Cổng thông tin điện tử sở y tế tỉnh an giang

Tin hoạt động

An Cư với công tác phòng chống COVID-19 tại xã vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc Khơmer

10:46 09/05/2023

An Cư là một trong xã vùng sâu, vùng xa thuộc thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Dân số An Cư có 9.200 người, trong đó người đồng bào Khơmer chiếm 73.46%. Bên cạnh đó, xã An Cư có khoảng 3.000 dân đi lao động ngoài tỉnh, chiếm 1/3 dân số trong toàn xã.

Vì vậy, công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 được các ngành, các cấp nơi đây đặc biệt quan tâm, tổ chức thực hiện đúng theo quy định của Chính phủ, UBND các cấp và các khuyến cáo của ngành Y tế.

Ông Huỳnh Thanh Hải – Phó Chủ tịch UBND xã An Cư, thị xã Tịnh Biên (bìa phải) thông tin công tác phòng chống COVID-19 tại địa bàn xã An Cư

Trước tình hình diễn biến dịch COVID-19 có chiều hướng gia tăng như hiện nay, để đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng chống COVID-19, ông Huỳnh Thanh Hải – Phó Chủ tịch UBND xã An Cư, thị xã Tịnh Biên cho biết: UBND xã đặc biệt quan tâm, chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền trên loa đài, tần suất phát 03 lần/ngày, được thực hiện bằng 02 thứ tiếng: tiếng Việt và tiếng Khơmer; việc tuyên truyền này giúp bà con nhân dân nắm bắt thông tin kịp thời, đồng thời cũng thông báo cho bà con đi tiêm vắc xin khi có đợt tiêm. Bên cạnh đó, UBND xã còn củng cố nhân sự Tổ y tế cộng đồng, hàng tháng Trưởng ấp phải báo cáo tình hình thông tin lao động từ các tỉnh trở về địa phương; từ đó, Tổ y tế xác định những trường hợp có nguy cơ, biểu hiện của bệnh để kịp thời sàng lọc.

Cô Lê Thị Mỹ Lâm – Tổ y tế ấp Chơn Cô, xã An Cư, thị xã Tịnh Biên thông tin công tác phòng chống COVID-19 tại địa bàn phum, sóc

Xác định tuyên truyền, vận động là một trong những công tác góp phần quan trọng trong phòng chống dịch, nhất là tại phum, sóc; Cô Lê Thị Mỹ Lâm – Tổ y tế ấp Chơn Cô, xã An Cư, thị xã Tịnh Biên cho biết: hiện nay ấp Chơn Cô có trên 730 nhân khẩu, đa phần là người Khơmer nên một số ít còn chưa hiểu rõ lợi ích của việc tiêm vắc xin; vì vậy, Tổ y tế đã tuyên truyền việc tiêm vắc xin là giúp phòng tránh lây nhiễm cho người thân, cộng đồng, làm giảm trường hợp bệnh nặng, giúp phát triển kinh tế - xã hội. Qua tuyên truyền thì đa số người dân đều hiểu rõ và đồng ý đi tiêm vắc xin.

Chị Neang Pha Ly - Ấp Chơn Cô, xã An Cư, thị xã Tịnh Biên (bìa phải) thông tin việc phòng chống COVID-19 tại gia đình

Để công tác phòng chống dịch COVID-19 đạt hiệu quả, không để dịch lan rộng trong địa bàn dân cư, ngoài hệ thống chính trị còn phải có sự chung tay, góp sức của người dân được thực hiện tại từng gia đình. Việc này được chị Neang Pha Ly - Ấp Chơn Cô, xã An Cư, thị xã Tịnh Biên thường xuyên nhắc nhở các con phải rửa tay sạch, rửa tay sau khi đi học về, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Khi nhà trường vận động thì bản thân đã đồng ý cho con đi tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ. Dặn dò các con luôn đeo khẩu trang khi đến trường, nơi tập trung đông người.

Y sĩ Nguyễn Văn Long - Trưởng trạm Y tế xã An Cư, thị xã Tịnh Biên chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong phòng chống COVID-19 tại An Cư

Từ tháng 08/2022 đến tháng 04/2023, trên địa bàn xã An Cư chưa phát hiện ca nhiễm COVID-19 nào. Để đạt được kết quả này, Y sĩ Nguyễn Văn Long - Trưởng trạm Y tế xã An Cư, thị xã Tịnh Biên cho biết: Ngoài việc kiểm soát dịch bệnh được thực hiện thông qua Trạm kiểm dịch y tế quốc tế tại cửa khẩu biên giới; đối với đường mòn, lối mở Ban chỉ đạo huyện hình thành 52 chốt kiểm soát, mỗi 500 mét có một chốt. Khi có trường hợp người từ địa phương khác đến thì Tổ y tế cộng đồng sẽ xác minh, theo dõi, nếu có dấu hiệu bất thường sẽ báo ngay cho Ban chỉ đạo nắm thông tin. Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền vận động người dân từ Campuchia về phải tự theo dõi sức khỏe. Nhận định Tổ y tế cộng đồng là cánh tay nối dài của Trạm Y tế, vì vậy định kỳ ngày 20 tây hàng tháng sẽ họp với Tổ y tế để nắm bắt thông tin kịp thời tại địa bàn từng ấp. Tính đến ngày 27/4/2023, tỷ lệ người dân ở các nhóm tuổi trong toàn xã An Cư được tiêm vắc xin phòng COVID-19 đều đạt chỉ tiêu được giao.

Bên cạnh những thuận lợi, An Cư cũng gặp không ít những khó khăn, vướng mắc trong công tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, cụ thể như sau:

- Tình hình di biến động dân cư: do có 1/3 dân số đi làm việc ở Bình Dương, Tp. Hồ Chí Minh, nên việc tiêm mũi 3, mũi 4 sẽ được thực hiện tại đây. Vì vậy, việc công nhận tiêm mũi 3, mũi 4 sẽ không được cập nhật tại An Cư.

- Một số người dân có tư tưởng chủ quan, lơ là do quan niệm đã hết dịch rồi nên không cần phải tiêm mũi 3, mũi 4. Một số khác thì chưa hiểu rõ lợi ích của việc tiêm mũi 3, mũi 4; nguyên nhân do trình độ nhận thức còn hạn chế, địa bàn sinh sống phum, sóc ở vùng sâu, vùng xa nên cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin.

Minh Hải

Khoa TT-GDSK, TT.KSBT An Giang

 

Văn phòng Sở Y tế An Giang