Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Tin hoạt động

Điều trị bệnh lao trên bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS tại thị xã Tân Châu

09:47 14/04/2023

Bệnh lao là bệnh nhiễm trực khuẩn lao (Mycobacterium Tuberculosis), thường gặp lao phổi, lao màng phổi, lao hạch, lao màng não,… có thể lây từ người bệnh sang người lành một cách dễ dàng qua đường hô hấp. Một người mắc bệnh lao phổi có thể lan truyền các giọt bắn có chứa vi khuẩn lao vào không khí, đặc biệt là khi ho, hắt hơi, nói chuyện, khạc nhổ đờm.

Cùng với đại dịch HIV/AIDS, bệnh Lao trở nên là bệnh cơ hội phổ biến trên những bệnh nhân suy giảm miễn dịch mắc phải, làm cho hoạt động phòng chống bệnh Lao ngày càng khó khăn, phức tạp hơn, khi nhiễm cả HIV và bệnh Lao sẽ được gọi là đồng nhiễm HIV và Lao.

Trên địa bàn thị xã Tân Châu, số bệnh nhân mắc Lao còn điều trị đến cuối tháng 02/2023 có 353 người, bao gồm Lao phổi mới có bằng chứng vi khuẩn học (BCVKH): 233 người; không có BCVKH 32 người; Lao ngoài phổi mới không có BCVKH 30 người; Lao phổi tái phát có BCVKH: 37 người; Lao phổi tái phát không BCVKH: 04 người; LNP tái phát không BCVKH: 01 người... Bên cạnh đó, bệnh lao kháng thuốc còn đang quản lý điều trị 11 người.

Theo số liệu quản lý chương trình phòng chống HIV/AIDS, lũy tích nhiễm HIV tại thị xã Tân Châu có 1.718 người, chuyển sang giai đoạn AIDS 1.261 người, tử vong 915 người. Hiện còn quản lý 801 người nhiễm HIV: Nam: 473, Nữ: 328 (có 08 trẻ em), trong đó có 282 người nhiễm HIV được điều trị Lao. 

Tất cả những bệnh nhân nhiễm HIV đều được xét nghiệm đàm tìm vi khuẩn Lao. Khi đã được chẩn đoán mắc bệnh Lao thể hoạt động, bệnh nhân HIV cần được điều trị Lao song song với điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV). Chỉ khi phát  hiện và điều trị sớm thì các cơ quan trong cơ thể bệnh nhân mới có cơ hội tránh được các thương tổn ở mức thấp nhất. Nhờ vậy, những bệnh nhân mắc HIV mới có hy vọng sống một cuộc đời khỏe mạnh gần giống với người bình thường.

Nếu bệnh nhân HIV chưa được chỉ định thuốc ARV trước đó thì sẽ được ưu tiên điều trị Lao trước. Sau 02 tháng hoàn thành điều trị Lao tấn công, bệnh nhân sẽ bắt đầu xem xét sử dụng ARV để hạn chế tối đa sự tương tác thuốc qua lại giữa 2 loại thuốc kháng Lao và kháng vi rút. Trường hợp người có HIV đang điều trị ARV được phát hiện mắc thêm bệnh Lao, lúc này bệnh nhân có thể dùng song song thuốc kháng Lao và thuốc ARV.

Tóm lại, để phòng ngừa bệnh Lao đồng nhiễm HIV, người nhiễm HIV cần có thái độ sống tích cực, lành mạnh và giữ tinh thần ở trạng thái lạc quan, vui vẻ. Cần lưu ý tới các dấu hiệu bất thường trên cơ thể, đặc biệt là các triệu chứng lâm sàng điển hình ở bệnh Lao như ho, sốt, sụt cân, ra mồ hôi đêm. Thăm khám, tầm soát định kỳ bệnh Lao; đảm bảo dinh dưỡng và điều trị thuốc kháng vi rút ARV đúng chỉ định./.

Nguyễn Phú Hữu – TTYT thị xã Tân Châu

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang