Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Hướng dẫn phòng bệnh trong cộng đồng

Chăm sóc sức khỏe trẻ em trước tác động của đại dịch COVIID-19 tại An Giang

09:30 16/06/2022

Đại dịch bắt đầu ngày 15/4/2021, trên địa bàn tỉnh An Giang xuất hiện 02 trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên do nhập cảnh trái phép từ Campuchia và ngày 29/6/2021 bắt đầu ghi nhận trường hợp COVID-19 đầu tiên trong cộng đồng.

Từ đó đến nay, toàn tỉnh ghi nhận trên 40.000 ca nhiễm COVID-19. Dịch COVID-19 tại An Giang được thể hiện rõ thông qua 4 giai đoạn cụ thể sau:

Trẻ em trong đại dịch COVID-19 bị tổn thương trên nhiều phương diện. Hình ảnh: Nguồn UNICEF

Giai đoạn 1: Từ ngày 15/4/2021 đến ngày 18/6/2021. Toàn tỉnh ghi nhận 31 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó có 01 ca tái dương tính. Tất cả các trường hợp nhiễm bệnh đều là nhập cảnh từ Campuchia và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

Giai đoạn 2: Từ ngày 29/6/2021 đến ngày 30/9/2021. Đây là giai đoạn toàn tỉnh đang thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 và 16 của Chính phủ. Trải qua 94 ngày dịch bùng phát trong cộng đồng, tỉnh An Giang ghi nhận thêm 5.096 trường hợp nhiễm COVID-19. Giai đoạn này, tác động rất mạnh đến công tác chăm sóc sức khỏe và phòng chống dịch bệnh cho trẻ em.

Giai đoạn 3: Từ ngày 01/10/2021 đến ngày 18/11/2021. Đây là giai đoạn tỉnh An Giang đón nhận hơn 70 ngàn công dân An Giang quay về từ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và thành phố Hồ Chí Minh và cũng là giai đoạn tỉnh ngưng thực hiện chỉ thị 15, 16 của Chính Phủ và chuyển sang thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế. Trải qua 48 ngày, toàn tỉnh ghi nhận thêm 16.948 trường hợp nhiễm bệnh. Bình quân mỗi ngày tỉnh ghi nhận trên 300 trường hợp. Gian đoạn này tiếp tục ảnh hưởng nặng nề đến công tác chăm sóc sức khỏe và phòng dịch ở trẻ em.

Giai đoạn 4: Từ ngày 18/11/2021 đến nay, số ca nhiễm giảm, bình quân mỗi ngày trên dưới 300 trường hợp đến nay còn rất ít không quá 10 ca/ngày. Từ khi tỉnh  chuyển sang thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế thì các công tác chăm sóc trẻ em thường quy trước dịch dần dần trở lại bình thường.

Đại dịch COVID-19 đã và đang khiến hệ thống y tế tỉnh ta trở nên quá tải, mọi nguồn lực y tế nói chung và hệ y tế dự phòng nói riêng đều phải dành cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, các giải pháp chống dịch như cách ly, phong tỏa, truy vết, tiêm ngừa vắc xin COVID-19 và điều trị đều phải thực hiện một cách nhanh chóng… đồng nghĩa với trên thì việc tiêm chủng mở rộng, phòng và xử lý dịch bệnh lưu hành thường gặp, các chương trình y tế dự phòng liên quan đến trẻ em đều bị ảnh hưởng và đình trệ.

- Tác động trực tiếp từ dịch COVID-19 gây mất cha, mất mẹ hay cả hai là 259 trẻ. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội thăm hỏi, động viên và gửi những phần quà thiết thực đến cho các cháu và gia đình.

- Tác động đến công tác tiêm chủng mở rộng.

Các giải pháp chống dịch (cách ly, phong tỏa, ...) làm cho độ bao phủ vắc xin ở trẻ em giảm xuống. Trẻ em có thể mắc các bệnh có thể phòng ngừa được nếu không được tiêm ngừa vắc xin hoặc không được tiêm ngừa nhắc lại: như tiêm phòng vắc xin bại liệt, tiêm phòng sởi, uốn ván, bạch hầu, ho gà, ....

Trong năm 2020: An Giang phải tạm nghỉ tiêm tháng 01 do đợt tiêm trùng kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán và tháng 4 do thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 phải cách ly toàn xã hội. Điều này ảnh hưởng đến tiêm chủng đủ mũi và đúng lịch cho trẻ.

Tỉnh đã khắc phục bằng cách Tăng cường tiêm bù, tiêm vét sau Tết và ngay sau khi hết giãn cách xã hội. Kết quả: Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi (đạt 95,7%) đạt chỉ tiêu đề ra vào cuối năm 2020

Trong năm 2021: Hoạt động phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (truy vết, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm,…); tiêm chủng vắc xin COVID-19 chi phối gần như toàn bộ thời gian, nhân lực của y tế cơ sở; giãn cách xã hội vì dịch bệnh COVID-19. Đây là những khó khăn chủ yếu và kéo dài trong hơn nửa năm đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động tiêm chủng mở rộng năm 2021.

Kết quả Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi vào cuối năm 2021 chỉ đạt 71,8% so với chỉ tiêu là 95%. Sự thiếu hụt này sẽ được khắc phục bằng việc đẩy mạnh tiêm bù, tiêm vét trong năm 2022 cho các trẻ chưa được tiêm đầy đủ trong năm 2021. Hoạt động này được đưa hẳn vào kế hoạch năm 2022, xem đây là một trong các hoạt động trọng tâm của năm.

- Tác động đến công tác phòng các dịch bệnh lưu hành thường gặp.

Các giải pháp chống dịch COVID-19 như cách ly, phong tỏa, ... làm cho công tác xử lý ổ dịch (dịch Sốt xuất huyết, dịch Tay chân miệng, ...) gặp trở ngại.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã tăng cường công tác truyền thông người dân tự xử lý vệ sinh môi trường như xúc lu, thả cá vào các dụng cụ chứa nước, ngủ mùng, ....

Đối với tay chân miệng, tuyên truyền cho người dân tự lau chùi vệ sinh nhà cửa bằng các hóa chất thông thường, nước javen, Chloramin B...

Kết quả

- Dịch sốt xuất huyết: năm 2019 toàn tỉnh ghi nhận 7.570 ca mắc SXH nhưng đến năm 2020, 2021 số ca mắc chỉ còn ghi nhận lần lượt 2.322 và 2.510 ca mắc cho thấy tình hình dịch SXH giảm trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, đến năm 2022 số ca mắc SXH có dấu hiệu gia tăng, tính đến ngày 15/05/2022 số mắc ghi nhận được là 2.884 tăng 319% so với cùng kỳ 2021 (688 ca).

Dịch tay chân miệng: năm 2019 toàn tỉnh ghi nhận 3.117 ca, năm 2020 ghi nhận 1.805 ca và năm 2021 ghi nhận 1.630 ca. Đầu năm 2022 (tính đến ngày 15/05/2022) trong tỉnh ghi nhận 106 ca mắc giảm 92% so với cùng kỳ 2022 (1.400 ca)

Dịch SXH và tay chân miệng 2020 và 2021 giảm một phần do tác động của việc phun hoá chất phòng chống COVID-19 trong giai đoạn đầu chống dịch. Đến đầu năm 2022, dịch SXH gia tăng do 1 phần là do chu kỳ dịch 3 - 4 năm diễn ra 1 lần và người dân mất cảnh giác với dịch bệnh này. 

- Các chương trình y tế thường quy khác như chăm sóc trẻ em suy dinh dưỡng, chăm sóc trẻ em nhiễm HIV/ADIS đều thực hiện tốt.

Để có được thành quả trên là nhờ các giải pháp sau:

- Nâng cao nhận thức các cấp, các cán bộ y tế về cách thức đại dịch sẽ tác động lên đối tượng trẻ em. COVID-19 đã và đang khiến hệ thống y tế ở Việt Nam trở nên quá tải, mọi nguồn lực y tế phải dành cho công tác phòng chống dịch, đồng nghĩa với việc các chương trình y tế cho trẻ em sẽ bị hạn chế cần thay đổi cách thức chăm sóc sức khỏe trẻ em.

Linh hoạt uyển chuyển cách thức thực hiện chăm sóc sức khỏe trẻ em và phòng chống dịch trong thời gian phòng chống đại dịch:

+ Chia thành nhiều nhóm nhỏ, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để thực hiện các hoạt động can thiệp, phòng chống dịch bệnh cho trẻ em.

+ Tăng cường tiêm bù, tiêm vét sau ngay sau khi hết giãn cách xã hội.

+ Thực hiện tiêm chủng tận nhà dân, trong đó tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người già và phụ nữ mang thai, những người đi lại khó khăn…

+ Thực hiện truyền thông phòng chống dịch bệnh qua các hình thức phù hợp hơn trong giai đoạn giãn cách xã hội như: qua các kênh mạng xã hội zalo, facebook, tivi, báo điện tử, …

Nhìn lại một chặng đường - Chăm sóc sức khỏe trẻ em trước tác động của đại dịch COVIID-19 An Giang – cho chúng ta tổng kết được thuận lợi, khó khăn để chăm sóc trẻ em tốt hơn./.

Ths.Bs Lê Minh Uy – Phó Giám đốc TT.KSBT An Giang

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang