Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Chuyển đổi số & Đề án 06/CP

Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế ban hành Nghị quyết Chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

08:50 09/02/2023

Vào ngày 03/02/2023, Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế ban hành Nghị quyết 157-NQ/BCSĐ về việc Chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang

Cụ thể:

1. Mục tiêu chung

Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, hoạt động chuyên môn nghiệp vụ và đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ y tế kịp thời, hiệu quả.

Công tác quản lý điều hành của Bộ Y tế, của các đơn vị y tế trong ngành y tế phải được chuyển đổi thực hiện trên môi trường số. Xây dựng và triển khai công tác chuyển đổi số trên nền tảng dữ liệu và công nghệ số hiện đại thông qua việc số hóa toàn bộ thông tin: quản lý hệ thống nhân lực, nguồn lực; công tác cấp phép, cấp số đăng ký; công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trên môi trường mạng được đảm bảo an ninh, an toàn thông tin.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Đến năm 2025

- 100% hệ thống thông tin y tế được đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng theo hồ sơ cấp độ an toàn thông tin được phê duyệt và đánh giá đạt yêu cầu an toàn thông tin, an ninh mạng trước khi đưa vào vận hành sử dụng, khai thác.

- Duy trì 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với các thủ tục hành chính đủ điều kiện xây dựng thành dịch vụ công trực tuyến toàn trình; ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số tối đa trong quá trình cung cấp và xử lý dịch vụ công trực tuyến, các dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau.

- 100% công chức được gắn định danh số trong xử lý công việc.

- 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, họp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương.

- 100% công tác báo cáo được thực hiện trên hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; 100% hồ sơ được tạo, lưu giữ, chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định.

- 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước được thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất; 90% hồ sơ công việc tại Bộ Y tế, Sở Y tế; 80% hồ sơ công việc của cơ quan quản lý y tế quận/huyện được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

- 100% cơ quan nhà nước cấp bộ, tỉnh có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng họp tập trung, có ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.

- Tối thiểu 50% hoạt động giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

- Tối thiếu 70% nội dung chương trình đào tạo, thi tuyển, thi nâng ngạch quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp hoặc tương đương được thực hiện trực tuyến.

- 100% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản; 50% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu và công nghệ số.

- Mỗi cơ sở khám, chữa bệnh đều triển khai tư vấn khám, chữa bệnh từ xa dựa trên nhu cầu thực tế, tổ chức đăng ký khám bệnh trực tuyến. Tỷ lệ dân số trưởng thành dùng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa đạt trên 30%. Mỗi bệnh viện, trung tâm y tế công đều triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, đơn thuốc điện tử và đạt tỷ lệ 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hạng I trở lên triển khai khám bệnh không giấy, trong đó hồ sơ bệnh án điện tử phải đáp ứng không sử dụng bệnh án giấy. Công khai giá thuốc, giá trang thiết bị y tế, giá khám chữa bệnh.

- Mỗi người dân đều có hồ sơ số về sức khỏe cá nhân, trong đó 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử. Mỗi trạm y tế xã đều triển khai hoạt động quản lý trạm y tế xã trên môi trường số, trong đó: 100% các xã triển khai phần mềm quản lý trạm y tế xã đầy đủ các chức năng theo quy định của Bộ Y tế; 95% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm trên nền tảng số.

- 100% các dịch bệnh truyền nhiễm và các ca bệnh truyền nhiễm được quản lý trên nền tảng số y tế.

- 100% các trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc được cấp chứng nhận đăng ký lưu hành tại Việt Nam được quản lý theo mã định danh duy nhất thống nhất với định danh hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc tế.

- Ứng dụng thành công các công nghệ số: trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), kết nối vạn vận y tế (IoMT), chuỗi khối (Blockchain), ... trong các hoạt động y tế.

2.2. Đến năm 2030

Tiếp tục duy trì bền vững các mục tiêu đã đạt được đến năm 2025 và phấn đấu đạt các mục tiêu như sau:

- 100 % hệ thống thông tin y tế được kiểm tra định kỳ, đánh giá đạt yêu cầu an toàn thông tin, an ninh mạng trong quá trình vận hành sử dụng, khai thác.

- Duy trì 100 % dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.

- 100% hồ sơ công việc tại Bộ Y tế, Sở Y tế; hồ sơ công việc của cơ quan quản lý y tế quận/huyện y tế huyện được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

- 100% các hệ thống thông tin y tế có yêu cầu chia sẻ, kết nối thông tin được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu y tế; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế không phải cung cấp lại.

- 95% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử; 95% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm trên nền tảng số; 100% người dân mắc các bệnh không lây nhiễm được quản lý, chăm sóc sức khỏe trên nền tảng số y tế.

- 100% cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc hoàn thành triển khai hồ sơ bệnh án điện tử không sử dụng bệnh án giấy, chẩn đoán hình ảnh chỉ sử dụng phim số; tỷ lệ dân số trưởng thành dùng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa đạt trên 50%; triển khai các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt và các cơ sở khám chữa bệnh khu vực đô thị đạt tối thiếu 50% trên tổng số thanh toán viện phí.

ứng dụng rộng rãi các công nghệ số: trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), kết nối vạn vận y tế (IoMT), chuỗi khối (Blockchain), ... trong các hoạt động của ngành y tế.

NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Nâng cao nhận thức, hoàn thiện môi trường pháp lý trong thực hiện chuyển đối số y tế.

2. Phát triển hạ tầng số, nền tảng số và dữ liệu số y tế.

3. Bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng.

4. Đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trong ngành y tế.

5. Phát triển nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số y tế.

 

Tài Liệu đính kèm:Tải về

Văn phòng Sở Y tế An Giang