
Những giọt sữa non đầu tiên trẻ đón nhận từ hai bầu sữa mẹ sẽ quyết định khởi đầu cho một cuộc sống tốt đẹp, viên mãn của trẻ sơ sinh, nếu như không tận hưởng được, trẻ sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, rủi ro do bệnh tật hay suy dinh dưỡng, tính ưu việt của sữa mẹ trong bảo vệ tốt sức khỏe của mẹ và con đã được Tổ chức y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) khẳng định.
Tại huyện Phú Tân, qua kết quả nghiên cứu của Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh AG, giai đoạn 2012-2013, tỉ lệ nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM) hoàn toàn trong 6 tháng đầu chỉ đạt 25,3%, thấp hơn mức trung bình của thế giới là 38% (năm 2018); vậy đâu là rào cản cho hoạt động này? Xin nêu một số tồn tại, hạn chế như sau:
1. Việc ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ trên lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tạo ra những lợi nhuận kết xù trong việc cho ra đời rất nhiều các sản phẩm sữa nhân tạo thay thế sữa mẹ, gắn liền với hoạt động truyền thông, quảng cáo, tiếp thị bằng nhiều phương thức khác nhau, cùng với những lời lẽ “Có cánh” cổ súy, thổi phồng giá trị dinh dưỡng của sữa nhân tạo, điều này ít nhiều gây cản trở cho hoạt động truyền thông, NCBSM của cơ quan y tế.
2. Do điều kiện sinh hoạt, lao động, học tập của lao động nữ, không có thời gian gần gũi chăm sóc, nuôi dưỡng con cái nên phải gửi người thân hay nhà trẻ.
3. Sự tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau trong cuộc sống hiện đại (giữ dáng, làm đẹp, đặc thù nghề nghiệp, xin mỗ lấy thai chủ động…) cùng với tư duy nhận thức, thái độ, thực hành của từng bà mẹ thể hiện ở nhiều góc độ khác nhau.
Hưởng ứng “Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ” từ ngày 01 đến ngày 7 tháng 8 năm 2023, xin đề xuất một số các giải pháp, cần triển khai đồng bộ sau đây:
- Tăng cường công tác kiểm tra liên ngành đối với các cơ sở trong việc chấp hành các quy định về sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, tiếp thị các loại sữa, thiết bị dụng cụ dùng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ theo tinh thần Nghị định 100/2014/NĐ-CP. Quy định về kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ bình bú và vú ngậm nhân tạo.
- Cán bộ phụ trách chương trình suy dinh dưỡng và công tác dân số tuyến y tế cơ sở, phối hợp tốt với Hội phụ nữ địa phương, tổ chức tuyên truyền cho các bà mẹ về lợi ích của việc NCBSM thông qua các Câu lạc bộ Phụ nữ “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”; “ Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế”.
- Các cơ sở y tế có đủ điều kiện đỡ đẻ, trong thời gian lưu giữ chăm sóc sản phụ, trẻ sơ sinh cần có kế hoạch tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn cho bà mẹ và người nhà phải duy trì thường xuyên việc NCBSM đến khi trẻ đủ 24 tháng tuổi.
- Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, tổ chức công đoàn nơi đó cần đề xuất, kiến nghị đến người sử dụng lao động đặc biệt quan tâm, giúp đỡ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho lao động nữ có con nhỏ để chị em tự tin, thoải mái thực hiện thiên chức làm mẹ của mình tại doanh nghiệp.
- Tổ chức học hỏi kinh nghiệm, mô hình hay, cách làm hiệu quả từ các đơn vị bạn, nghiên cứu, ứng dụng, làm thí điểm tại một số xã, thị trấn, nhân rộng ra nhiều địa phương trong tỉnh./.
Bs. Ngô Văn Trung – Khoa KSBT – TTYT Phú Tân
|