Nhờ vào các chiến dịch chủng đậu, bệnh đậu mùa đã được thanh toán trên toàn cầu từ năm 1979 đến nay.

- Bệnh bại liệt: số ca mắc giảm từ trên 300.000/năm giai đoạn những năm 1980 xuống chỉ còn 358 năm 2014.

- Số trường hợp tử vong do sởi giảm từ 2,6 triệu/năm xuống còn 122.000 năm 2012.

- Đã có 2/3 số nước đang phát triển loại trừ được bệnh uốn ván sơ sinh.

- Số tử vong liên quan đến ho gà đã giảm từ 1,3 triệu/năm xuống còn 63.000 vào năm 2013.

- Số mắc bạch hầu đã giảm từ 80.000 trường hợp năm 1975 xuống còn dưới 10.000 trường hợp/năm như hiện nay.

Những thành tựu nổi bật của chương trình Tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam

Chương trình Tiêm chủng mở rộng đã được Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những chương trình y tế công cộng hiệu quả và thành công nhất ở Việt Nam. Cụ thể về một số thành quả lớn lao từ chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR):

- Tỷ lệ mắc bệnh bại liệt năm 1959, khi chưa có vắc xin, là 126,4/100.000 dân. Sau nhiều năm thực hiện việc cho trẻ uống vắc xin bại liệt, đến năm 2000, Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt trên toàn quốc.

- Bệnh uốn ván sơ sinh giai đoạn trước 1991 là rất nặng nề, hàng năm có tới vài trăm đến hàng nghìn trường hợp trẻ em chết do uốn ván sơ sinh trên toàn quốc. Qua nhiều năm bền bỉ với những nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống y tế, đặc biệt là công tác tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ có thai trong chương trình TCMR, số ca mắc uốn ván sơ sinh và mắc uốn ván của bà mẹ đã giảm vài chục lần so với giai đoạn trước năm 1991. Năm 2005, Việt Nam đã chính thức được Tổ chức Y tế thế giới công nhận đạt mục tiêu loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh trên qui mô toàn quốc.

- Các bệnh truyền nhiễm khác trong chương trình TCMR như bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản, sởi đã giảm một cách ngoạn mục từ hàng trăm đến hàng nghìn lần so với thời kỳ trước tiêm chủng./.

Bs. Lê Thị Thanh Phương, TTKSBT tỉnh An Giang

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang