Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Y học dự phòng

PHÒNG BỆNH CHO TRẺ MÙA ĐÔNG XUÂN

09:01 22/02/2019

Trẻ em, nhất là trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, sức đề kháng còn yếu, vì hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện. Vào mùa lạnh, độ ẩm trong không khí thấp, khí hậu lạnh ẩm, tạo điều kiện cho rất nhiều loại vi khuẩn, vi rút đường hô hấp phát triển mạnh, nên trẻ rất dễ bị các tác nhân gây bệnh tấn công.

Trẻ em lại thường xuyên sống trong môi trường đông đúc như nhà trẻ, mẫu giáo, trường tiểu học… trẻ lại chưa ý thức khả năng tự phòng bệnh, khi có một cháu bị bệnh sẽ dễ lây lan cho các cháu khác, nên nguy cơ bị nhiễm bệnh rất cao. Đặc biệt, việc ăn uống và bảo quản thức ăn ngày tết không tuân thủ quy trình an toàn thực phẩm sẽ làm phát sinh những bệnh lý về đường tiêu hóa, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Theo số liệu thống kê từ các cơ sở khám chữa bệnh cho biết: số trẻ bị các bệnh lý về đường tiêu hóa như: tiêu chảy cấp, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn… vào dịp tết tăng cao hơn ngày thường từ 20 - 25%, mà nguyên nhân là do cha mẹ ít lưu ý trong việc ăn uống của trẻ trong dịp này.

Các nhóm bệnh trẻ thường gặp mùa đông xuân là nhóm bệnh về đường hô hấp và đường tiêu hóa.

Nhóm bệnh về đường hô hấp

Có 02 loại bệnh thường gặp là viêm đường hô hấp trên như viêm họng, viêm mũi, viêm amiđan, viêm VA, viêm thanh quản cấp; bệnh viêm đường hô hấp dưới gồm: viêm phổi, viêm phế quản cấp… Bệnh do tác nhân là vi rus hoặc vi khuẩn gây ra. Bệnh có biểu hiện là sổ mũi, sốt, ho,… trường hợp nặng có thể gây khó thở. Bệnh cúm cũng hay gặp trong mùa lạnh, nếu không chăm sóc và điều trị tốt có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Bên cạnh đó, bệnh hen suyễn lại xảy ra vào thời khắc giao mùa, nhất là những trẻ có tiền căn dị ứng và hen suyễn.

Nhóm bệnh đường tiêu hóa

Thường gặp nhất là rối loạn tiêu hóa do ăn quá nhiều bánh kẹo, nước ngọt hoặc trái cây ngày tết. Biểu hiện thường gặp là trẻ bị đầy bụng, khó tiêu; đôi khi bị đau bụng dữ dội. Ngoài ra, trẻ có thể bị tăng đường huyết bất thường làm trẻ phải đi tiểu nhiều và mất nước. Việc ngộ độc thực ăn là tình trạng cũng rất hay gặp dịp tết, nguyên nhân chủ yếu do sử dụng các loại thực phẩm tươi sống hoặc chế biến sẵn đã bị nhiễm khuẩn. Biểu hiện thường thấy là trẻ bị đau quặn bụng, nôn ói, tiêu chảy nhiều lần. Bệnh xuất hiện trong khoảng 1 - 6 giờ sau khi trẻ sử dụng các loại thức ăn bị nhiễm khuẩn. Bệnh tiêu chảy cấp thì xảy ra do trẻ ăn những loại thực phẩm chế biến sẵn không đảm bảo vệ sinh. Tác nhân gây bệnh thường là siêu vi trùng, Rotavirus, E.coli… Biểu hiện gồm tiêu phân lỏng nhiều lần trong ngày, phân có màu vàng hoặc vàng xanh, có thể kèm nôn hoặc buồn nôn, đau bụng hoặc sốt. Nếu bị mất nước nhiều trẻ có thể bị mệt lả, chân tay lạnh, mắt trũng, da khô, tiểu ít.

Để phòng bệnh cho trẻ, chúng ta cần lưu ý những việc sau đây

Luôn đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ trong những ngày tết để giúp trẻ tăng cường sức đề kháng đối với bệnh tật. Khi thời tiết chuyển lạnh, đối với những trẻ có tiền sử về dị ứng và hen suyễn cần mặc thêm quần áo ấm, mang thêm vớ, nón để giữ ấm cho trẻ. Giữ môi trường sống trong nhà trong lành, sạch sẽ và thoáng khí. Hạn chế việc sử dụng quạt máy, máy điều hòa nhiệt độ; tránh tình trạng bụi bẩn, khói thuốc lá. Việc chế biến thức ăn ngày tết cho trẻ cần tuân thủ tuyệt đối quy trình an toàn thực phẩm nhằm giúp trẻ phòng tránh các bệnh đường tiêu hóa, đặc biệt là khâu bảo quản và lưu giữ thực phẩm đúng cách. Tạo cho trẻ thói quen rửa tay sạch sẽ, đúng cách thường xuyên để giúp phòng tránh bệnh nguy hiểm lây lan qua đường tay - miệng. Khi phát hiện trẻ bệnh nên sớm đưa trẻ đi đến cơ sở Y tế để được chữa trị kịp thời. Thực hiện tốt việc tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc-xin cho trẻ theo độ tuổi để có cách phòng ngừa bệnh chủ động và hiệu quả nhất.

Nguyễn Minh Thời

TTYT huyện Tịnh Biên

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang