Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Dược Phẩm - Mỹ Phẩm

Đề kháng kháng sinh – những hệ lụy nghiêm trọng

04:08 20/11/2019

Kháng sinh (KS) là những chất có tác dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn hoặc tiêu diệt vi khuẩn. KS được dùng trong điều trị các bệnh nhiễm trùng hoặc điều trị dự phòng các bệnh có khả năng gây thành dịch hoặc dự phòng trong các cuộc phẫu thuật nhằm chống bệnh nhiễm trùng bệnh viện.

Ngày 28-9-1928, Alexander Fleming xứ Scotland đã phát hiện ra kháng sinh (KS) Penicilin, nhưng ông cũng dự đoán thế giới sẽ đối mặt với sự khủng khiếp khi KS trở nên vô dụng. Mới đây, người Anh đã đưa ra cảnh báo: Từ năm 2050, thế giới sẽ có 10 triệu người chết hàng năm do “siêu” vi khuẩn kháng KS...

(Đĩa cấy kháng sinh đồ)

Tại sao có hiện tượng kháng thuốc?

 
 

Để sinh tồn, vi khuẩn phát triển nhiều cơ chế để chống lại tác dụng của KS. Tuy nhiên, chính việc sử dụng KS bừa bãi, không hợp lý là nguyên nhân chủ yếu thúc đẩy tốc độ và mức độ kháng thuốc của vi khuẩn. Theo nhiều thống kê thế giới, khoảng 40 – 75% dùng KS không hợp lý. Việc dùng KS không đúng bệnh, không đủ liều lượng, không đủ thời gian chính là điều kiện “tập” cho vi trùng “quen” dần với KS. Sẽ là thiếu sót lớn nếu không nói đến lượng KS khổng lồ sử dụng trong chăn nuôi, bởi sự giao thoa vi khuẩn giữa người và động vật qua môi trường sống là không thể tránh khỏi.

Hiện tại có nhiều loại vi khuẩn có khả năng kháng với nhiều thuốc KS và phát tán gen đề kháng. Đó là các vi khuẩn như Enterococus, S.aureus, P. aeruginosa, E.coli, Klebsiella…

Theo WHO thì hiện nay hầu hết các chủng vi khuẩn nguy hiểm, gây bệnh nặng đều kháng thuốc; Khoảng 60% các ca nhiễm trùng bệnh viện do vi khuẩn kháng thuốc; Các nhóm KS đều bị đề kháng; Các KS mạnh đều bị đề kháng.

Việt Nam thuộc danh sách các nước có tỷ lệ kháng thuốc KS cao trên thế giới. Đã xuất hiện nhiều vi khuẩn kháng đa thuốc, mức độ kháng ngày càng gia tăng, đặc biệt ở nhóm vi khuẩn gram âm. Hiện tại đã có vi khuẩn đa kháng với carbapenem thế hệ mới. Việc này làm tăng gánh nặng về chi phí điều trị, thời gian điều trị và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người bệnh, cộng đồng và sự phát triển chung của xã hội.

Từ năm 1987 đến nay, thế giới không có thêm một KS mới nào, nhưng vi khuẩn “lạ” thì năm nào cũng xuất hiện. Kháng KS còn nguy hiểm hơn rất nhiều dịch bệnh. Chống lại nó rất khó nhưng không lẽ chúng ta chịu “bó tay”.

Nhân viên y tế là những người nắm giữ vai trò chính trong cuộc chiến chống đề kháng KS. Để làm được điều này, chúng ta cần hướng đến việc kê toa KS hợp lý, hạn chế tình trạng dùng KS bao vây, dùng KS mạnh, phổ rộng không cần thiết và cần cập nhật tình hình kháng KS để chọn được KS nhạy cảm với vi khuẩn gây bệnh. Trong thăm khám, chăm sóc, cần tuyên truyền để bệnh nhân không tự ý dùng KS. Trong điều trị, việc sử dụng kháng sinh cần tuân theo các hướng dẫn, phác đồ đã được xây dựng, cập nhật. Cần dùng đúng liều, đủ thời gian và chú trọng thực hiện các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn nhằm tránh lan truyền vi khuẩn đề kháng.

Tóm lại:

Con người sử dụng KS giống như dùng vũ khí để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Nếu chúng ta dùng KS hợp lý, khôn ngoan sẽ tiêu diệt được vi khuẩn. Ngược lại, sẽ giúp cho vi khuẩn tiếp tục phát triển và sản sinh ra những chủng vi khuẩn kháng thuốc. Việc sử dụng KS không hợp lý không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân người dùng mà còn tác động đến cộng đồng vì vi khuẩn kháng thuốc có khả năng sinh sôi, phát tán gen đề kháng.

Chống đề kháng KS cần sự chung tay của toàn xã hội, trong đó nhân viên y tế là những người nắm giữ vai trò chính trong cuộc chiến này. Cần phối hợp cùng các tổ chức y tế trong các chương trình giáo dục sức khỏe cộng đồng để nâng cao nhận thức về sử dụng KS và triển khai các biện pháp chống đề kháng KS.

DSCK1. Ngô Thị Thu Trang

Phòng KHNV - TTYT Phú Tân

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang