Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Y học dự phòng

Phòng, chống bệnh bạch hầu

01:32 27/08/2020

Trong thời gian gần đây, qua công tác giám sát bệnh truyền nhiễm, đã phát hiện một số ổ dịch bạch hầu tại tỉnh Kon Tum. Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 3612/BYT-DP về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum.

Từ đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh Kon Tum ghi nhận rải rác 23 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu tại huyện Đắk Hà, Đắk Tô và Sa Thầy, riêng từ ngày 27/6/2020 đến ngày 02/7/2020 đã có 14 trường hợp tại xã Diên Bình (Đắk Tô), thị trấn Sa Thầy, xã Ya Xiêr (Sa Thầy), các trường hợp đều là người đồng bào dân tộc. bệnh bạch hầu là bệnh lây lan rất mạnh, diễn biến cấp tính, có thể gây biến chứng nặng và tử vong.

Tốc độ lây lan của bệnh này rất nhanh, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng lại có thuốc tiêm ngừa.

1. Bệnh bạch hầu là gì?

Bệnh bạch hầu thuộc nhóm bệnh nhiễm trùng có mức độ nguy hiểm rất cao được gây ra bởi vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae. Đây là loại trực khuẩn gram dương hiếu khí, hình tương tự như cái chùy hay có dạng que mảnh thẳng. Loại vi khuẩn nguy hiểm này có thể gây ra đại dịch, cụ thể là vào thế kỉ XVII, XVIII đã tàn phá khắp châu Âu và châu Mỹ.

Vi khuẩn bạch hầu được chia làm 03 dạng: C.gravis, C.intermedius, C.mitis và đều là tác nhân gây bệnh bạch hầu bằng ngoại độc tố. Đây là loại bệnh nhiễm khuẩn cấp tính giả mạc trong hầu họng, mũi,… Ngoài ra, vi khuẩn còn xuất hiện trên da, kết mạc mắt và cơ quan sinh dục. Người khỏe mạnh và người nhiễm vi-rút đều có khả năng trở thành ổ chứa và là nguồn lây bệnh.

Vi khuẩn này có sức đề kháng yếu. Nếu vi khuẩn có trong giả mạc hoặc bám trên quần áo, đồ chơi sẽ sinh sống khá lâu trong nhiệt độ thường. Vì thế, vi khuẩn bạch hầu lây lan qua con đường tiếp xúc các đồ vật và nhanh nhất khi người bệnh hắt hơi, nói chuyện (đường hô hấp).

2. Triệu chứng của bệnh bạch hầu là gì?

- Những dấu hiệu khởi phát của bệnh này giống với cảm lạnh hoặc cảm cúm do thay đổi của thời tiết với các bệnh như viêm họng, viêm amidan,… hoặc nhiễm trùng da nếu không may lân nhiễm vi khuẩn thông qua vết thương hở trên da.

- Triệu chứng của bệnh này diễn tiến trong khoảng 2 - 5 ngày sau khi bị lây nhiễm. Có những người không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào và cũng có những người biểu hiện nhẹ dễ nhầm lẫn với cảm lạnh bình thường.

Dấu hiệu nhận biết thường gặp nhất ở các bệnh nhân Bạch hầu là các mảng màu trắng, có độ dày trong họng và amidan. Ngoài ra, còn kèm theo các biểu hiện sau đây:

+ Sốt.                  

+ Vùng cổ nổi hạch to.

+ Viêm họng.                                    

+ Da tái xanh.

+ Thường chảy nước bọt.                  

+ Ho nhiều.

* Ngoài ra, khi bệnh tiến triển thêm sẽ xuất hiện những triệu chứng như:

- Khó thở và khó nuốt.   

- Thị lực kém.

- Nói lắp bắp.                          

- Có biểu hiện sốc như da tái, lạnh run, đổ mồ hôi,…

Bên cạnh đó, tùy theo vị trí bệnh Bạch hầu phát triển sẽ có biểu hiện khác nhau:

- Bạch hầu mũi trước: người bệnh sẽ có dấu hiệu sổ mũi, mủ ở mũi có thể kèm theo máu. Khi kiểm tra sẽ phát hiện giả mạc trắng nằm ở vách ngăn mũi. Nếu bệnh nhân cảm thấy mình chỉ xuất hiện những biểu hiện nhẹ thế này thì đây là dạng nhẹ do độc tố vi khuẩn không xâm nhập sâu vào máu.

- Bạch hầu họng và Amidan: người bệnh có dấu hiệu đau rát cổ họng, bỏ ăn, sốt nhẹ và thường xuyên mệt mỏi 03 ngày sau đó, vùng hậu và amidan sẽ mọc lên những mảng hoại tử tạo ra lớp giả mạc có màu trắng xanh, dai và có độ kết dính.

* Tùy theo vị trí xuất hiện bạch hầu mà bệnh nhân sẽ có những biểu hiện khác nhau:

- Một số người sẽ bị sưng vùng dưới hàm, hạch bên dưới cổ khiến cổ to ra. Nếu bệnh diễn tiến nặng mạch bệnh nhân sẽ đập nhanh, người đờ đẫn và rơi vào hôn mê. Nếu người bệnh không được phát hiện và chữa trị kịp thời sẽ tử vong vì độc tố vi khuẩn gây nhiễm độc toàn thân.

- Bạch hầu thanh quản: đây là dạng bệnh có mức độ nguy hiểm cao và có tốc độ tiến triển nhanh nhất, đặc biệt là ở trẻ em. Bệnh nhân sẽ có biểu hiện sốt cao, giọng khàn, ho nhiều. Kết quả thăm khám cho thấy hình ảnh xuất hiện nhiều giả mạc nơi thanh quản.

- Bạch hầu tại các vị trí khác: trường hợp này hiếm gặp hơn những loại vừa kể trên. Bệnh nhân bạch hầu da sẽ xuất hiện vết loét, niêm mạc mắt, cơ quan sinh dục và ống tai.

3. Biến chứng bệnh bạch hầu:

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời biến chứng gây ra bởi bạch hầu là gì?

- Hô hấp: vi khuẩn bạch hầu sẽ tiết độc tố làm tổn thương các mô tại khu vực nhiễm trùng như mũi, cổ họng. Tại khu vực nhiễm trùng sẽ xuất hiện những màng cứng có màu trắng là các tế bào chết, vi khuẩn,… khiến việc hô hấp gặp khó khăn.

- Đau tim: độc tố do bạch hầu gây nên sẽ lan truyền theo dòng máu gây tổn thương cho các mô trong cơ thể bệnh nhân gây ra biến chứng như viêm cơ tim. Tổn thương do các viêm cơ tim ở mức nhẹ, xuất hiện bất thường trên điện tâm đồ hoặc biến chứng nặng như suy tim sung huyết và đột tử.

Tổn thương hệ thần kinh: không chỉ gây ra biến chứng cho hệ hô hấp, tim mạch độc tố còn gây tổn thương cho hệ thần kinh. Dây thần kinh trong cổ họng bị ảnh hưởng sẽ khiến bệnh nhân khó nuốt, tay chân bị viêm, tê liệt.

4. Đối tượng nào có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu?

- Bất kỳ ai kể cả người lớn và trẻ nhỏ chưa tiêm ngừa bạch hầu đều có khả năng mắc bệnh.

- Điều kiện sống chật hẹp, đông đúc, vệ sinh kém rất dễ mắc bệnh và lây lan nhanh.

- Những người đã từng hoặc đang đi du lịch đến khu vực đang có dịch bạch hầu.

5. Phòng ngừa bệnh bạch hầu như thế nào cho hiệu quả?

- Hiện nay, tiêm phòng vắc xin bạch hầu được xem là biện pháp có hiệu quả tốt nhất. Có rất nhiều loại vắc-xin phòng bệnh bạch hầu, bao gồm: 3 trong 1, 5 trong 1,… hoặc vắc-xin 6 trong 1 có tác dụng phòng ngừa 6 bệnh truyền nhiễm dành cho trẻ nhỏ từ 2 - 24 tháng tuổi.

- Ngoài ra có các biện pháp khác như vệ sinh kỹ càng môi trường sống, phòng ở, nhà trẻ. Đảm bảo không gian luôn thoáng đãng, sạch sẽ.

- Tập thói quen lấy tay che mũi miệng lúc ho, hắt hơi và rửa tay sạch sẽ với xà phòng.

- Tuyên truyền rộng rãi cho người dân về việc tiêm phòng cho trẻ nhỏ đúng lịch hẹn.

- Khi phát hiện có người mắc bệnh cần báo ngay cho các cơ quan y tế gần nhất để tiến hành xử lý, điều trị để hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Mọi người dân nên chủ động phòng ngừa dịch bệnh bạch hầu bằng tiêm ngừa (hay tiêm chủng đúng lịch, đủ liều) tại các trạm Y tế phường, xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh An Giang nói chung.

“Hãy chủ động phòng ngừa bạch hầu cho chính mình và người thân trong gia đình”.

 “Tiêm ngừa là biện pháp chủ động phòng ngừa hữa hiệu nhất để phòng, chống dịch bệnh bạch hầu cho các trẻ em từ 0-18 tháng tuổi và cộng đồng”./.

Nguyễn Trọng Cần - TYT phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang