Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Tin hoạt động

Không chủ quan với Sốt xuất huyết

02:13 17/02/2023

Trong năm 2022, huyện Chợ Mới vừa gồng mình với đại dịch COVID-19, vừa chống chọi với dịch lưu hành quanh năm là Sốt xuất huyết. Tính đến thời điểm này, có 3.169 trường hợp mắc, trong đó có 144 ca nặng, chiếm tỉ lệ 4.54 %.

Hiện nay thời tiết se lạnh, số ca mắc có giảm nhưng so với các địa phương trong tỉnh, Chợ Mới vẫn còn ở mức cao. Theo báo cáo từ Khoa Hồi sức Cấp cứu thuộc Trung tâm Y tế huyện Chợ Mới, năm 2022 ghi nhận nhiều ca diễn biến nặng, có dấu hiệu cảnh báo và sốc sốt xuất huyết nặng nhiều hơn mọi năm, bệnh nhân nhập viện có các dấu hiệu cảnh báo, sốc như đau bụng dữ dội, chảy máu lợi, nôn ra máu, thở gấp, đau đầu, chóng mặt…; bệnh nhân thường thấy người rét run, mệt nhiều, sốt cao, uống thuốc hạ sốt thấy đỡ, khi vào viện thường trên 03 ngày sau khi bắt đầu sốt.

Có nhiều lí do người dân vào viện trễ, ngại đi khám bệnh vì sợ thủ tục rườm rà, chờ đợi, cùng lúc nhiều loại dịch bệnh cũng đang lưu hành như COVID-19, cảm cúm,... nên người dân thường nhầm lẫn giữa các triệu chứng,… điều này khiến tình trạng bệnh trở nên nặng, trầm trọng hơn, gây khó khăn trong việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời cho các Bác sĩ. Theo Bác sĩ Nguyễn Thị Hiệp - Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết 03 sai lầm thường gặp khiến bệnh nhân mắc sốt xuất huyết Dengue trở nặng, thậm chí tử vong là: Chủ quan không đi khám bệnh, hết sốt là khỏi bệnh và chỉ mắc bệnh một lần trong đời.

Để tích cực phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, các địa phương trên địa bàn huyện Chợ Mới đã tích cực triển khai các biện pháp để bảo vệ sức khỏe người dân như thực hiện truyền thông loa phát thanh xã mỗi khi địa phương có chùm ca mắc, phát thanh loa di động khi tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường diệt lăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống sốt xuất huyết; vận động người dân phối hợp xử lý các dụng cụ chứa nước, vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi phải được giám sát để tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy theo hướng dẫn; xử lý triệt để các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch; bảo đảm tất cả các khu vực, các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát; các hộ gia đình trong khu vực ổ dịch được phun hóa chất diệt muỗi đầy đủ, đúng kỹ thuật; tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca bệnh từ cộng đồng; không để tình trạng lơ là, chủ quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân không tuân thủ thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết Dengue, đặc biệt Đảng viên, công nhân viên chức... thuộc phân cấp quản lý của huyện, xã, thị trấn. Các địa phương cần vào cuộc phòng, chống dịch sốt xuất huyết tương tự như dịch COVID-19. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền để người dân không chủ quan, phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh.

Sốt xuất huyết và COVID-19 đều có những triệu chứng giống nhau ở giai đoạn khởi phát của bệnh, ví dụ như sốt, đau đầu, mệt mỏi toàn thân. Nhưng đây là hai bệnh hoàn toàn khác nhau, từ nguyên nhân gây bệnh và chủng loại vi-rút. COVID-19 do vi-rút SARS-CoV-2 gây ra, còn sốt xuất huyết Dengue là do vi-rút Dengue gây nên. Các chuyên gia khuyến cáo nếu người dân có các triệu chứng trên, hãy đến cơ sở y tế sớm để được Bác sĩ tư vấn thăm khám, chẩn đoán và điều trị đúng, tránh nguy cơ bệnh trở nặng, không nên chủ quan. Bên cạnh sự nỗ lực của ngành y tế, người dân cần chung tay thực hiện phòng dịch, như thực hiện tốt công tác vệ sinh nhà ở, vệ sinh môi trường, thực hiện diệt muỗi, diệt lăng quăng…, mặc quần áo tay dài cho trẻ, ngủ mùng vào ban ngày lẫn ban đêm phòng tránh muỗi đốt để bảo vệ tốt nhất sức khỏe gia đình và cộng đồng./.

Ths. Ngô Văn Mịnh - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật, TTYT Chợ Mới

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang