Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Hướng dẫn phòng bệnh trong cộng đồng

Chăm sóc sức khỏe cho người bị nhiễm COVID-19 và hậu COVID-19, trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội hiện nay

01:36 01/11/2022

Cập nhật số ca mắc SARS-COV-2 (COVID-19) đến ngày 07/9/2022 trên toàn thế giới đã có hơn 600 triệu người bị nhiễm COVID-19 và trên 6,5 triệu người tử vong. Mỗi ngày hiện nay vẫn có khoảng trên 200 nghìn người tiếp tục bị nhiễm, tái nhiễm COVID-19 trên toàn cầu. Do vậy theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đại dịch COVID-19 vẫn chưa thể không chế được trước năm 2023.

Tại Việt Nam, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng nổ cao điểm vào tháng 7/2021 cho đến nay đã có hơn 11 triệu người mắc bệnh, hơn 40 nghìn người tử vong và đa số người nhiễm COVID-19 đã hồi phục sức khỏe hầu như hoàn toàn và một số người dân vẫn có những triệu chứng, di chứng về sức khỏe kéo dài sau khi bị nhiễm bệnh (còn gọi là giai đoạn hậu COVID-19).

Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây ở các quốc gia cho thấy rằng đa số những người bị nhiễm COVID-19 hiện nay có triệu chứng nhẹ hơn so với trước đây do phần lớn dân số đã được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 và đã tạo ra được miễn dịch cộng đồng, làm giảm nguy cơ mắc bệnh nặng và bùng phát dịch trở lại. Thế nhưng khoảng hơn 80% người bị nhiễm COVID-19 có triệu chứng đều có ít nhất một triệu chứng kéo dài ở giai đoạn hậu COVID-19; đặc biệt, trong một số trường hợp triệu chứng có thể nhẹ thoáng qua hay thậm chí không có ở giai đoạn COVID-19 cấp tính nhưng lại xuất hiện ở giai đoạn hậu COVID-19. Do vậy, chiến lược tiếp cận chăm sóc bệnh nhân COVID-19 hiện nay cần tập trung vào việc giáo dục, tuyên truyền tự cải thiện sức khỏe của người bệnh ở giai đoạn cấp tính, chăm sóc y tế khi cần thiết nhằm phòng tránh những biến chứng, di chứng ở giai đoạn hậu COVID-19, cần kết hợp với tư vấn phục hồi sức khỏe toàn diện cho người bị nhiễm COVID-19 ở giai đoạn hậu COVID-19 để góp phần giúp người bệnh duy trì khả năng làm việc, lao động đạt hiệu quả và hiệu suất cao nhất, góp phần hồi phục và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch và nhất là trong giai đoạn mới hiện nay, bao gồm:

1. Thực hiện tốt chiến lược vắc xin toàn dân là chìa khóa bảo đảm thành công cho việc khống chế hoàn toàn dịch COVID-19, trong giai đoạn hiện nay và trong thời gian sắp tới.

- Tiêm vắc xin phòng ngừa COVID-19 vẫn là giải pháp hiệu quả nhất và có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch COVID-19  trong thời gian qua, hiện nay và trong thời gian sắp tới. Tiêm vắc xin phòng COVID-19  là phương thức an toàn và hiệu quả để bảo vệ sức khỏe cho toàn dân, giúp duy trì và bảo tồn nguồn nhân lực đóng góp vào quá trình phục hồi kinh tế-xã hội và phát triển đất nước.

- Do số ca mắc COVID-19  trong cả nước đang có xu hướng tăng trở lại, cùng với sự xuất hiện của một số biến thể mới của chủng Omicron (như là chủng BA.5) có khả năng lây nhiễm và lẩn tránh miễn dịch cao hơn, cùng với tình trạng miễn dịch sau tiêm vắc xin COVID-19 giảm dần theo thời gian, do vậy việc tuyên truyền-giáo dục người dân đi tiêm vắc xin phòng COVID-19  theo hướng dẫn của ngành y tế là rất cần thiết nhằm bảo đảm đạt tỷ lệ bao phủ vắc xin tối đa, góp phần giúp chiến lược phòng chống dịch COVID-19  hiệu quả.

2. Thực hiện tốt chiến lược phục hồi sức khỏe sớm và tối ưu cho cộng đồng giai đoạn hậu COVID-19, nhằm bảo đảm tính ổn định và bền vững của nguồn nhân lực tham gia phát triển kinh tế sau đại dịch.

Các công bố khoa học quốc tế cho thấy rằng hơn 80% người bị nhiễm COVID-19 có triệu chứng ở giai đoạn COVID-19 cấp tính đều có triệu chứng và di chứng giai đoạn hậu COVID-19. Thậm chí một số người bị nhiễm COVID-19  không có triệu chứng ở giai đoạn bị nhiễm cấp tính hay tái nhiễm nhưng lại có những triệu chứng và biến chứng ở giai đoạn hậu COVID-19. Đặc biệt, các triệu chứng và biến chứng của COVID-19 ở giai đoạn hậu COVID rất phong phú và đa dạng. Thật vậy, có hơn 50 triệu chứng thường gặp ở giai đoạn hậu COVID-19, thường gặp nhất là: mệt mỏi, đau đầu, hay quên, giảm khả năng tập trung, giảm trí nhớ thoáng qua (sương mù não), lo âu, mất ngủ, ho kéo dài, rụng tóc, hụt hơi hay khó thở, nhịp tim nhanh, phát ban da, ù tai, hoa mắt chóng mặt, rối loạn cảm nhận về mùi vị, đau nhức xương khớp, tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn nhịp tim,…Các triệu chứng này có thể kéo dài từ 01 - 03 tháng, nhưng cũng có thể kéo dài lâu hơn ở một số người bị nhiễm COVID-19. Dù rằng các triệu chứng ở giai đoạn hậu COVID-19, đa phần là không nặng nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và hiệu quả công việc, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và tạo gánh nặng cho chăm sóc y tế giai đoạn hậu COVID-19.

Do vậy để kiểm tra sức khỏe hậu COVID-19 khi có triệu chứng kéo dài, người dân có thể lồng ghép với việc khám sức khỏe định kỳ và nên đi khám lần đầu trong vòng một đến ba tháng đầu và sau đó là từ ba đến sáu tháng cho những tháng tiếp theo. Ở giai đoạn hậu COVID-19, nếu không có vấn đề gì bất thường về sức khỏe và không có triệu chứng thì người bệnh cũng không nên lo lắng quá mức và cũng không bắt buộc phải đi khám hậu COVID-19 một cách thường quy nhằm tránh quá tải cho các tuyến y tế cơ sở và chuyên khoa. Cán bộ y tế tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn của ngành tế về chăm sóc sức khỏe giai đoạn hậu COVID-19. Khi có triệu chứng kéo dài ở giai đoạn hậu COVID-19, người dân có thể đến khám tại các cơ sở y tế tại địa phương để được tư vấn và hướng dẫn dự phòng biến chứng, tập thở, tập phục hồi chức năng giảm nhẹ các triệu chứng khi cần. Trong một số trường hợp người bị hậu COVID-19 có những triệu chứng như: đau đầu, giảm trí nhớ, mất ngủ, mất mùi và mất vị, ù tai và hoa mắt hay chóng mặt thì cần khám chuyên khoa thần kinh, y học giấc ngủ hoặc tai mũi họng./.

(Nguồn: GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ - Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục & Phát triển Nhân lực Việt Nam-Chủ tịch Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam- Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam-Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng, Ngày 7/9/2022: Tập huấn chuyên đề tiếp cận chẩn đoán và điều trị bệnh nhân hậu COVID-19 tại tuyến cơ sở cho cán bộ y tế Bệnh viện Đa khoa Bình Dương và các đơn vị y tế tỉnh Bình Dương).

BSCKI. Phạm Hồng Thanh – TTYT Tp. Long Xuyên

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang