Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Y học dự phòng

Bệnh sốt do Chikungunya

08:59 21/12/2020

Bệnh Chikungunya được phát hiện vào năm 1950 ở châu Phi. Theo ngôn ngữ của địa phương Chikungunya có nghĩa là đi khom lưng. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sốt Chikungunya là một bệnh do virus, được lây truyền qua trung gian của muỗi Aedes nhiễm bệnh. Bệnh có bệnh cảnh lâm sàng giống như sốt xuất huyết. Vì vậy, nó có thể khó chẩn đoán đối với những vùng có bệnh sốt xuất huyết đang lưu hành. Hiện dịch bệnh này đã lây lan ở 15 tỉnh thành của Vương quốc Campuchia với hơn 2.000 trường hợp mắc. Trong số này có 4 tỉnh giáp Việt Nam, riêng hai tỉnh tiếp giáp An Giang là Takeo và Kandal đã có người nhiễm bệnh, nên bệnh nguy cơ có thể bệnh xâm nhập vào Việt Nam.

  • Triệu chứng của bệnh:

Bệnh sốt do Chikungunya có biểu hiện lâm sàng với đặc điểm sốt khởi đầu đột ngột, kèm theo đau khớp. Ngoài ra còn xuất hiện các triệu chứng khác như đau cơ, nhức đầu, buồn nôn, mệt mỏi và phát ban, ... Cơn đau khớp làm cho người bệnh suy nhược, nhưng thường kết thúc trong vòng vài ngày hoặc vài tuần.

  • Biến chứng của bệnh:

Các biến chứng trầm trọng mặc dù không phổ biến nhưng ở người lớn tuổi, bệnh có thể gây nên một số trường hợp tử vong đã được báo cáo. Đối tượng có nguy cơ mắc phải bệnh nặng là người lớn tuổi (≥ 65 tuổi) và những người có bệnh nền sẵn như tăng huyết áp, đái tháo đường hay bệnh tim mạch. Một khi đã nhiễm bệnh, người bệnh có thể được bảo vệ (miễn nhiểm) với bệnh này về sau.

Hiện nay bệnh sốt Chikungunya chưa có vaccine để phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu để chữa bệnh.

  • Biện pháp phòng bệnh:

Việc phòng chống bệnh sốt Chikungunya cần kiểm soát  tốt nơi muỗi truyền bệnh có khả năng phát triển và sinh sản:

 - Cần phải hủy bỏ hoặc đậy kín các dụng cụ chứa nước ở trong nhà hoặc ngoài trời để muỗi không có nơi sinh sản, phát triển và truyền bệnh.

- Ngoài ra, các biện pháp súc lu, diệt bọ gậy cũng cần được thực hiện hàng tuần đối với những dụng cụ chứa nước ở trong nhà và chung quanh nhà.

- Mọi người dân sử mặc quần áo dài để tránh muỗi chích. Hạn chế hay tránh sự tiếp xúc của muỗi truyền bệnh bằng cách sử dụng nhang muỗi, kem chống muỗi, ... Cần ngủ  mùng, kể cả ban ngày, đặc biệt là trẻ em hoặc người bệnh đang nằm điều trị, việc dùng mùng tẩm hóa chất cũng có khả năng bảo vệ tránh muỗi chích.

- Đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, huy động cộng đồng cùng tham gia tích cực các biện pháp phòng chống bệnh. Nếu thực tốt những điều này, đồng nghĩa cũng phòng chống luôn bệnh sốt xuất huyết, bệnh do virus Zika cũng như các bệnh lây truyền khác qua trung gian muỗi chích./.

      Nguyễn Minh Thời,  Trung tâm Y tế Tịnh Biên

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang