Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Chuyển đổi số & Đề án 06/CP

Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin năm 2023 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh An Giang

02:30 18/05/2023

Theo Quyết định số 105/QĐ-SYT ngày 17/02/2023 của Sở Y tế tỉnh An Giang về việc thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo triển khai Chương trình chuyển đổi số, phát triển Chính quyền số ngành Y tế tỉnh An Giang thì Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh An Giang có 16 thành viên tham gia, trong đó có 01 thành viên tham gia Ban chỉ đạo, là Phó Giám đốc phụ trách chuyển đổi số và 15 thành viên tham gia Tổ giúp việc, là lãnh đạo các Khoa, Phòng.

Để góp phần vào thành công chung trong thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số ngành Y tế tỉnh An Giang năm 2023, đồng thời thực hiện sự chỉ đạo của Sở Y tế; ngày 12/5/2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh An Giang đã ban hành Kế hoạch số 977/KH-KSBT về việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin năm 2023, định hướng đến năm 2030. Kế hoạch đã đánh giá tổng thể những mặt đạt được, những mặt còn tồn tại, hạn chế trong năm 2022; từ đó, đề ra mục tiêu thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý, điều hành chuyên môn, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyển đổi số theo lộ trình của ngành Y tế An Giang. Trong năm 2023, Trung tâm đã đề ra 14 nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các nhóm các nhiệm vụ chính quyền số, dữ liệu số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng và kinh tế số - xã hội số, cụ thể như sau:

 

Đối với chính quyền số: gồm có 06 nhiệm vụ, giải pháp với nội dung: Hoàn thành tích hợp thông tin VNeID ở mức 2 (chỉ áp dụng đối với CBVC có điện thoại thông minh và có CCCD gắn chíp); Thực hiện báo cáo thống kê trên phần mềm Thống kê y tế, hệ thống dữ liệu động; Tiếp tục thực hiện việc trao đổi văn bản (trừ các văn bản mật) giữa các đơn vị y tế công lập dưới dạng điện tử; Phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung ngành Y tế tỉnh An Giang; Duy trì thuê dịch vụ website https://cdcangiang.vn/ để đảm bảo cung cấp thông tin lĩnh vực y tế dự phòng thường xuyên, kịp thời; Duy trì phần mềm họp trực tuyến Zoom, chữ ký số, phần mềm Quản lý tài sản nhà nước, Hệ thống quản lý văn bản và điều hành VNPT - Ioffice.

Đối với dữ liệu số: Tích hợp dữ liệu về Trung tâm điều hành Y tế thông minh (IOC Y tế); Tiếp tục triển khai nền tảng tiêm chủng COVID-19, cấp Hộ chiếu vắc xin điện tử khi có yêu cầu; Thuê dịch vụ công nghệ thông tin để quản lý Phòng khám, Nhà thuốc đáp ứng các quy định của Bộ Y tế, đáp ứng việc kê đơn thuốc điện tử và liên thông đơn thuốc quốc gia.

Đối với nhân lực số: Thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc tại Trung tâm được tham dự các Hội nghị, tập huấn, bồi dưỡng về chuyển đổi số ngành Y tế.

Đối với an toàn thông tin mạng: Trang bị phần mềm diệt vi rút có bản quyền; Tham dự Hội nghị, tập huấn, bồi dưỡng về an toàn thông tin mạng.

Đối với kinh tế số - xã hội số: Duy trì việc triển khai hóa đơn điện tử, phần mềm Kế toán Misa; tiếp tục sử dụng phương thức thanh toán chuyển khoản để thanh toán khám chữa bệnh, kiểm dịch y tế quốc tế, phí dịch vụ y tế dự phòng.

Có thể nói, để thực hiện thành công chuyển đổi số, mỗi cán bộ, viên chức tại Trung tâm cần nhận thức rõ về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số và xem đây là trách nhiệm của mỗi cá nhân, nhất là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi số cần được quan tâm, ưu tiên đầu tư kinh phí, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực có chất lượng. Mặt khác, Ban Giám đốc và lãnh đạo các Khoa, Phòng luôn đồng hành trên suốt hành trình chuyển đổi số tại Trung tâm nói chung và ngành Y tế nói riêng.

Minh Hải

Khoa TT-GDSK, TT.KSBT An Giang

 

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang